Thay đổi rất lớn

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Dự thảo chia chương trình học phổ thông thành 2 giai đoạn là: giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông). Theo đó, các môn sẽ được chia thành môn bắt buộc và môn tự chọn.

Trong đó, các môn bắt buộc sẽ giảm dần từ 8 môn ở giai đoạn giáo dục tiểu học, xuống còn 4 môn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; các môn tự chọn sẽ được quy định khác nhau phù hợp với mục tiêu của từng giai đoạn.

Các môn bắt buộc sẽ giảm dần từ 8 môn ở giai đoạn giáo dục tiểu học, xuống còn 4 môn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng tới hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực chung chủ yếu là: Năng lực tự học; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực tính toán; Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Thay vì các môn đơn lẻ như trước đây, chương trình giáo dục phổ thông xây dựng các môn theo hướng tích hợp với 8 lĩnh vực giáo dục: Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên.

Có thể thấy, đây là định hướng tốt, được sự đồng tình của đông đảo dư luận xã hội, bởi, trong chương trình giáo dục hiện hành, học sinh phải học nhiều quá, thuần túy tri thức, không chú ý kỹ năng sống. Chương trình mới đề cập việc thay đổi lại cách học, phẩm chất năng lực học sinh cần đạt được, chú trọng hơn đến giảm kiến thức hàn lâm. Đặc biệt, ở bậc trung học phổ thông hướng tới phát triển năng lực của từng cá nhân, thì phân hóa để đáp ứng được khả năng sở trường của mỗi cá nhân và đáp ứng năng lực của họ.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được biên soạn từ lớp 1 đến 12 với những điểm mới như bảo đảm các bộ môn hài hoà, thống nhất với nhau về mặt nội dung, thời gian, khắc phục những vấn đề tồn tại trước đây như chương trình bị cắt khúc, chồng lấn nhau. Ngoài ra, Chương trình sẽ phát triển cho học sinh không chỉ kiến thức, mà còn là năng lực cũng như đặt ra vấn đề yêu cầu năng lực đạt được của từng cấp học (chuẩn đầu ra hay yêu cầu cần đạt) vào từng môn.

Trong mục tiêu của từng cấp học có nêu cụ thể những phẩm chất, năng lực cần hình thành cho học sinh. Ví dụ đối với bậc tiểu học là đọc thông viết thạo, hình thành thói quen tốt trong học tập và sinh hoạt, định hướng giá trị quê hương, gia đình, dòng tộc... trung học cơ sở là kiến thức phổ thông nền tảng, hình thành khả năng tự học, tự điều chỉnh bản thân theo những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội... trung học phổ thông là kiến thức phổ thông hoàn thiện cao hơn nữa, theo các nhánh khác nhau để các em có thể chọn nghề, phương pháp tự học, hiểu được trách nhiệm, quyền lợi công dânn; Công nghệ - Tin học.

Thể hiện quan điểm đồng tình về định hướng của chương trình khi trả lời báo chí, PGS. Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng “có những môn bắt buộc và tự chọn, rồi tự chọn 1, tự chọn 2, tự chọn 3. Tôi đánh giá như thế là được và đã khắc phục được thiếu sót từ trước đến nay”. Ngoài môn giáo dục công dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm trải nghiệm thực tế và sáng tạo với số tiết không ít (4 tiết/tuần) cho các lớp học từ 1 đến 12. Mục đích đưa học sinh đi vào cuộc sống đời thường, qua đó giáo dục những phẩm chất tốt cho học sinh, gắn các em với đời sống xã hội.

Chủ tịch Hội tâm lý học đường Hà Nội, Hiệu trưởng THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, chương trình giáo dục hiện hành đồng nhất hóa học sinh, như thế là lạc hậu và ôm đồm. Với chương trình mới, ở bậc trung học phổ thông, học sinh được học theo sở thích, sở trường của mình. Như vậy, chúng ta định hướng được khả năng của người học và rất phù hợp xu thế chung của thời đại.

Song, cũng không ít băn khoăn

Mặc dù phần lớn các ý kiến đều ủng hộ định hướng thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên, cũng còn một số băn khoăn về quy định về việc dạy tích hợp ở cấp trung học cơ sở, nghĩa là giáo viên trung học cơ sở sẽ phải dạy những môn học tích hợp. Ví dụ, sẽ có môn học Khoa học tự nhiên là tích hợp kiến thức của 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về công việc của giáo viên sẽ thay đổi ra sao? Họ có đáp ứng được chương trình mới? Liệu ngành giáo dục có giảm biên chế hay không? Một giáo viên lâu nay chỉ dạy vậy lý, theo chương trình mới sẽ phải chuyển sang dạy cả những môn Hóa, Sinh, có đáp ứng được yêu cầu?

Trong khi đó, theo PGS. Văn Như Cương phương pháp tập huấn giáo viên của Việt Nam thời gian vừa qua cũng không mấy hiệu quả. Về hình thức bồi dưỡng, mỗi sở giáo dục và đào tạo cử một số cán bộ phụ trách môn đến nghe tác giả sách giáo khoa tập huấn. Sau đó, họ về truyền lại kiến thức cho giáo viên cốt cán, các cụm trường, phòng giáo dục và đào tạo. Giáo viên cốt cán này bồi dưỡng lại cho giáo viên trường mình.

“Qua mỗi bước truyền đạt, kiến thức bị rơi rụng một phần. Đến giáo viên trực tiếp giảng dạy bị “teo” gần hết. Bồi dưỡng kiểu này giống như việc học nghị quyết, làm thế không ổn” – PGS. Văn Như Cương chia sẻ.

Tuy nhiên, trả lời báo giới, cũng như những băn khoăn của dư luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, một giáo viên có thể dạy được các phân môn hiện nay, bởi đã được học các môn này từ thời học phổ thông, lên đại học lại tiếp tục được học thêm những môn này. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần tổ chức học tập thường xuyên, học hỏi đồng nghiệp để không ngừng nâng cao trình độ.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Chương trình sẽ áp dụng ở mức độ vừa phải, phù hợp trình độ giáo viên hiện nay. Giáo viên sẽ không bị mất việc, nhưng cần phải bồi dưỡng thêm để đáp ứng chương trình mới. Sắp tới, qua quá trình bồi dưỡng và đào tạo mới của trường sư phạm, một giáo viên sẽ dạy được cả một môn tích hợp chứ không cần phân cho nhiều người dạy một môn./.