Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương Trương Hải Long cho biết, Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 là 2 cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo Quyết định số 307/QĐ-TTg, ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 1096/QĐ-BNV, ngày 23/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.

Mặc dù, trong quá trình triển khai thu thập thông tin, cả hai cuộc điều tra đã bị tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt thích ứng của Ban Chỉ đạo các cấp, công tác thu thập thông tin và nghiệm thu kết quả điều tra đã hoàn thành; đạt yêu cầu để xử lý, tổng hợp số liệu công bố kết quả chính thức của cuộc Điều tra theo kế hoạch.

Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương Trương Hải Long phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các đơn vị điều tra có nhiều cải thiện

Báo cáo kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ - Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2020, cả nước có hơn 6 triệu đơn vị điều tra, tăng 7,5% (tương đương tăng 423,6 nghìn đơn vị) so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,8%/năm, cao hơn mức tăng 1,5%/năm giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mức tăng 4,9%/năm giai đoạn 2006-2011. Số lao động trong các đơn vị điều tra năm 2020 là 27,5 triệu người, tăng 4,3%.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, với số lao động là 14,7 triệu người; tăng 35,5% về số doanh nghiệp và tăng 4,9% về số lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp tăng 7,9%/năm và số lao động tăng 1,2%/năm, thấp hơn mức tăng 8,7%/năm và tăng 5,1%/năm của giai đoạn 2011-2016.

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có gần 15,3 nghìn hợp tác xã với số lao động là 167 nghìn người, tăng 17,6% về số hợp tác xã và giảm 16,9% về lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số lượng hợp tác xã tăng 4,1%/năm nhưng số lao động giảm 4,5%/năm, trái ngược với mức giảm 0,8%/năm và mức tăng 0,2%/năm của giai đoạn 2011-2016.

Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể năm 2020 đạt gần 5,2 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động; tăng 5,9% về số cơ sở và tăng 5,2% về số lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tăng 1,4%/năm về số cơ sở và tăng 1,3%/năm về số lao động.

Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,2% về số lao động (giảm 158 nghìn người) so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số đơn vị sự nghiệp giảm 8,1%/năm và số lao động giảm 1,6%/năm.

Các hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 35,7 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và giảm 3,3% về số lao động so với năm 2016.

Cùng với đó, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm việc so với năm 2016.

Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021
Theo kết quả điều tra, số lượng và lao động của các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016.

Đơn vị hành chính, tổ chức chính trị - xã hội có gần 32,3 nghìn đơn vị, giảm 49,1% (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 15,6%/năm.

Báo cáo cũng cho thấy, quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016, giảm mạnh ở khối doanh nghiệp và trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Đáng chú ý, trình độ của người đứng đầu các đơn vị có những cải thiện đáng kể, thể hiện ở tỷ lệ người đã qua đào tạo năm 2020 đạt 53,3%, tăng 5,1% so với năm 2016 và đều tăng lên ở tất cả trình độ.

Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới sáng tạo trong các đơn vị điều tra có nhiều cải thiện, trong đó, khu vực dịch vụ dẫn đầu về số lượng các đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo, còn theo vùng kinh tế thì Đồng bằng sông Hồng là vùng tập trung nhiều đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo nhất cả nước.

Số lượng các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội năm 2020 giảm

Báo cáo kết quả chính thức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nội vụ cho biết, số lượng các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội năm 2020 giảm so với năm 2016.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 32,3 nghìn cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, giảm 49,1% so với năm 2016. Bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020, số đơn vị hành chính giảm 15,6%.Trong đó, số cơ sở thuộc hệ thống hành pháp chiếm số lượng lớn nhất là 25,5 nghìn đợn vị (chiếm tỷ lệ 79%), thứ hai là số cơ sở thuộc hệ thống tổ chức chính trị - xã hội là 4,1 nghìn đơn vị (chiếm 12,8%), tiếp theo là số cơ sở thuộc hệ thống tư pháp với 1,6 nghìn đơn vị (chiếm 4,9%); Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam với hơn 1 nghìn đơn vị (chiếm 3,2%) và Cơ quan thuộc hệ thống lập pháp là 53 đơn vị (chiếm 0,1%). Nguyên nhân giảm số lượng cơ sở hành chính chủ yếu do thay đổi tiêu chí về cơ sở hành chính và do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Xét theo vùng kinh tế, mật độ phân bố các cơ sở hành chính có sự phân hóa rõ nét, vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có số lượng cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng Cộng sản và tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất với 7.574 cơ sở, chiếm 23,4%; thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 6.693 cơ sở, chiếm 20,7%; thứ ba là vùng Đồng bằng sông Hồng với 6.475 cơ sở, chiếm 20%; thứ tư là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 5.689 cơ sở, chiếm 17,6%; vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là 2 vùng có số lượng cơ sở thấp nhất tương ứng là 2.753 và 3.105 cơ sở, chiếm tỷ lệ tương ứng là 8,5% và 9,6%.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng Cộng sản và tổ chức chính trị - xã hội tăng so với năm 2016 do mở rộng quy mô và phạm vi điều tra.

Theo đó, tổng số lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng Cộng sản và tổ chức chính trị - xã hội tại thời điểm 31/12/2020 là 1.382 nghìn lao động, tăng 15% với năm 2016. Nguyên nhân tăng số lượng lao động là do mở rộng quy mô điều tra, phạm vi điều tra về lao động và đơn vị hành chính đến cấp cơ sở, tất cả số lượng lao động trả lương trong đơn vị; tăng do bổ sung một số đơn vị tại Tổng điều tra kinh tế năm 2017 nằm trong khối sự nghiệp, điều tra năm 2021 chuyển sang khối cơ sở hành chính thực hiện và một số trường hợp khác.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, số lượng lao động trong các cơ sở hành chính có sự khác biệt rõ nét. Trong tổng số 1.382 nghìn lao động, số lượng lao động của cơ sở thuộc cơ quan hành pháp chiếm số lượng lớn nhất với 1.276,8 nghìn lao động, chiếm đến 92,3%; tiếp đến là cơ sở thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản với 39,9 nghìn lao động chiếm 2,8%; cơ sở thuộc cơ quan tư pháp là 34 nghìn lao động chiếm 2,4%; cơ sở thuộc tổ chức chính trị - xã hội là 31,2 nghìn lao động chiếm 2,2% và lao động thuộc cơ sở của cơ quan thuộc hệ thống lập pháp chiếm tỷ lệ lao động thấp nhất với gần 2,2 nghìn lao động, chiếm 0,16%.

Tuy số lượng cơ sở hành chính tại vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ đứng vị trị thứ 3 trong 6 vùng kinh tế, nhưng số lượng lao động tại đây lại chiếm vị trí lớn nhất trong 6 vùng kinh tế. Tính đến thời điểm 31/12/2020, số lượng lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước đạt 39,5 nghìn lao động, chiếm 28,7%; thứ hai là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 286,2 nghìn lao động, chiếm 20,7%; thứ ba là vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 238,2 nghìn lao động, chiếm 17,24%; thứ tư là Đồng bằng sông Cửu Long đạt là 180,8 nghìn lao động, chiếm 13,08%; thứ năm là vùng Đông Nam Bộ đạt 180,4 nghìn lao động chiếm 13,05%; cuối cùng là vùng Tây Nguyên đạt 98,9 nghìn lao động chiếm 7,1%.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra cũng chỉ ra một số đặc trưng trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng Cộng sản và tổ chức chính trị - xã hội, cụ thể là: Trình độ của người đứng đầu trong các cơ sở hành chính đạt trình độ từ đại học trở lên và trên đại học chiếm tỷ lệ rất cao; Lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động phân theo nhóm tuổi trong các cơ sở hành chính. Ngoài ra, trình độ đào tạo cũng như năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng cộng sản và tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được nâng cao./.

Tại Hội nghị, Tổng cục Thống kê đã giới thiệu Ấn phẩm "Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả chính thức" với các chỉ tiêu thống kê đa dạng, chuyên sâu và giới thiệu các trang Web khai thác số liệu Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Tổng cục Thống kê cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện các ấn phẩm phân tích chuyên sâu, chia sẻ dữ liệu vi mô Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 với mục tiêu cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho đông đảo các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.