Công tác quy hoạch: Cần thay đổi từ "văn hóa" cạnh tranh sang hợp tác
Ngày 24/08/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng với Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Liên minh các đô thị (CA) tổ chức hội thảo quốc tế “Xây dựng Dự án Luật Quy hoạch – Kinh nghiệm quốc tế và sự lựa chọn cho Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có150 đại biểu, trong đó có nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu về lĩnh vực quy hoạch, cùng với đại diện các ủy ban của Quốc hội, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức phi chính phủ.
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (giữa) cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, các cấp, các ngành đã xây dựng được 19.285 quy hoạch các loại/ Ảnh: Lê Tiên
Không ít quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng “giấy phép con”
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, các cấp, các ngành đã xây dựng được 19.285 quy hoạch các loại. Các quy hoạch này có nhiều chồng chéo, hệ thống quản lý quy hoạch chưa rõ ràng, hiệu quả quy hoạch giảm sút, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Điều đáng buồn là, không ít loại quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng “giấy phép con” trong thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Thực tế cho thấy, quy hoạch chính là một trong những công cụ hữu hiệu giúp Nhà nước trong việc định hướng và điều tiết nền kinh tế vĩ mô trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn lực của đất nước, nhất là đối với những nguồn lực khan hiếm (tài nguyên thiên nhiên, đất đai, khoáng sản…) nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, quy hoạch chính là công cụ để tạo ra khung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm và là kênh cung cấp thông tin cần thiết cho việc xây dựng các chương trình phát triển, các dự án hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, điều đáng nói, nhiều bản quy hoạch chất lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Việc xác định các công trình, dự án ưu tiên trong quy hoạch còn mang tính cảm tính, thiếu tính toán trên cơ sở khoa học, nên không phù hợp với khả năng huy động nguồn lực.
Cụ thể, theo các bản quy hoạch đã có, Việt Nam cần 400 tỷ USD để thực hiện quy hoạch, trong khi khả năng cung ứng vốn của nước ta chỉ khoảng 100-150 tỷ USD.
Nhiều quy hoạch, ngành, sản phẩm chưa thực sự phù hợp với cơ chế thị trường nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí còn cản trở việc thu hút đầu tư và gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thực tế, nhiều sản phẩm do thị trường quyết định (dựa trên quy luật cung – cầu, quy luật cạnh tranh), nhưng vấn được các cấp, các ngành tổ chức lập quy hoạch làm cản trở việc thu hút đầu tư, như quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020, hay quy hoạch phát triển tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời, cũng đã gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Một số quy hoạch ngắn hạn không đảm bảo về chất lượng, thiếu tính khả thi do nhiều dự án quy hoạch xuất phát từ mong muốn chủ quan hơn là dựa trên nhu cầu chung của thị trường.
Một vấn đề khác trong quy hoạch chính là sự thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau và giữa các bộ, ngành với các địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy hoạch tuy ban hành nhiều, nhưng thiếu đồng bộ, không thống nhất, còn nhiều điểm khiếm khuyết, nhất là trong việc quy định giám sát triển khai quy hoạch, đánh giá quy hoạch, cũng như phân công trách nhiệm cho cơ quan thực hiện quy hoạch.
Cần thay đổi văn hóa lập, thực hiện quy hoạch
Hiện nay, Dự thảo Luật Quy hoạch đã được công bố lấy ý kiến của các bộ, ngành. Luật bao gồm các chế định quy định về quy hoạch trên cơ sở kế thừa các quy định có hiệu quả, đồng thời loại bỏ hoặc sửa đổi các quy định không còn phù hợp để quy hoạch tổng thể thực sự trở thành một công cục hữu ích trong quản lý kinh tế và là đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế. Bản Dự thảo gồm 68 điều, được chia thành 6 chương sẽ bao quát tất cả các quy hoạch tổng thể, từ cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia. |
GS. H Detlef Kemmeier (Viện Công nghệ châu Á – AIT), chuyên gia tư vấn về quy hoạch đánh giá, các bộ, ngành hiện đang có sự cạnh tranh và mâu thuẫn nhau trong công tác quản lý quy hoạch. Đặc biệt, vẫn có sự quan liêu trong công tác quy hoạch.
Đồng tình với nhận định của vị chuyên gia nước ngoài về việc có sự cạnh tranh trong công tác quy hoạch, TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat) cho rằng, phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, làm rõ vai trò can thiệp, tạo điều kiện của Nhà nước, xây dựng cơ chế phân cấp và phối hợp rõ ràng, tạo điều kiện cho sự tham gia của các bên liên quan hướng tới mục tiêu phát triển và hòa nhập xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
Để Luật phát huy vai trò, cũng như khắc phục được hạn chế đang tồn tại, TS. Nguyễn Quang nhấn mạnh rằng, cần thay văn hóa cạnh tranh sang văn hóa hợp tác trong công tác lập, thực hiện quy hoạch.
Theo đó, quy hoạch cần có tính linh hoạt giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội; đồng thời, giúp chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch của chính mình. Điều này gắn với phân quyền, phân cấp, cũng như phải có chính sách, công cụ quản lý, cũng như có những chương trình khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để thực hiện.
TS. Quang cũng chỉ rõ, công tác phối hợp là điều cực kỳ quan trọng. Sự phối hợp có thể là phối hợp ngang giữa các bộ, ngành, hoặc phối hợp dọc giữa chính quyền trung ương với địa phương.
Để làm được điều này, theo vị chuyên gia này, cần thay đổi sự nhận thức, thay đổi văn hóa từ cạnh tranh sang hợp tác để xây dựng cơ chế phối hợp để thực hiện quy hoạch.
Quy hoạch phải gắn với cơ chế tổ chức, thực hiện. Tức là phải chỉ rõ nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Phải chỉ rõ mối quan hệ giữa các chủ thể, đặc biệt phải có tính chế tài, để đảm bảo pháp luật của Nhà nước thật sự là nghiêm minh.
Còn GS. H Detlef Kemmeier thì lưu ý, mục tiêu của quy hoạch là phát triển theo hướng bền vững, làm sao có công bằng xã hội, môi trường được bảo vệ. Thế nhưng, các nước đang phát triển như Việt Nam, mới chỉ quan tâm tới tăng trưởng, tới tăng trưởng GDP, mà chưa quan tâm tới cuộc sống của người dân.
Phần khó nhất, theo vị chuyên gia này là tìm một hướng đi quan trọng cho Luật Quy hoạch. Theo quan điểm của ông, cần lưu ý những điểm sau khi thảo luận về Luật này là: các bên liên quan có thể đảm bảo tuân thủ Luật hay không? Để đảm bảo việc tuân thủ, cũng như tương tác tốt hơn giữa quy hoạch với các bộ, có cần phải xem xét sửa đổi các luật liên quan khác hay không? Có sự cạnh tranh giữa các quy hoạch có thể trở thành công cụ bổ sung hữu hiệu cho công tác tổ chức tốt bộ khung quy hoạch hay không?
Ở một gốc độ khác, ông Lawrie Wilson, Giám đốc Dự án Quốc tế của Hansen Partnership Pty cho rằng, cải cách quy hoạch là một quá trình liên tục được cải thiện.
“Dự thảo Luật Quy hoạch phải được coi là sự khởi đầu cho một quá trình, và có thể nói đây là sáng kiến quan trọng nhất trong công cuộc cải cách quy hoạch mà tôi từng biết trong suốt hơn 20 năm làm tư vấn quy hoạch tại Việt Nam. Nếu như Dự thảo này được thông qua, nó sẽ là nhân tố thúc đẩy cuộc cải cách không ngừng của toàn bộ hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển của Việt Nam” ông Lawrie Wilson chỉ rõ./.
Bình luận