Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức được bắt đầu từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động.

Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2019 là 147.387 lao động, trong đó, Hàn Quốc chiếm tới 7.215 lao động.

Nhưng kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và phát tán khắp thế giới. Để an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó Hàn Quốc ngừng tiếp nhận đến tháng 4/2021.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là 78,6 nghìn lao động, trong đó, số lao động xuất cảnh vào thị trường Đài Loan là 34,5 nghìn lao động, chiếm gần một nửa tổng số lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2020.

Năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường Hàn Quốc mở cửa trở lại từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS).

Năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45.058 lao động, trong đó, thị trường Hàn Quốc là 1.036 lao động.

Đẩy mạnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng
Thị trường Hàn Quốc mở cửa trở lại từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS)

Sang đến năm 2022, các chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Hàn Quốc đã có sự thay đổi, nhằm phục hồi phát triển kinh tế. Một trong những chính sách đó là mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Theo đó, năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong các ngành nghề kỹ thuật (thị thực E-7), trong đó có lao động lĩnh vực đóng tàu (thợ hàn, thợ sơn, thợ điện…) theo hướng tăng chỉ tiêu tiếp nhận và giảm yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc.

Theo đó, Hàn Quốc yêu cầu người tốt nghiệp từ đại học trở lên chuyên ngành tuyển dụng được miễn yêu cầu về kinh nghiệm làm việc; người tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng trở lên yêu cầu tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong ngành tuyển dụng tính từ thời điểm được cấp bằng hoặc chứng chỉ nghề liên quan.

Để đẩy mạnh việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng, về phía Việt Nam, trong tháng 9/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã có thông báo về việc tổ chức kỳ thi tiếng Hàn năm 2022 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (EPS) trong ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển dụng sau kỳ thi của từng ngành gồm: Ngành sản xuất chế tạo 1.500 người; ngành nông nghiệp 855 người và ngành ngư nghiệp 422 người. Người lao động tham dự kỳ thi sẽ trải qua 2 vòng là thi tiếng Hàn trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm và thi tay nghề.

Đặc biệt, để hỗ trợ tối đa về tài chính cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP, ngày 8/7/2022 về việc ký quỹ và hỗ trợ cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).

Theo Nghị quyết số 83/NQ-CP, người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở Hàn Quốc theo Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam trong Chương trình EPS được vay đến 100 triệu đồng, để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Nhờ đó, tính riêng trong 9 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động, thì Hàn Quốc chiếm 1.668 lao động.

Thông tin về tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, tính đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp, thông qua nhiều hình thức.

Trong đó, đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS), đây là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay có hơn 100.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc và hiện có gần 28.000 lao động đang làm việc (visa E9) tại Hàn Quốc theo Chương trình này.

Người lao động có mức thu nhập bình quân từ 1.500 – 2.000 USD/tháng và được hưởng quyền lợi và các chế độ bảo hiểm theo quy định dành cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc và theo hiệp định song phương giữa hai nước về bảo hiểm xã hội được ký vào tháng 12/2021.

Hiện có 9 địa phương gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau và Quảng Bình đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và đưa gần 1.000 lao động đi làm việc, 17 tỉnh đang xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc./.