Chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp – một giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Từ khóa: chương trình hợp tác doanh nghiệp, giải pháp đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành logistics
Summary
Through the overview of theoretical foundations and the practical model of Co-operative Education Programs being applied at Tra Vinh University, the study shows that the Co-operative Education Program is an advanced training direction that is suitable for the current context. This is also an effective solution in training high-quality human resources in the logistics industry in the future.
Keywords: co-operative education program, training solutions, high quality human resources, logistics industry
GIỚI THIỆU
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng vai trò quan trọng nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn quốc. Vùng này còn đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng cây trái và đặc biệt, chiếm đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 80% sản lượng thuỷ sản của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2022). Mỗi năm, nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất – nhập khẩu của ĐBSCL đạt khoảng 19-20 triệu tấn. Theo một khảo sát năm 2019 với sự tham gia của 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại khu vực này, phần lớn các doanh nghiệp này đã chọn thuê ngoài các dịch vụ logistics. Trong số này, các dịch vụ logistics truyền thống, như: vận tải (quốc tế và nội địa), giao nhận, kho bãi và lưu trữ hàng hóa, cũng như khai hải quan, được thuê ngoại vi nhiều nhất, với tỷ lệ từ 50% đến 99% đối với các doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 9% hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển trực tiếp ở các cảng ĐBSCL. Cụ thể, trong năm 2021, tổng lượng hàng hóa qua cảng biển ĐBSCL là 20,84 triệu tấn, thì chỉ có 1,81 triệu tấn (tương đương 9%) đi trực tiếp qua cảng biển ĐBSCL, trong khi có 19,03 triệu tấn (tương đương 91%) phải qua các cảng biển ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Trung Chánh, 2022). Bởi lẽ đó, ngành logistics luôn được sự quan tâm ưu tiên của Chính phủ, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.
Một trong những yếu tố trở ngại phát triển ngành logistics hiện nay là nguồn nhân lực. Bởi, hầu hết nhân lực trong lĩnh vực logistics hiện nay của Việt Nam đều được đào tạo từ các nguồn khác nhau, chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực logistics đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia. Đối với các công ty, tổ chức và quốc gia, việc có nguồn nhân lực chuyên môn logistics chất lượng là yếu tố quyết định để đạt được hiệu quả và cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành ở nước ta nói chung và khu vực ĐBSCL còn khá hạn chế. Chính vì vậy, các mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics ở khu vực ĐBSCL, cụ thể là Chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp (Chương trình Co-op), cần được nghiên cứu và triển khai thực hiện.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO HỢP TÁC DOANH NGHIỆP
Chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp là gì?
Chương trình giáo dục hợp tác có nguồn gốc từ 1960 tại trường Đại học Cincinnati bởi Giáo sư kỹ thuật Herman Schneider. Giáo sư Schneider đã phát triển kế hoạch kết hợp lý thuyết và thực hành với nhau, kế hoạch hợp tác giáo dục. Kế hoạch này đòi hỏi phải bao gồm: sự thay đổi phối hợp giữa nghiên cứu trong khuôn viên trường và trải nghiệm ngoài trường, thực tế, được trả phí (Sovilla và Varty, 2004). Tuy nhiên, đến năm 1962, thuật ngữ “Giáo dục hợp tác” được định nghĩa chính thức cùng với sự ra đời của Ủy ban Quốc gia về Giáo dục Hợp tác (2002) tại Hoa Kỳ (Carlson, 1999). Theo đó, giáo dục hợp tác là: "...một chiến lược giáo dục có cấu trúc tích hợp việc học trên lớp với việc học thông qua trải nghiệm làm việc hiệu quả trong một lĩnh vực liên quan đến mục tiêu học tập hoặc nghề nghiệp của học sinh. Nó cung cấp những trải nghiệm tiến bộ trong việc tích hợp lý thuyết và thực hành. Hợp tác là sự hợp tác giữa sinh viên, cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng với trách nhiệm cụ thể của mỗi bên".
Theo Dobbelstein và Taylor (2004), định nghĩa giáo dục hợp tác cụ thể hơn “một hình thức giáo dục độc đáo tích hợp lý thuyết trên lớp với kinh nghiệm làm việc thực tế, có kế hoạch và được giám sát trong cả khu vực công và tư nhân. Nó cho phép sinh viên có được các kỹ năng thực tế thiết yếu bằng cách tiếp xúc với thực tế của thế giới làm việc, từ đó nâng cao sự tự tin và định hướng nghề nghiệp. Co-op là sự hợp tác giữa sinh viên, cơ sở giáo dục và người sử dụng lao động với trách nhiệm cụ thể của mỗi bên”.
Chương trình hợp tác giáo dục đến nay đã được phát triển rộng ở các lĩnh vực đào tạo khác (nghệ thuật, kinh doanh, sư phạm…) và ở khắp các cơ sở đào tạo uy tín trên quốc tế, như: Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh. Các quốc gia đang phát triển, như: Brazil, Jamaica, Indonesia, Malaysia, Cộng hòa Nam Phi, Romania, Thái Lan... cũng đã đưa vào áp dụng cho các chương trình giáo dục (Aleisa và Alabdulahfez, 2002).
Lợi ích của chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp
Chương trình Co-op là chương trình mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia gồm: sinh viên, doanh nghiệp và nhà trường.
Đối với sinh viên: Các nghiên cứu thực tế cho thấy, Co-op là một loại hình trải nghiệm làm việc có giá trị rất lớn đối với sinh viên. Theo Garavan và Murphy (2001), ở góc độ người sử dụng lao động nhận thấy sinh viên sau khi tham gia chương trình có thể: nâng cao sự tự tin, tự nhận thức của học sinh và cải thiện các kỹ năng xã hội; nâng cao kiến thức và kỹ năng thực tế; tăng cường cơ hội việc làm; đạt được các kỹ năng cần thiết để bổ sung cho việc đào tạo lý thuyết; và nâng cao quá trình cảm ứng khi sinh viên tham gia lao động. Hay Cooper, Lawson và Orrell (2003) xác định, giá trị của chương trình được thể hiện thông qua các cơ hội mang lại cho sinh viên gồm: áp dụng và phát triển các khái niệm lý thuyết hoặc học tập trên lớp trong môi trường làm việc; xác định hướng đi nghề nghiệp; xác định và sử dụng các kỹ năng chung mà họ đang phát triển; trở thành “hiểu biết làm việc”; thiết lập mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm trong lực lượng lao động.
Đối với doanh nghiệp: Khi xem xét vai trò của giáo dục hợp tác trong các doanh nghiệp, Raheja và Raheja (1999) đã xác định 5 lợi ích chính mà các tổ chức đạt được khi tham gia vào các chương trình giáo dục hợp tác, gồm: Cơ hội xác định và tuyển dụng nhân viên toàn thời gian; Tăng năng suất của nhân viên toàn thời gian nhờ ảnh hưởng tích cực của những sinh viên hợp tác được biết đến là những người có động lực cao; Cải thiện hiệu quả chi phí bằng cách giải phóng những nhân viên chuyên nghiệp khỏi công việc không chuyên nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng tốt vì họ được sàng lọc trước khi tuyển dụng được chấp nhận tham gia chương trình giáo dục hợp tác; và Nâng cao uy tín đến với cộng đồng thông qua việc tham gia vào giáo dục hợp tác chương trình.
Đối với nhà trường: Hiệp hội Giáo dục Hợp tác Thế giới (WACE) và Hiệp hội Giáo dục Hợp tác Nam Phi (SASCE) đã chỉ ra 4 lợi ích của chương trình đào tạo hợp tác cho các cơ sở giáo dục. Đầu tiên, thông qua liên lạc với ngành công nghiệp, doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng, các tổ chức giáo dục nhận phản hồi về chất lượng và phù hợp của chương trình giáo dục. Thứ hai, chương trình này tạo cơ hội nghiên cứu và quan hệ đối tác với ngành công nghiệp và cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển của khu vực và quốc gia. Thứ ba, thông qua phương pháp học tập trải nghiệm ở các doanh nghiệp giúp các tổ chức tiếp cận các thiết bị mới nhất. Cuối cùng, giáo dục hợp tác cung cấp cơ hội nghỉ phép theo ngành cho cán bộ giảng dạy (Stanley, 2005).
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO HỢP TÁC DOANH NGHIỆP TRONG NGÀNH LOGISTICS CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
Tại Việt Nam, chương trình đào tạo hợp tác còn khá mới, đặc biệt trong đào tạo bậc đại học. Trường Đại học Trà Vinh có thể nói là trường tiên phong áp dụng chương trình giáo dục hợp tác (hay còn gọi là Chương trình hợp tác doanh nghiệp - Co-op) cho lĩnh vực ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản vào năm 2016. Theo đó, chương trình Co-op (Co-operative Education Programs) của Trường Đại học Trà Vinh là viết tắt của Chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp - Mô hình đào tạo có sự tham gia trực tiếp của Doanh nghiệp, Nhà trường và Sinh viên với triết lý “Vì lợi ích sinh viên, vì gắn kết cộng đồng, vì việc học gắn với nghề nghiệp và kinh nghiệm”.
Chương trình Co-op là một hình thức giáo dục nghề nghiệp kết hợp giữa việc học tập và làm việc thực tế trong một doanh nghiệp, với 1/3 thời gian đào tạo cho phép sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp như một nhân viên tập sự. Song song với đó, Chương trình còn được tích hợp với chứng chỉ quốc tế Fiata Diploma In International Freight Management do Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) cấp giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp lớn và quốc tế hơn. Theo đó, sinh viên khi tốt nghiệp đã có 1 năm kinh nghiệm thực tập, học việc tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics (từ doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ đến cảng biển), đồng thời được cấp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế của FIATA. Theo đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được thiết kế gồm 2 mô hình: (i) Chương trình đào tạo theo mô hình Co-op và (ii) Chương trình đào tạo theo mô hình Co-op tích hợp chứng chỉ quốc tế (Bảng 1).
Bảng 1: Mô hình Co-op ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Trà Vinh
Mô hình Co-op |
Mô hình Co-op tích hợp chứng chỉ quốc tế |
- Thực chiến 12 tháng tại doanh nghiệp; - Các học phần được giảng dạy song ngữ Anh –Việt; - Đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm trúng tuyển của trường. |
- Thực chiến 12 tháng tại doanh nghiệp; - 100% học phần chứng chỉ quốc tế được giảng dạy bằng tiếng Anh; - Cấp chứng chỉ quốc tế Fiata Diploma In International Freight Management do FIATA cấp và có giá trị trên toàn thế giới; - Đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm trúng tuyển của trường. Đồng thời, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh như B1-VSTEP, PET (B1), Ielts 4.0-5.0, Toefl iBT 30-45, Toefl ITP 450-499, Toeic 400 trở lên (không quá 2 năm kể từ ngày cấp) hoặc điểm TB môn tiếng Anh lớp 12 đạt từ 8,0 điểm trở lên, hoặc đạt kết quả kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào do Trường Đại học Trà Vinh tổ chức đạt từ 7.0 trở lên. |
Nguồn: Trường Đại học Trà Vinh, 2023
Các doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên Co-op đều là các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực logistics và cảng biển, như: FM logistic Việt Nam, ABA Cooltrans, Cảng VIMC Hậu Giang, Cảng VIMC Cần Thơ, Viettel Post, VN Post, SanHa Food… Trong thời gian Co-op, sinh viên được hướng dẫn và thực hiện các công việc nghiệp vụ thực tiễn tại các doanh nghiệp, như: thực hành hệ thống quản lý kho (WMS), quy trình quản lý hàng hóa tại các kho lớn, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, khai báo hải quan, lập chứng từ xuất - nhập khẩu, tìm kiếm khách hàng...
Trải qua kỳ thực tập Co-op của sinh viên, sinh viên có sự cải tiến rõ rệt trong việc đi thực tập Co-op thông qua các kết quả đánh giá của doanh nghiệp, như: mức độ tiếp cận công việc, thái độ làm việc, quan sát, học hỏi, xử lý tình huống của sinh viên tại đơn vị thực tập. Theo kết quả đánh giá của doanh nghiệp qua các kỳ thực tập Co-op của ngành Logistics, 100% doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên Co-op đánh giá tác phong, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng mềm của sinh viên Co-op đạt yêu cầu của doanh nghiệp; 100% đánh giá đạt được kỹ năng chuyên môn và 100% doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận sinh viên trở lại (Bảng 2).
Bảng 2: Kết quả đánh giá của đơn vị tiếp nhận đối với sinh viên Co-op
STT |
Nội dung đánh giá |
Số lượng SV đi thực tập |
Tỷ lệ (%) |
1 |
A. Tác phong, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng mềm |
|
|
Từ 4,0 điểm trở lên |
77 |
100 |
|
Dưới 4,0 điểm |
0 |
0 |
|
2 |
B. Kỹ năng chuyên môn |
|
|
Từ 4,0 điểm trở lên |
77 |
100 |
|
Dưới 4,0 điểm |
0 |
0 |
|
3 |
* Đánh giá chung |
|
|
Đạt |
77 |
100 |
|
Không đạt |
0 |
0 |
Nguồn: Khảo sát kết quả đánh giá từ doanh nghiệp tiếp nhận thực tập, Trường Đại học Trà Vinh, 2023
Ngoài ra, nhằm tăng tính ứng dụng, tạo nguồn thực tập Co-op và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Trường Đại học Trà Vinh đã đẩy mạnh hoạt động ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực Logistics ở trong và ngoài Tỉnh, như: Viettel Post, Tân Cảng STC, Cảng Bến Nghé, Cảng VIMC Cần Thơ, Cảng VIMC Hậu Giang, NhatViet Logistics, San Hà, Mekong Agency, Golden Ship… Đặc biệt, vừa qua, theo đề xuất của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (Valoma) về việc thành lập Chi hội Valoma ở khu vực ĐBSCL và Trường Đại học Trà Vinh được vinh dự đề cử là Chi hội trưởng. Chi hội sẽ là kênh thực hiện triển khai trực tiếp các định hướng, kế hoạch phát triển của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam ở ĐBSCL, góp phần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng lĩnh vực logistics cho khu vực và cả nước.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đánh giá Chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp (Co-operative Education Programs) dưới góc độ lý luận và chỉ ra những lợi ích của Chương trình đối với sinh viên, doanh nghiệp và nhà trường. Đồng thời, nghiên cứu thực tiễn áp dụng Chương trình tại Trường Đại học Trà Vinh trong đào tạo ngành logistics để khẳng định tính đúng đắn của lý luận. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp (Co-op) tại Trường Đại học Trà Vinh là mô hình tiên tiến, có thể giải quyết các vấn đề đặt ra trong đào tạo ngành logistics hiện nay. Mô hình này cần được áp dụng, triển khai đại trà tại các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực logistics.
Tài liệu tham khảo
1. Aleisa, A. M., and Alabdulahfez, M. A. (2002), Cooperative education at the Riyadh College of Technology: Successes and challenges, Asia-Pacific Journal of Cooperative Education, 3(2), 1-7.
2. Carlson, A. (1999), Co-op planet, Northeastern University Magazine, retrieved from http://www.numag.neu.edu/9905/wase.html.
3. Cooper, L., Orrell, J., and Bowden, M. (2003), Workplace-learning Management Manual: A Guide for Establishing and Managing University Work Integrated Learning Courses, Practica, Field Education and Clinical Education, Flinders University-Staff Development and Training Unit.
4. Dobbelstein, T., and Taylor, S. (2004), Analysing the World of Work's Requirements with the Aim of Enthusing Companies About Co-operative Educatuon, Asia-Pacific Journal of Co-operative Education, 5(1), 7-14.
5. Garavan, T.N., and C. Murphy (2001), The Co-operative education process and organisational socialisation: a qualitative study of student perceptions of its effectiveness, Education and Training, 43(6), 281-302.
6. Tổng cục Thống kê (2022). Niên giám Thống kê 2021, Nxb Thống kê.
7. Trung Chánh (2022), Đồng bằng sông Cửu Long “ì ạch” đưa hàng hoá xuất khẩu trực tiếp, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/dong-bang-song-cuu-long-van-i-ach-dua-hang-hoa-xuat-khau-truc-tiep/.
8. Trường Đại học Trà Vinh (2023), Chương trình Co-op, truy cập từ https://coop.tvu.edu.vn/.
9. Trường Đại học Trà Vinh (2023), Trang thông tin tuyển sinh, truy cập từ https://www.tvu.edu.vn/nganh-logistics-va-quan-ly-chuoi-cung-ung-7510605/.
10. Raheja, V., and Raheja, A. (1999), Co-operative education: A new look at the development of intellectual capital, In Proceeding of CEA-WACE International Conference on Co-operative Education.
11. Sovilla, E. S., và Varty, J. W. (2004), Cooperative Education in the USA, Past and Present: Some Lessons Learned, International Handbook for Co-operative Education: An International perspective of the theory, research and practice of work-integrated learning, Boston, Massachusetts: The World Association for Cooperative Education.
12. Stanley, M. (2005), Co-operative education: An effective educational strategy, Journal for New Generation Sciences, 3(2), 105-115.
TS. Nguyễn Thị Thúy Loan, ThS. Dương Kim Hậu
Trường Đại học Trà Vinh
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)
Bình luận