Đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV còn chưa “đúng” và chưa “trúng”
Công tác đào tạo còn nhiều bất cập
Tại hội thảo, đánh giá sơ bộ kết quả đạo tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Bùi Thu Thủy cho biết, một số năm gần đây, chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những điều chỉnh về nội dung đào tạo, nên đã đạt những kết quả tích cực, như: Chương trình đã nhận được sự quan tâm của các bộ, tổ chức hiệp hội và đáp ứng nhu cầu khởi sự và quản trị doanh nghiệp cơ bản; Các đơn vị triển khai đào tạo đã bước đầu chú trọng đến nội dung thiết bài giảng chuyên sâu theo ngành đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; Phần nào đã giảm hoạt động đào tạo dàn trải mà tập trung sâu hơn cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Tuy nhiên, bà Thủy cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn có nhiều bất cập. Cụ thể: nội dung đào tạo còn mang tính tổng quát, thiếu hấp dẫn đối với học viên, nên công tác chiêu sinh còn gặp nhiều khó khăn; Mô hình thí điểm đào tạo qua truyền hình, internet còn gặp khó khăn về thiết kế nội dung và lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ; Nguồn ngân sách còn hạn chế, mới đáp ứng một phần nhu cầu đào tạo; Các đơn vị triển khai đào tạo nguồn nhân lực còn chưa đủ năng lực; Thời gian thông báo ngân sách còn muộn.
Chia sẻ thực tế triển khai chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương mình, ông Lương Văn Long, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dù Tỉnh đã cố gắng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhưng công tác đào tạo vẫn chưa hiệu quả, số lượng doanh nghiệp tham gia đào tạo còn ít.
”Nguyên nhân của hầu hết các khó khăn, hạn chế nêu trên là do phần lớn các doanh nghiệp tập trung phát triển kinh tế, không chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, không sắp xếp được thời gian, một số doanh nghiệp khó khăn đi lại, thiếu nguồn nhân lực trong công ty, việc huy động các nguồn tài trợ và thực hiện cơ chế thu học phí để thu hút học viên tham gia các khóa học còn gặp nhiều khó khăn cho việc phối hợp tổ chức”, ông Long cho biết.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện Nghiên cứu Phát triển Doanh nhân lại cho rằng việc không thu hút được học viên chủ yếu là do nội dung đào tạo không sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Giá trị thực tiễn của các khóa học còn thấp.
“Việc tổ chức lớp rất khó khăn do việc đào tạo chỉ cung cấp năng lực và không giúp biến cái năng lực đó thành hành động cụ thể hay chất xám vững bền. Học xong không dùng đến, nên có những người suốt đời đi học mà vẫn không thành công”.
Cần phải làm gì?
Trước thực trạng việc đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kém hiệu quả, ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, cần thiết phải tổ chức các khóa đào tạo có giá trị thực tế cao. Trước khi tổ chức những khóa học, các đơn vị đào tạo cần khảo sát, đánh giá năng lực của doanh nghiệp xem họ yếu ở đâu để thiết kế nội dung bài giảng sao cho phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp nhất.
Tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm thành công của trường mình, TS. Nguyễn Gia Tín, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định cho biết, các đơn vị đào tạo cần chú ý đến 3 yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo, đó là Chương trình đào tạo tiên tiến sát thực tế sản xuất; Đội ngũ giảng viên yêu nghề, tâm huyết với nghề và có chuyên môn giỏi; Cơ sở vật chất phục vụ đào tốt.
Đồng tình với những ý kiến trên, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết thêm, các đơn vị đào tạo cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức đa dạng các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn, trong đó chú trọng vào việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa các trường đào tạo và hiệp hội doanh nghiệp…/.
Trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực là một trong 8 chính sách trợ giúp của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/06/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ khuyến khích các tổ chức hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội thành lập và củng cố các tổ chức trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình trợ giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển dịch vụ phát triển kinh doanh. Cơ quan chủ trì là Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Bình luận