Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân,và Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 23/08/2016.

Toàn cảnh Hội thảo

Chúng ta đang tụt hậu?!

Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, PGS, TS. Lê Xuân Bá chua chát: “Thời gian qua, Việt Nam chạy nhanh, nhưng nhiều nước còn chạy nhanh hơn. Chính vì vậy, tụt hậu về kinh tế không chỉ còn là nguy cơ, mà đã hiện hữu và đang trong xu hướng ngày càng tụt hậu hơn so với nhiều nước”.

Thực tế, giai đoạn 1991-2010, Việt Nam đã trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực và cả thế giới.

Trong vòng 20 năm, tăng trưởng bình quân năm đạt 7,43%. Với thành quả đó, Việt Nam đã vượt qua hai cửa ải quan trọng, đó là: (i) Vượt ra khỏi suy thoái kinh tế triền miên trong nhiều năm liền và (ii) thoát khỏi danh sách các nước đang phát triển có mức thu nhập thấp (năm 2008).

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2011-2015, phát triển kinh tế có nhiều dấu hiệu suy giảm, tăng trưởng GDP bình quân năm chỉ còn 5,9%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra (KH: 6,5%-7%).

Điều đáng nói ở đây là sự suy giảm tốc độ tăng trưởng lại diễn ra trong khi bước sang năm 2011, Việt Nam bắt đầu triển khai nhiều đề án tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện các khâu đột phá quan trọng trong nền kinh tế.

Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kéo theo mức độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người không cao và sau 8 năm nằm trong danh sách các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, chúng ta mới chỉ đạt mức 2.109 USD/người, khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình ngày càng rõ hơn.

Nguyên nhân được các nhà khoa học thẳng thắn chỉ ra đó là bởi các động lực tăng trưởng cũ đã tới hạn, các động lực tăng trưởng mới đang bộc lộ nhiều bất cập cần giải quyết.

Thay mặt nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, GS, TS. Ngô Thắng Lợi chỉ rõ, động lực tăng trưởng theo ngành hiện nay chưa phản ánh đúng lợi thế so sánh nguồn lực của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp. Bởi, với mức thu nhập đạt trình độ trung bình thấp, giá lao động cũng đang có xu hướng tăng lên, lợi thế so sánh của Việt Nam phải là ở những sản phẩm công nghiệp có dung lượng vốn và lao động ngang nhau - các ngành công nghiệp thế hệ thứ 2, như: cơ khí chất tạo, sản xuất ô tô, tầu thủy, sản phẩm điện tử tin học…

Mặt khác, hiệu quả của tăng trưởng thấp do các sản phẩm động lực tăng trưởng hiện nay đều có giá trị gia tăng thấp; cuối cùng, việc chạy theo các sản phẩm gia công lắp ráp đã không tạo động lực phát triển các ngành có lợi thế trong nước liên quan đến cũng cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất và chế biến như ngành nông nghiệp hoặc phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ.

“Vì thế, nếu tiếp tục khai thác động lực tăng trưởng nói trên sẽ có tác động ngược đến quá trình phát triển kinh tế đất nước, làm cho Việt Nam đứng mãi ở điểm cuối của chuỗi giá trị toàn cầu và sẽ không có cơ hội để tận dụng các yếu tố lợi thế so sánh khác”, GS, TS. Ngô Thắng Lợi khẳng định.

Một trụ cột khác của nền kinh tế là khu vực FDI cũng cho thấy những bất cập. Đó là đóng góp FDI vào tăng trưởng vẫn chỉ là FDI mang tính tận dụng lao động, thực hiện việc gia công lắp ráp sản phẩm hoặc khai thác tài nguyên. Việc thực hiện liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước thiếu hiệu quả nếu không nói là khu vực này đang có xu hướng chèn ép khu vực sản xuất trong nước.

Đã vậy, trong khi doanh nghiệp FDI xem như là yếu tố quyết định “vực” tăng trưởng của Việt Nam khỏi suy thoái, thì doanh nghiệp trong nước, nhất là các donh nghiệp tư nhân luôn gặp khó khăn, vai trò đóng góp trong tăng trưởng có xu hướng giảm đi và hiện tại chỉ đóng góp dưới 50% tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế; các doanh nghiêp nhà nước hiệu quả hoạt động thấp, chi phối khoảng ¼ tăng trưởng GDP.

Điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn là nước đứng thứ 3 (sau Nhật Bản và Hàn Quốc) chi phối tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên các doanh nghiệp FDI Trung quốc phần lớn là các doanh nghiệp quy mô rất nhỏ (vốn đầu tư trung bình của 1 dự án Trung quốc trong 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 2 triệu USD) thấp hơn (chỉ bằng ¼) mức trung bình của các dự án đầu tư nước ngoài (6,5 triệu USD). Các dự án đầu tư quy mô nhỏ kèm theo công nghệ lạc hậu, hao tốn điện năng và gây ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế.

Một vấn đề khác cũng được mổ xẻ đó là yếu tố vốn. Theo ông Lợi, vốn là yếu tố động lực tăng trưởng xét theo cấu trúc đầu vào thể hiện tính bất hợp lý khá rõ ràng so với bức tranh tăng trưởng chúng ta muốn hướng tới, là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, với mức đóng góp của TFP phải vượt lên con số 50% (như các nước Hàn Quốc: 51,5%; Trung Quốc: 52%, Thái Lan: 53%, Indonesia: 49%, Malaysia: 49%.

Thế nhưng, tăng trưởng của Việt Nam cho đến 6 tháng đầu năm 2016 vẫn chỉ là kết quả của tăng trưởng theo chiều rộng (chiếm xấp xỉ 70%), trong đó của vốn vẫn trên 50% (năm 2012 lên tới 68,72%).

Đi tìm động lực cho giai đoạn mới?

Trong bối cảnh mới, Việt Nam không thể đứng một mình. Các cam kết FTA với 55 nước đặt ra yêu cầu làm sao hài hòa các cam kết này với khuôn khổ pháp luật trong nước. Và như vậy, hội nhập quốc tế sẽ là cơ hội tạo thêm động lực cho phát triển, là nguồn bổ sung ngoài cho sự phát triển đất nước.

Tại bối cảnh đó, GS, TSKH Nguyễn Quang Thái cho rằng, cần đổi mới tư duy phát triển dựa trên quan điểm phát triển hài hóa, hướng tới phát triển bền vững.

Vị chuyên gia này chỉ rõ, nếu “đóng gói” các giải pháp theo tư duy cũ, “một mình một chợ”, cái gì thế giới có ta cũng học theo nửa vời, thì không thể có một chiến lược tiến cùng thời đại.

Từ những năm 1980, thành tựu của chúng ta có được là thành quả của cải cách nhờ “tháo cởi” các rào cản. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Thái, cần thực thi quan điểm tăng trưởng hài hòa, bao trùm.

Theo đó, động lực phát triển của chiến lược tăng trưởng bao trùm gắn với sự phát triển con người toàn diện gồm: Tăng việc làm có năng suất; Cải thiện hệ thống y tế, giáo dục và Đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội.

Đồng tình với quan điểm rằng, những cải cách thời gian trước là sự “tháo cởi” các rào cản, PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo thẳng thắn gọi tên động lực của sự phát triể chính là “lợi ích”.

Thực tế, công cuộc đổi mới thành công là vì đã giải phóng được sức sản xuất. Hiện nay, thể chế chính trị chưa đổi mới kịp với đổi mới kinh tế. Do đó, sắp tới, nếu đứng từ lợi ích, Việt Nam có thể tìm thấy động lực của mình thông qua việc sắp xếp và chỉ ra các véc tơ lợi ích. Véc tơ lớn nhất mang lợi ích của quốc gia dân tộc. Bên cạnh đó, có những véc tơ lợi ích nhóm đi ngược với lợi ích quốc gia. Việc của Nhà nước là phải công khai, minh bạch các véc tơ để thấy được cái có lợi, không có lợi để thực hiện. Điều quan trọng, theo vị chuyên gia này là phải có sự giám sát của xã hội.

Còn TS. Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đặt ra là quản trị phát triển thế nào? Phải quản trị sao cho phù hợp với quốc tế và chơi được với quốc tế?

Nghiên cứu kinh nghiệm thế giới thì thấy, chi phí thể chế thấp nhất, vì thế theo ông Bình, động lực đầu tiên là thể chế. Theo đó, cần xây dựng được một thể chế giúp đảm bảo một môi trường sản xuất, kinh doanh với chi phí thấp nhất.

Ông Bình cũng cho rằng, động lực thứ hai là sáng tạo và Nhà nước phải bảo hộ sự sáng tạo đó. Đồng thời, cần phải tăng tính liên kết, tạo động lực kéo chuỗi toàn cầu về.

Ở một góc độ khác, GS, TS. Nguyễn Kế Tuấn đánh giá, điều quan trọng cần đề cập thêm một vấn đề là làm sao tổng hợp được các nguồn lực đó thành một tổng hợp lực, chứ mạnh ai nấy làm sẽ làm triệt tiêu động lực.

Hiện nay, đang tồn tại những yếu tố kìm hãm, thậm chí triệt tiêu động lực. Trước mắt, theo ông Tuấn là tình trạng tham nhũng, lãng phí rất lớn đang được báo chí công bố vừa qua.

“Hiện trạng đó khiến người ta ngao ngán, không còn động lực nữa. Chúng ta mày mò hêt động lực này, đến động lực kia, nhưng nếu phải đối diện với một tình trạng “tham nhũng, lãng phí đã diễn biến ổn định”, thì các động lực cũng bị triệt tiêu”, ông Tuấn lý giải.

Vì thế, ông Tuấn cho rằng, cần có những hành động kịp thời, mạnh mẽ để lấy lại lòng tin. “Mất lòng tin thì đừng nói gì đến động lực nữa”, ông Tuấn thẳng thắn./.