Từ khóa: cơ cấu lao động, việc làm bền vững, thị trường lao động

Summary

In the current trend of integration and globalization, an abundant and young labor force participating in an increasingly large labor market are both an advantage, but also a challenge in terms of employment. While the labor market is always vibrant, jobs are unstable and unsustainable. Based on the current situation of labor restructuring associated with promoting decent jobs in Vietnam today, the article provides some forecasts on labor and employment for the period 2025-2030, thereby proposing solutions in the coming time.

Keywords: labor structure, decent jobs, labor market

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở Việt Nam, “việc làm bền vững” từ lâu đã được xem là một thành phần cấu tạo của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng. Việc làm bền vững là mục tiêu của xã hội hiện đại. Theo đó, người lao động (NLĐ) được làm việc trong điều kiện tốt hơn, an toàn hơn, được bảo đảm về mặt an sinh xã hội, có năng suất và thu nhập cao hơn và bảo đảm sự cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên hiện nay, thiếu việc làm bền vững đang là vấn đề, là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới và đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Phát triển bền vững là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, giải quyết vấn đề lao động và tạo việc làm bền vững, đáp ứng được nhu cầu của toàn xã hội đang là đòi hỏi bức thiết mà tình hình thực tế đặt ra, đặc biệt là với nước ta - một quốc gia đang phát triển, có nguồn lao động dồi dào, phong phú.

MỘT SỐ KHÁI NIỆM

Việc làm

ILO (1982) đã đưa ra khái niệm: “Việc làm là tất cả các hoạt động do những người trong một độ tuổi xác định nào đó thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể, có thể là một tuần hoặc một ngày, để được trả công, hay tạo ra lợi nhuận hay tạo ra lợi ích cho gia đình, bằng tiền mặt hay hiện vật” [1].

Ở Việt Nam, “việc làm” được quan niệm là: Mọi hoạt động tạo ra thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm (Điều 13, Bộ luật Lao động 2012), hay nói cách khác “Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm” (Điều 3, Luật Việc làm năm 2013). Khái niệm này nhấn mạnh tới hai tiêu thức cơ bản “thu nhập” và “tính hợp pháp” để xác định hoạt động lao động được thừa nhận là việc làm. Điều này có nghĩa là, nếu một hoạt động tạo ra thu nhập nhưng vi phạm pháp luật, như: trộm cắp, buôn bán ma túy…, thì không được thừa nhận là việc làm. Mặt khác, một hoạt động dù là hợp pháp và có ích, nhưng không tạo ra thu nhập cũng không được thừa nhận là việc làm như hoạt động nội trợ.

Việc làm bền vững

Theo nghĩa chung nhất, một việc làm bền vững là một việc làm cho phép NLĐ thể hiện mình. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO (2006)[2], việc làm bền vững chính là những khát vọng của con người trong cuộc sống lao động của họ về cơ hội và thu nhập, quyền lợi, tiếng nói và sự thừa nhận; sự ổn định gia đình và phát triển cá nhân; sự công bằng và bình đẳng như nhau, phản ánh mối quan tâm của chính phủ, NLĐ và người sử dụng lao động, những người sẽ cùng nhau tạo ra một sự hợp nhất về đối thoại ba bên.

CCLĐ và chuyển dịch CCLĐ

CCLĐ (Labor Force Structure). Cơ cấu được hiểu theo một cách chung nhất là tập hợp các cấu phần, theo một tỷ lệ nhất định, trong mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với nhau, tạo nên một chỉnh thể thống nhất. Ở Việt Nam, theo Từ điển tiếng Việt, CCLĐ là quan hệ tỷ lệ lao động được phân chia theo một tiêu thức kinh tế nào đó (Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội 1994)

Chuyển dịch CCLĐ (Labor Restructuring) là quá trình biến đổi, chuyển hóa khách quan từ CCLĐ cũ sang CCLĐ mới tiến bộ hơn, phù hợp với quá trình và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Tức là quá trình nhằm làm thay đổi cấu trúc và mối liên hệ về lao động theo một mục tiêu nhất định. Tức là quá trình nhằm làm thay đổi cấu trúc và mối liên hệ về lao động theo một mục tiêu nhất định.

Hay nói cách khác, "chuyển dịch CCLĐ” là quá trình phân phối, bố trí lao động theo những qui luật, những xu hướng tiến bộ, nhằm mục đích sử dụng đầy đủ và có hiệu quả cao các nguồn nhân lực để tăng trưởng và phát triển.

THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CCLĐ GẮN VỚI THÚC ĐẨY VIỆC LÀM BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

Về lĩnh vực lao động việc làm

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến quý III/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại Việt Nam là 52,4 triệu người, tăng hơn 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đến hết quý III năm 2023 là 68,9%, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,0 triệu người, chiếm 26,8%. Lao động có việc làm tiếp tục xu hướng tăng. Trong đó cao nhất là lao động trong khu vực dịch vụ đạt 20,4 triệu người và có xu hướng tăng mạnh nhất trong 3 khu vực (tăng 95,8 nghìn người). Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 17,1 triệu người; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với số lao động là 13,8 triệu người. So sánh cùng kỳ các năm từ 2020 đến nay (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19), sự chuyển dịch cơ cấu ngành giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và hai khu vực còn lại dường như chậm lại [3].

Về tỷ lệ thiếu việc làm quý III/2023, lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động nhiều nhất. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động khoảng 940,9 nghìn người, tăng 0,2 nghìn người so với quý trước và tăng 69,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 2,06%. Do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga - Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng NLĐ tiếp tục bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho NLĐ; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho NLĐ. Các địa phương cũng đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Về chuyển dịch CCLĐ

Trong giai đoạn 2019-2023, quá trình chuyển dịch vẫn đang theo xu hướng giảm tỷ lệ lao động làm trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và tăng lao động làm trong nhóm ngành phi nông nghiệp, trong đó nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có xu hướng thu hút lao động chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành chính trị, quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng cũng có xu hướng tăng trong giai đoạn này. Nhóm tuổi 15-35 tuổi vẫn là nhóm tuổi có xu hướng chuyển dịch CCLĐ mạnh ở hai nhóm ngành công nghiệp xây dựng, dịch vụ, và giảm mạnh ở nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Có sự chuyển dịch về giới tính của nhóm dân số trong độ tuổi lao động theo hướng nam giới tham gia thị trường lao động nhiều hơn nữ giới.

Cùng với đó, cơ cấu ở nhóm tuổi tham gia lực lượng lao động cũng có sự biến đổi. Mặc dù xu hướng chung vẫn là tuổi càng cao, thì tỷ lệ lao động tham gia làm việc trong các nhóm ngành càng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, xem xét mối quan hệ về giới tính và độ tuổi trong nhóm dân số lao động cho thấy, từ 40 tuổi trở lên, nam giới có xu hướng tham gia lao động nhiều hơn so với nhóm nữ.

Xem xét sự chuyển dịch CCLĐ nông thôn - đô thị cho thấy, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm mạnh, trong khi đó nhóm ngành công nghiệp xây dựng lại có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp xây dựng tăng 31,3% và nhóm ngành dịch vụ tăng 6,9%. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, sự chuyển dịch CCLĐ của 2 nhóm ngành này có xu hướng tăng, tuy nhiên, tỷ lệ lao động tăng dần qua các thời kỳ.Trong giai đoạn 2019-2023, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng ở thành thị tăng 6,7%, nhóm ngành dịch vụ tăng 1,3%[4].

Tại các vùng kinh tế trọng điểm, tỷ lệ lao động làm việc tập trung đông nhất ở hai vùng kinh tế trọng điểm: Nam Bộ và Bắc Bộ, thấp dần ở vùng Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù sự chuyển dịch CCLĐ chung của cả nước vẫn đang theo hướng giảm lao động làm việc trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng lao động trong nhóm ngành phi nông nghiệp, nhưng ở mỗi vùng, thì sự phát triển lao động trong các nhóm ngành phi nông nghiệp lại có sự khác biệt. Tại Bắc Bộ, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ có xu hướng không thay đổi. Tại Trung Bộ, lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ có xu hướng giảm. Tại Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ có xu hướng tăng. Trong 4 vùng kinh tế trong điểm, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở vùng Trung Bộ có xu hướng tăng, trong khi đó, ở cả 3 vùng kinh tế trọng điểm còn lại đều có xu hướng giảm.

Mặc dù chuyển dịch CCLĐ từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch còn rất chậm so với yêu cầu của bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.

DỰ BÁO LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2025-2030

Dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất đến năm 2025 và 2030, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động (NSLĐ), tính hiệu quả và bền vững. Dự báo, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25%-30% GDP và đóng góp khoảng 0,63-1,35 điểm % vào mức tăng trưởng GDP hàng năm[5].

Cùng với đó là động lực từ nâng cao NSLĐ và TFP (hay gia tăng chất lượng). Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng cao NSLĐ và TFP bởi những kết quả những năm gần đây vẫn cách xa so với mục tiêu đã nêu. Cùng với việc phát huy tốt các động lực tăng trưởng, NSLĐ Việt Nam dự báo tăng khoảng 4,5%-5% giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6-6,5% giai đoạn 2026-2030 (mục tiêu là 6,8-7%). Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 40%-45% giai đoạn 2021-2025 và 50%-55% giai đoạn 2026-2030[6].

Đến năm 2025, nhu cầu lao động có bằng cấp ngày càng tăng trong khi cầu lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật có xu hướng giảm. Cầu lao động cao đẳng tăng nhanh với tốc độ trung bình 5,4%/năm cho giai đoạn 2021-2025, trong khi lao động có trình độ đại học trở lên chỉ tăng trung bình 4,6%/năm. Lao động qua dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp tăng lần lượt là 4,4%/năm và 2,2%/năm[7].

Tổng cục Thống kê dự báo, dân số của Việt Nam đến năm 2025 đạt 100,5 triệu người. Theo đó, tốc độ tăng dân số trung bình giai đoạn 2019-2025 là 0,9%/năm. Với giả định tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động tương tự giai đoạn trước, tỷ lệ này được duy trì ở mức trung bình là 75% đến năm 2025. Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trung bình mỗi năm tăng thêm 480 nghìn lao động.

Lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ tiếp tục xu hướng giảm xuống, dự kiến trung bình giảm 0,2%/năm từ nay đến năm 2025. Số lao động giảm xuống này sẽ được bổ sung vào các nhóm bằng cấp khác nhau. Trong đó, lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn duy trì tốc độ tăng cao hơn hẳn so với quy mô lao động ở các trình độ thấp hơn. Cụ thể, lao động có trình độ cao đẳng tăng khoảng 5,9%/năm giai đoạn 2016-2020 và tăng chậm hơn trong giai đoạn 5 năm tiếp theo với tốc độ tăng 4,8%/năm. Lao động có trình độ đại học trở lên có tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016-2020 là 5,6%/năm, tốc độ tăng này sẽ chậm lại trong giai đoạn 2021-2025, tăng 4,5%/năm. Với tốc độ tăng này, số lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên đến năm 2025 sẽ đạt 9,7 triệu lao động, tăng 1,6 lần so với lao động cùng trình độ năm 2015. Trong khi đó, lao động trung cấp chuyên nghiệp tăng thấp nhất, trung bình giai đoạn 2021-2025 tăng 1,8%/năm, dự kiến đạt 2,4 triệu lao động đến năm 2025. Lao động qua đào tạo nghề dự kiến tăng 4,1%/năm và đạt 4,1 triệu lao động trong năm 2025.

Như vậy, có thể thấy, tỷ trọng của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ giảm xuống, dù vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, khoảng 72% tổng lực lượng lao động trên 15 tuổi đến năm 2025. 28% lao động có bằng cấp, thì phân bổ chủ yếu là lao động có trình độ đại học trở lên, chiếm 13%; dạy nghề chiếm 7% còn lại là trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng chiếm khoảng 4%. Nếu như không có biến động mạnh từ chính sách đào tạo lao động, có thể thấy CCLĐ theo bằng cấp phía cung vẫn là hình thang bị thắt ở giữa, chưa kể đáy của hình thang ngày càng bị thu hẹp lại.

Đa số các ngành đều tăng nhu cầu sử dụng lao động trong đó, các ngành sẽ có nhu cầu tăng cao là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Thông tin và truyền thông; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Ngành có nhu cầu giảm là khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản, khai khoáng, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tuy nhiên mức giảm không đáng kể.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐẾN NĂM 2030

Để thúc đẩy chuyển dịch nhanh CCLĐ phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy việc làm bền vững cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách

- Để phát huy tác động tích cực của các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCLĐ diễn ra nhanh, hợp lý và bền vững, cần quan tâm hoàn thiện và thực thi có hiệu quả một số chính sách, như: thu hút đầu tư, phát triển ngành, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm.

- Thực hiện chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế không chỉ có ý nghĩa chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo mục tiêu CNH, HĐH, mà còn tạo nhu cầu cũng như khả năng và điều kiện đẩy mạnh chuyển dịch CCLĐ theo ngành ngày càng hợp lý và phát huy hiệu quả vai trò NSLĐ đối với tăng trưởng.

Thứ hai, phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp. Chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh và liên thông đào tạo, nâng cao chất lượng đầu ra. Kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và sau đào tạo; xây dựng các chuẩn đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

- Mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo: Lựa chọn mở rộng quy mô đào tạo từ đó tăng nhanh tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong tổng lao động xã hội.

- Chú trọng hình thành thị trường dịch vụ đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng nghề ngay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để giảm chi phí đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Thu hút nhân tài: Cần có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nhân tài và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đến công tác và làm việc lâu dài ở các địa phương.

- Tiến hành xã hội hóa sâu rộng trong giáo dục nghề nghiệp là điều kiện căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo.

- Thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trong những lĩnh vực công nghệ cao về làm việc tại Việt Nam…

Thứ ba, cải cách kinh tế và tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nền kinh tế

- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Cần khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu khoa học trong nước với ngoài nước. Đây là giải pháp tốt nhất để khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực thúc đẩy CNH, HĐH và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong thời gian tới.

- Cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản để Việt Nam thành một nơi thu hút và tạo những sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần tạo những sản phẩm để các nhà đầu tư đưa vào ứng dụng được sản xuất tại Việt Nam.

Thứ tư, phát triển thị trường lao động nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động

- Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, có giải pháp phân bổ lao động phù hợp theo vùng nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực. Tăng cường kỹ năng cho NLĐ; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ, thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về NLĐ (kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động.

- Phát triển hệ thống định hướng nghề nghiệp tại các trường phổ thông, các đơn vị làm công tác hướng nghiệp.

- Duy trì và phát triển hệ thống dịch vụ việc làm địa phương.

- Thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch CCLĐ theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.../.

ThS. Bùi Thị Thanh Hoa - Phó Trưởng ban

Ban Chiến lược phát triển Vùng, Viện Chiến lược phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

2. ILO (2013), ILO manual “Decent work indicators: guidelines for producers and users of statistical and legal framework indicators.

3. ILO và ADB (2016), The ILO/ADB report on “ASEAN Community 2015: Managing integration for better jobs and shared prosperity”.

4. ILO (2016), ILO Resolution concerning decent work in global supply chains.

5. Tổng cục Thống kê (2021), Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2016-2020, Nxb Thống kê.

6. Tổng cục Thống kê (2021-2023), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm năm 2021, 2022, quý III và 9 tháng năm 2023.

7. Tổng cục Thống kê (2021-2023), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2020 đến năm 2022, Nxb Thống kê.


[1] ILO (1982), Statistics of Labour Force, Employment, Unemployment and Underemployment, 1982 Edition, ILO, Geneva, http://www.ilo.org/public/libdoc/ilo/1982/82B09_438_engl.pdf.

[2] ILO (2006), ILO Resolution concerning decent work

[3] Nguồn: Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê

[4] Tổng cục Thống kê, 2021, 2022, 2023

[5] https://dangcongsan.vn/thoi-su/dong-luc-moi-cho-tang-truong-va-phat-trien-ben-vung-647147.html

[6]https://dangcongsan.vn/thoi-su/dong-luc-moi-cho-tang-truong-va-phat-trien-ben-vung-647147.html

[7] https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM 176309