Với tinh thần đi đầu trong đổi mới và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất chú trọng công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp cũng như tiếp cận và chia sẻ, kết nối thông tin. Không chỉ có vậy, việc tăng cường hiện đại hóa trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã góp phần thay đổi cách làm việc trong cơ quan đăng ký kinh doanh, bước đầu đem lại một số kết quả đáng ghi nhận.

Xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Trước hết, việc hiện đại hóa và chuyển đổi số trong hoạt động đăng ký doanh nghiệp đã góp phần xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trở thành hệ thống cốt lõi về doanh nghiệp trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đăng ký kinh doanh tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Hiện đại hóa trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã góp phần thay đổi cách làm việc trong cơ quan đăng ký kinh doanh

Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được pháp lý hóa, là cơ sở dữ liệu đầu tiên đã cơ bản hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2010. Theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/05/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là 1/6 cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Nhu cầu kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm mục tiêu xác minh thông tin doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương là rất lớn. Hiện nay, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được kết nối với cơ quan đăng ký kinh doanh ở 63 tỉnh, thành phố.

Hiện nay, Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã mở rộng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp tuân thủ Khung Kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 với hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương, bao gồm: Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ (Cổng Dịch vụ công quốc gia) và các hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh (đã kết nối với 47 tỉnh, thành phố). Ngoài ra, Hệ thống đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp với các đơn vị thuộc Bộ, bao gồm: Cục Quản lý đấu thầu, Trung tâm Tin học, Cục Phát triển doanh nghiệp. Theo số liệu cập nhật của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng số lượt trao đổi dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 là 7.836.534, tăng gần 6,2 lần so với với cùng kỳ năm 2020 là 1.257.017 lượt.

Liên thông điện tử giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp

Bên cạnh đó, việc tăng cường chuyển đổi số trên lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp còn được thể hiện trong việc thực hiện liên thông điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, từ năm 2010, hệ thống của cơ quan đăng ký kinh doanh và hệ thống của cơ quan thuế đã thực hiện liên thông điện tử tự động, truyền nhận dữ liệu theo quy trình thống nhất từ cấp Trung ương đến cơ quan đăng ký kinh doanh của 63 tỉnh, thành phố. Thời gian truyền nhận thông tin trung bình không quá 1 ngày làm việc. Việc liên thông điện tử tự động giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế làm giảm thời gian đăng ký và tăng hiệu suất làm việc, phối hợp trao đổi thông tin giữa hai cơ quan. Đây là một bước tiến lớn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đưa thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trở thành mô hình liên thông điện tử đầu tiên được thiết lập trong khối cơ quan quản lý nhà nước ở nước ta.

Tiếp đó, từ tháng 10/2020, các thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội và khai trình lao động cũng đã tích hợp vào quy trình đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 122/2020/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, công tác đăng ký kinh doanh đã được tin học hóa, hiện đại hóa theo kinh nghiệm quốc tế, giúp giảm thời gian, chi phí gia nhập thị trường, góp phần minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và đề cao quyền tự do kinh doanh của công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Cùng với đó, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cũng được chú trọng triển khai, đưa Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với các cá nhân và tổ chức, người dân trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.

Thời gian qua, mức độ quan tâm của người dân, doanh nghiệp đối với thông tin đăng ký doanh nghiệp và các dịch vụ công về đăng ký doanh nghiệp ngày càng tăng. Theo số liệu cập nhật từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, ước tính đến nay, đã có gần 873 triệu lượt truy cập trên Cổng, cho thấy Cổng thông tin đã trở thành địa chỉ tin cậy và thiết yếu, giúp người dùng dễ dàng tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ công về đăng ký doanh nghiệp (địa chỉ truy cập Cổng: https://dangkykinhdoanh.gov.vn)

Các ứng dụng được truy cập nhiều nhất trong thời gian qua trên Cổng thông tin là ứng dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử do việc đẩy mạnh công tác này tại hầu hết các địa phương trên cả nước, tiếp đó là ứng dụng dịch vụ thông tin và ứng dụng bố cáo điện tử.

Bên cạnh đó, tất cả các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp hiện nay đều có thể thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với 18 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 4 và 04 dịch vụ công được triển khai ở mức độ 3; đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy tính đến tháng 9/2021, tỷ lệ đăng ký qua mạng cả nước đạt trên 80%. Bên cạnh đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp rút ngắn thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cả nước xuống chỉ còn 2 ngày.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo công tác đăng ký kinh doanh diễn ra bình thường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã chủ động nâng cấp Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để các cán bộ, công chức, viên chức vẫn có thể xử lý được các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại nhà, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc, tập trung đông người, đồng thời đảm bảo công tác đăng ký doanh nghiệp trên toàn quốc không bị gián đoạn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh./.