Từ khóa: nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, Đông Á, Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực

Summary

High-quality human resources are considered a key resource for socio-economic development. Reality shows that countries in East Asia have early invested in developing this resource and reaped many great achievements. With many similar natural, economic and social characteristics, Vietnam can refer to and apply those lessons to develop the country in the coming time.

Keywords: human resources, high quality human resources, East Asia, Vietnam, human resource development

GIỚI THIỆU

Đối với mỗi quốc gia, nguồn lực con người nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh và bền vững. Thực tiễn cho thấy, một số quốc gia trong khu vực Đông Á - nơi có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… dựa vào việc đầu tư cho nguồn lực con người và nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành những “con hổ hùng mạnh”, có kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của các quốc gia này vừa giúp Việt Nam học hỏi được cách làm khoa học, sáng tạo, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tận dụng được lợi thế so sánh về nguồn nhân lực của mình trên thị trường quốc tế.

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CỦA MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG Á

Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia đông dân thứ 11 trên thế giới, có mật độ dân số và đô thị hóa cao nhất toàn cầu, đồng thời là một cường quốc kinh tế, dẫn đầu thế giới trong nhiều ngành công nghiệp, như: ô tô, robot, điện tử... Trước sự cạnh tranh gay gắt của các thị trường mới nổi, Nhật Bản xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là quốc sách để giữ vững vị trí và tầm ảnh hưởng của mình. Để làm được điều đó, Nhật Bản tập trung vào giáo dục, đào tạo, đặc biệt là hệ thống đào tạo tại chỗ và thực hiện các chính sách vĩ mô, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống giáo dục rất khoa học, đầy đủ các loại hình, gồm: trường đại học tổng hợp, cao đẳng, cao đẳng công nghệ, trường đào tạo chuyên ngành có nhiệm vụ trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đồng thời, để huy động tối đa các nguồn lực xã hội, nước này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhằm khuyến khích hình thức đào tạo tại chỗ; hình thành hệ thống giáo dục, đào tạo nghề trong các doanh nghiệp... Những chính sách về giáo dục, đào tạo của Nhật Bản giúp cho người lao động có đủ khả năng nắm bắt, sử dụng các kỹ thuật, công nghê ̣tiên tiến, hiện đại một cách nhanh chóng, hiệu quả - điều đặc biệt cần thiết trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Liên quan đến các chính sách vĩ mô nhằm thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhật Bản đặc biệt coi trọng việc tiếp thu các thành tựu, kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển. Điều này thống nhất với chính sách nhập khẩu khoa học, công nghệ của Nhật Bản, đồng thời giúp họ có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện nhiều chính sách khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chẳng hạn, việc cử người đi học tập ở nước ngoài được Nhật Bản chú trọng, khuyến khích, với nhiều nguồn kinh phí khác nhau của cả nhà nước, người đi học, của chủ sử dụng lao động, cũng như đối tác nước ngoài khác.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia không có nhiều thuận lợi về nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nên chính phủ nước này đã sớm nhận thức việc phát triển nguồn nhân lực theo chiều sâu là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhìn khái quát về hệ thống giáo dục của Hàn Quốc có thể thấy, đây là một nền giáo dục hoàn thiện và đầy đủ, được xây dựng theo mô hình kiểu Mỹ và phương Tây. Điểm đặc biệt của Hàn Quốc là xây dựng một “hệ thống giáo dục mở”, mà ở đó, người học - “khách hàng” đóng vai trò trung tâm. Hệ thống giáo dục mở tạo ra sự công bằng về cơ hội giáo dục cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc và mọi nơi. Điều đó, cho phép thực hiện chiến lược giáo dục suốt đời, khuyến khích tối đa tiềm năng của cá nhân trong sự nghiệp làm giàu tri thức của mình, từ đó đóng góp tốt nhất cho quốc gia.

Bên cạnh coi trọng giáo dục, đào tạo, Chính phủ Hàn Quốc cũng rất chú ý đến việc sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, Hàn Quốc luôn cố gắng duy trì chi ngân sách cho hoạt động giáo dục ở mức 5%-10% GDP, có năm đạt tới 19% và trở thành một trong bốn quốc gia dẫn đầu thế giới về chi ngân sách đầu tư cho giáo dục (OECD, 2018). Ngoài ra, Hàn Quốc cũng rất chú ý đến phát triển phúc lợi và tăng cường tính bình đẳng thông qua hàng loạt đạo luật đã được ban hành. Chính phủ thường xuyên mở rộng, xây dựng thêm các trung tâm xúc tiến việc làm, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, tăng bồi thường bảo hiểm lao động cho tất cả các đối tượng, bao gồm cả công nhân thời vụ và làm việc theo ca, để giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề thất nghiệp.

Singapore

Singapore là một quốc gia nhỏ, song có nền kinh tế rất phát triển. “Chìa khóa vàng” giúp nước này phát triển chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển bộ phận nòng cốt, trung tâm của lực lượng lao động xã hội bằng các biện pháp cụ thể, như: sử dụng chính sách giáo dục và đào tạo. Hàng năm, Singapore đầu tư cho giáo dục và đào tạo vào khoảng 20% ngân sách. Để khắc phục những hạn chế của hệ thống giáo dục cũ, chính phủ đã đề xuất "tư duy các trường học quốc gia" theo hướng khuyến khích học sinh của Singapore sáng tạo và tăng cường kỹ năng tư duy phê phán. Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của Singapore đã tạo ra một hệ thống đào tạo có sự phối hợp của doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, các nhóm lao động và cơ sở đào tạo khác nhau. Singapore còn thực hiện hàng loạt chính sách về tiền lương, tiền thưởng, quy định giờ làm việc, đãi ngộ lao động có chất lượng cao. Cơ chế tiền lương ở Singapore rất minh bạch, có sự tham gia của 3 bên: Tòa trọng tài lao động, Ủy ban năng suất quốc gia và Hội đồng quốc gia về tiền lương (Trương Khắc Trà, 2021).

Quốc gia này hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài có kỹ năng thấp, trong khi tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhằm thu hút lao động chất lượng cao. Singapore rất chú trọng tuyển dụng nhân tài nước ngoài thông qua các kênh giáo dục và kinh doanh dựa trên tư tưởng tận dụng “lưu thông chất xám”, khắc chế “chảy máu chất xám”. Với cách làm này, Chính phủ Singapore luôn có nguồn lao động chất lượng cao được bổ sung hằng năm.

Trung Quốc

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay. Để đạt vị thế này, Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, để phát triển nguồn lực con người một cách tốt hơn, Trung Quốc tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Vốn đầu tư cho nguồn nhân lực chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ lệ đóng góp của nhân tài vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc chiếm khoảng 35% (Nguyễn Thu Thủy và Tăng Thị Thu Thủy, 2020). Chủ thể tham gia quá trình này không chỉ từ phía nhà nước, mà còn được mở rộng, đa dạng hóa qua các kênh đầu tư khác nhau, như: đầu tư nước ngoài, đầu tư của doanh nghiệp và công dân. Đồng thời, Trung Quốc còn tiến hành chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng mũi nhọn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đầu tư vào những khu vực còn nghèo ở phía Tây, các vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn rộng lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc thực hiện nguyên tắc “ủng hộ sinh viên đi du học nước ngoài, cho phép và khuyến khích họ tự do trở về nước”. Đồng thời thực hiện chiến lược “Liên kết người Hoa trên toàn cầu”, khuyến khích tri thức Hoa kiều về nước làm việc với chế độ đãi ngộ cao về: lương, thưởng, cấp nhà ở, bảo hiểm y tế, trợ cấp người thân... Ngày càng có nhiều Hoa kiều đảm nhận chức vụ cao trong những lĩnh vực chủ chốt của quốc gia này, như: tài chính, ngân hàng, các học viện, cơ quan nghiên cứu khoa học...

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHUNG TỪ KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG Á

Có thể thấy, các quốc gia Đông Á kể trên có những cách làm riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với thực tế đất nước, nhưng đều có những đặc điểm tương đồng nhất định, cụ thể như:

Luôn đề cao vai trò định hướng của nhà nước

Nhà nước có một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà nước không chỉ thực hiện chức năng chính là định hướng cho sự phát triển nguồn nhân lực, mà còn thực hiện cả chức năng tham gia vào công cuộc xây dựng nguồn nhân lực bằng các biện pháp tài chính - kinh tế - xã hội cụ thể.

Coi trọng giáo dục và đào tạo

Các nước Đông Á đều xác định giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các quốc gia đều tập trung xây dựng một hệ thống giáo dục đầy đủ, hoàn thiện, vừa phù hợp với đặc điểm, tình hình đất nước, vừa phù hợp với một xã hội công nghiệp hiện đại.

Sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, khoa học, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được bổ sung đầy đủ

Chính phủ các nước và doanh nghiệp đều hết sức chú ý đến vấn đề sử dụng hợp lý, khoa học nguồn nhân lực nội sinh, cũng như bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này một mặt làm cho lực lượng lao đông yên tâm làm việc, cống hiến, tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của mình, mặt khác luôn thu hút được lượng chất xám từ bên ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực. Tính đến quý I/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,2 triệu người, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tính đến quý I/2023 là 26,4%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (Tổng cục Thống kê, 2023). Có thể nhận thấy, mặc dù chất lượng nguồn nhân lực đã có sự cải thiện, nhưng để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức do: trình độ nguồn nhân lực còn tương đối thấp; cơ cấu lao động chưa hợp lý cả về trình độ và về phân bố theo khu vực; sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; một bộ phận không nhỏ là lao động phổ thông, đặt ra vấn đề cấp thiết phải đào tạo nghề cho lực lượng này.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia Đông Á, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay như sau:

Đối với Nhà nước

Thứ nhất, cần xây dựng định hướng, tầm nhìn và chiến lược tổng thể về “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả của chính sách đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo gắn liền với đổi mới khoa học và công nghệ. Tập trung thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”.

Thứ ba, xây dựng chính sách tiền lương để phát huy tối đa năng lực của người lao động, đồng thời cải thiện môi trường làm việc an toàn - khoa học - hiệu quả, thu hút nhân tài để tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực.

Đối với doanh nghiệp

Một là, hoàn thiện hoạt động quản lý, đào tạo tại chỗ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp, đảm bảo tính thường xuyên, chủ động, hiệu quả. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tham khảo kinh nghiệm xã hội hóa đào tạo nhân lực của Nhật Bản, Trung Quốc.

Hai là, thực sự chú trọng đến các chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc năng động, thân thiện, tạo cơ hội thăng tiến cho người lao động. Đây là cách mà Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc áp dụng rất thành công trong bồi dưỡng và thu hút nhân tài.

Ba là, tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động và phát triển lực lượng lao động./.

TS. Trịnh Xuân Việt - Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Nguyễn Thu Thủy, Tăng Thị Thu Thủy (2020), Phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 115.

3. OECD (2018), Education at a Glance 2017: OECD Indicators, Annex 3 Sources, methods and technical notes.

4. Phạm Thị Thanh Bình (2021), Lao động chất lượng cao ở Nhật Bản: Thực trạng và chính sách, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, 4(242), 42-50.

5. Tổng cục Thống kê (2023), Thông cáo báo chí tình hình lao động, việc làm quý I/2023.

6. Trần Anh Phương (2023), Cải cách giáo dục và đào tạo ở Nhật Bản hiện nay, truy cập từ https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/3229/cai-cach-giao-duc-va-dao-tao-o-nhat-ban-hien-nay.aspx.

7. Trương Khắc Trà (2021), Cơ chế tiền lương “thông minh” của Singapore, truy cập từ https://diendandoanhnghiep.vn/co-che-tien-luong-thong-minh-cua-singapore-202208.html.