Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường
Năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế - xã hội của nước ta đã đạt được mục tiêu ở tất cả các lĩnh vực. 3 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh hết sức khó khăn, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, cơ bản đạt được các mục tiêu trọng tâm đề ra.
Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường |
Đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2022 đã đạt được mức tăng trưởng cao, vượt chỉ tiêu đặt ra; tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,36%, mức cao nhất trong những năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53,53 tỷ USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu, duy trì trong top 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngành thủy sản cũng đã có những bứt phá vượt bậc, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023, cùng với khó khăn chung của các ngành, lĩnh vực, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thuỷ sản đều giảm nhiều so với cùng kỳ (giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%), đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống, như: Mỹ, EU; số lượng đơn hàng giảm mạnh. Sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản có những cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn; các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản bị co hẹp.
Năm 2023 giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17 tỷ USD, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD
Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu là kim ngạch xuất khẩu của hai lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nói chung, tăng trưởng ngành nông nghiệp nói riêng, mục tiêu năm 2023 giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17 tỷ USD, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện các mục tiêu trên nhằm góp phần: (i) Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng toàn diện, thực chất và hiệu quả; (ii) Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; (iii) Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; (iv) Khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh đối với 2 lĩnh vực lâm sản và thuỷ sản; (v) Nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, thuế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực thuỷ sản và lâm sản.
Mục tiêu nữa là phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quyết liệt tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC
Quan điểm là nâng cao năng lực cạnh tranh, tự lực, tự cường, tự chủ của các doanh nghiệp. Sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam.
Đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, giám sát và kiểm tra, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, khen thưởng, động viên, xử lý vi phạm; doanh nghiệp tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, tham gia vào an sinh xã hội.
Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời chú trọng khai thác thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và cam kết quốc tế. Đẩy mạnh phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá, quyết liệt tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC, chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khoá bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản bền vững.
Cùng với đó là phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng doanh nghiệp và vai trò của các hiệp hội. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, gắn kết hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành trước những cơ hội và thách thức mới; là ngôi nhà chung của cộng đồng các doanh nghiệp, là cầu nối, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, hội viên; sát cánh cùng các thành viên; hỗ trợ các doanh nghiệp đề xuất ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng nhau phát triển.
Cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ có hiệu quả cùng các hiệp hội, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.
Nhiệm vụ, giải pháp chung là tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh.
Đồng thời, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh gây sách nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; số hóa, giải quyết các thủ tục hành chính và kiểm soát giám sát các hoạt động doanh nghiệp và thu thuế, phí, lệ phí.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá về chiến lược: đào tạo nguồn nhân lực, thể chế, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông để giảm chi phí logistic, điện để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản và thủy sản, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp chủ động vươn lên, tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm có mẫu mã độc đáo, nâng cao chất lượng, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; hỗ trợ các hiệp hội tổ chức hiệu quả các hội chợ triển lãm về đồ gỗ, thuỷ sản, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi nhất là thị trường ngách; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản.
Đồng thời, triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về "Giống", "Thức ăn nuôi trồng thủy sản" và "Hormone HCG" là mấu chốt gia tăng tỷ lệ sống, chất lượng phát triển và giảm giá thành sản phẩm…
Đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tiếp tục thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản; đẩy mạnh hợp tác công tư trong sản xuất, chế biến và kinh doanh đối với lĩnh vực lâm sản và thuỷ sản.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ trồng rừng, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu./.
Bình luận