Từ khóa: TP. Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao

Summary

Ho Chi Minh City is a special urban area with largest scale of population and economy of the whole country; it is also the largest eonomic, cultural, education, training, science and technology center of the country, and the driving force to promote the economic and social development of the Southern key economic region and the country in general. To build a civilized and modern city and contribute more to the region and the whole country, Ho Chi Minh city is in urgent need of high-quality human resources to meet this requirement. Within the scope of this article, the author studies the current situation of high-quality human resource development of the city, thereby proposing recommendations and solutions to develop quality human resources to meet the requirements of rapid and sustainable development in the coming time.

Keywords: Ho Chi Minh City, human resources, high quality human resources

ĐẶT VẤN ĐỀ

Văn kiện Đại hội thứ XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đề ra các mục tiêu chiến lược quan trong về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố: “Đến năm 2025: Là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD; Đến năm 2030: Là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu”.

Để đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết đã đề ra và xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị phát triển nhanh, bền vững, thì việc xây dựng cho được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu là hết sức quan trọng và cần thiết.

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TP. HỒ CHÍ MINH

Thực trạng về nguồn nhân lực, quy mô nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực

Về dân số. TP. Hồ Chí Minh có quy mô dân số cùng mật độ dân số lớn nhất cả nước và lớn nhất trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hình 1).

Hình 1: Quy mô dân số TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương (2011-2022)

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Quy mô dân số lớn mang lại cho Thành phố lợi thế về thị trường tiêu thụ và thị trường lao động. Tốc độ tăng dân số của Thành phố duy trì ở mức cao trong nhiều năm chủ yếu do yếu tố tăng cơ học. Tỷ lệ tăng dân số cơ học của Thành phố mặc dù có xu hướng giảm so với 10 năm trước, nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy Thành phố vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với lao động ngoại tỉnh. Thành phần dân nhập cư đến từ nhiều vùng, miền, chủ yếu trong độ tuổi lao động trẻ từ 20-35 tuổi. Tuy nhiên, chất lượng của lực lượng lao động (LLLĐ) này không đồng đều, bên cạnh nhóm học sinh sinh viên đến học tập ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố và ở lại để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, thì phần lớn là lao động phổ thông, trình độ thấp, có người chưa qua đào tạo. Số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 vừa qua cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, cơ bằng cấp, chứng chỉ của Thành phố chỉ khoảng 36,1%[1] - đây vẫn là một tỷ lệ thấp so với vai trò là một trung tâm kinh tế, xã hội, giáo dục - một động lực tăng trưởng quan trọng của cả vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của cả nước nói chung.

Sự gia tăng dân nhập cư vào Thành phố góp phần lấp đầy chỗ trống về thiếu hụt LLLĐ trong các ngành sản xuất, đặc biệt là lao động trẻ, lành nghề và có trình độ. Đồng thời, lao động nhập cư cũng góp phần tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn, làm tăng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, nhà ở, giáo dục, y tế… dẫn đến thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất, hàng tiêu dùng, dịch vụ… Tuy vậy, sự gia tăng này cũng tác động không nhỏ đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Với một lượng lớn dân số nhập cư từ ngoại tỉnh, Thành phố cần phải giải quyết các vấn đề, như: nhà ở, việc làm và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, bao gồm: giáo dục, y tế - chăm sóc sức khỏe…

Ngay sau giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” sẽ là giai đoạn dân số già. Kết quả tổng điều tra 2019 cũng cho thấy, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi của Thành phố đang có xu hướng tăng trong giai đoạn 10 năm qua (từ 4,7% năm 2009 lên 5,6% năm 2019 – gần đến mức 7%-10% tổng dân số[2]). Già hóa dân số của TP. Hồ Chí Minh là hệ quả của hai yếu tố: tỷ suất sinh giảm và tuổi thọ trung bình tăng.

Về quy mô và cơ cấu LLLĐ TP. Hồ Chí Minh

Hình 2: LLLĐ TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2022

Đơn vị: Nghìn người
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

LLLĐ từ 15 tuổi trở lên toàn Thành phố đến năm 2022 có 4,69 triệu người – chiếm 50% tổng dân số toàn Thành phố. Quy mô LLLĐ của Thành phố tăng đều qua các năm – tương đương tốc độ tăng trưởng dân số. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại (Hình 2).

Hình 3: LLLĐ TP. Hồ Chí Minh theo khu vực kinh tế giai đoạn 2018-2022

Đơn vị: Nghìn người
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về cơ cấu, lao động trong thành phố có sự dịch chuyển cơ cấu theo hướng ngày càng CNH-HĐH (Hình 3). Tỷ trọng lao động trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm dần từ 1,7% năm 2018 xuống còn 1,1% năm 2022. Ngược lại, LLLĐ dịch vụ tăng dần, từ 61% năm 2018 tăng lên 65% năm 2022 (Tổng cục Thống kê, 2023).

Về chất lượng nguồn nhân lực

Nếu so sánh với các tỉnh/thành khác trong nước, TP. Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực lớn, với hơn 4,7 triệu lao động và hiệu quả năng suất cao gấp 1,7 lần trung bình cả nước[3]. Đây là kết quả của nhiều sáng kiến trong việc tích cực tăng cường chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, các trường đào tạo nghề đã tăng cường số lượng và khả năng giảng dạy phục vụ nhu cầu nền kinh tế số, khoa học và công nghệ.

So với các nước trong khu vực, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân công giá cả phải chăng. Đây là nền tảng giúp Thành phố thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, Thành phố ngày càng gặp nhiều cạnh tranh từ các nước đang phát triển khác điển hình là Indonesia. Bên cạnh đó, khi công nghệ số và công nghệ cao phát triển mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực giảm xuống, lợi thế về giá sẽ không còn là điểm mạnh chính. Một vấn đề nữa là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, chiếm 64% là thách thức lớn đối với Thành phố trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động.

Hình 4: Tỷ lệ lao động từ 15 tuổitrở lên đã qua đào tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2022

Đơn vị: %
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững
Nguồn: Tổng cục Thống kê

LLLĐ sẵn sàng cho đổi mới công nghệ và kỹ thuật số. LLLĐ trong ngành công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh được đánh giá cao về khả năng gia công phần mềm, xếp thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 18 trên tổng số 100 thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Thành phố cũng quy tụ lực lượng kỹ sư đông đảo nhất cả nước, chiếm 55% số lượng kỹ sư ở Việt Nam (so với Hà Nội với 34% kỹ sư xếp vị trí thứ 2).

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm phần mềm cho khu vực Đông Nam Á của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, như: IBM, AWS và cũng là nơi tập trung của nhiều công ty khởi nghiệp tiềm năng, như: ZaloPay, Momo. Việc tụ hội nhiều công ty công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển, xây dựng hệ sinh thái kinh tế số, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, tăng cường khả năng cạnh tranh của nhân lực và tiếp xúc với những đổi mới tiên tiến nhất.

Đặc biệt, Thành phố đã thể hiện sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ cao, như: an ninh mạng, phân tích data, trí tuệ nhân tạo. Từ năm 2019, Thành phố đã có nhiều chương trình thí điểm dạy học về trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông và đang trong giai đoạn thực thi trên diện rộng cho toàn thành phố.

Trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu của cả nước. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục ở TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ lớn, với 75% các cơ sở đào tào nghề tư thục, so sánh với 45% trung bình cả nước. Điều này cho thấy, Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trong việc huy động các nguồn lực tư nhân vào phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Ở bậc đại học, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm đầu tàu cả nước, với các trường đại học trọng điểm quốc gia, như: Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa, Đại học Y dược... Các trường đại học này cũng thu hút đội ngũ nhà giáo chất lượng cao so với cả nước.

Đánh giá những tồn tại hạn chế nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Hồ Chí Minh

Tỷ lệ thất nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh vào năm 2022 là 4,2%, cao hơn trung bình cả nước ở mức 2,3% và cũng là cao nhất trong nhóm 10 tỉnh thành có LLLĐ lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Thành phố đã tăng 1,3% trong giai đoạn 2018-2022, cũng là mức tăng cao nhất cả nước.

Với định hướng dịch chuyển từ ngành công nghiệp giá trị thấp sang giá trị cao, đi kèm với tự động hóa, số lượng công nhân cần sẽ ít hơn. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao nếu Thành phố không có biện pháp kịp thời. Để hỗ trợ cho sự chuyển đổi này, việc tăng cường đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân công tay nghề thấp là hết sức quan trọng. Đây cũng là một thách thức lớn đối với Thành phố với tỷ lệ lao động được đào tạo có xu hướng giảm, từ 36,8% năm 2018 giảm còn 35,6% năm 2022.

Bên cạnh đó, với vai trò là đầu tàu kinh tế cho cả nước, Thành phố thu hút LLLĐ nhập cư lớn, chiếm khoảng 30% LLLĐ. Nhóm lao động nhập cư này cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trung bình toàn Thành phố, từ 1,4 đến 2,6 lần. Ngoại lệ là năm 2021, do tác động mạnh mẽ của làn sóng Covid-19 thứ hai khiến hơn 500,000 dân nhập cư (chiếm 12% LLLĐ Thành phố) rời khỏi Thành phố do yêu cầu giãn cách khiến nhiều nhà máy đóng cửa hoặc giảm công suất. Đối với người nhập cư, mục tiêu kinh tế là quan trọng nhất và là thước đo cho việc hòa nhập xã hội. Vì thế, chính quyền địa phương nên có các chính sách riêng cho việc tiếp cận việc làm cũng như đảm bảo quyền lợi của đối tượng này.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang diễn ra tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ nghề. Trình độ đại học và trên đại học chiếm hơn 60%, trong khi nhu cầu tuyển dụng hằng năm vào khoảng 15%. Trình độ cao đẳng và trung cấp chỉ cung cấp chưa được 40% nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa cử nhân đại học, với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong tất cả các trình độ. Hệ quả thứ hai là lãng phí tài nguyên xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp khi lao động muốn có việc làm phải đào tạo lại.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ, GIẢI PHÁP

Thứ nhất, Thành phố cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong những lĩnh vực trọng yếu đạt trình độ quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho Thành phố. Tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng mềm, tính kỷ luật, kỷ cương lao động, đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, TP. Hồ Chí Minh tăng cường và thúc đẩy việc triển khai thực hiện Đề án thu hút nguồn nhân lực đã được lãnh đạo Thành phố phê duyệt trong đó vận dụng các cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 98 để tạo ưu tiên về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống cho lao động chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực thông qua chương trình giảng dạy phù hợp với thực tế, sử dụng những chuyên gia của doanh nghiệp hướng dẫn thực hành có kỹ năng tay nghề cao… Tiếp tục thực hiện các chính sách về dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn thuộc hộ di dời, giải tỏa, mất đất sản xuất…

Thứ tư, Thành phố tiếp tục và đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, cung cấp thông tin thị trường lao động chính xác, đầy đủ, công khai.

Thứ năm, tổ chức hiệu quả các sàn giao dịch việc làm định kỳ; tăng số lượng các phiên giao dịch việc làm di động ở các địa phương, các trường đại học, trường nghề để kết nối học sinh khi ra trường với các doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn nghề nghiệp, kỹ năng phỏng vấn, chọn lựa công việc…

Thứ sáu, thế mạnh của Thành phố là phát triển các ngành kinh tế hiện đại có khả năng phát triển kinh tế nhanh bằng cách tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới. Để phát huy được lợi thế này, cần tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực; từ đó, có điều kiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ tương đương với các nước trong khu vực, đồng thời phát triển nhanh các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Đầu tư có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để đa dạng hóa mô hình tạo việc làm, chú ý tạo việc làm tại chỗ trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, ổn định trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, phải phát triển các ngành khoa học kỹ thuật cao để thu hút lao động có chất lượng để tăng thu nhập và khuyến khích người lao động có ý thức nâng cao trình độ. Đặc biệt, cần thực hiện liên kết vùng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao./.

TS. Hoàng Văn Tú - Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Dự thảo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

5. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

6. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định 642/QĐ-TTg, ngày 26/5/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

7. Tổng cục Thống kê (2020-2023), Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh các năm, từ năm 2020 đến năm 2022, Nxb Thống kê.


[1] Số liệu Tổng cục Thống kê và tổng hợp của tác giả.

[2] Theo phân loại mà Ủy ban Kinh tế và xã hội Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7%-9,9% tổng dân số thì dân số được coi là “già hóa”.

[3] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Dự thảo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.