Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo đáp ứng điều kiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, triển khai quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14, ngày 10/11/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 4561/LĐTBXH-QLLĐNN, ngày 10/11/2022 yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 có trách nhiệm rà soát, bổ sung đầy đủ điều kiện và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 01/01/2023.
Công văn số 4561/LĐTBXH-QLLĐNN do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan ký nêu rõ, nội dung và mẫu báo cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Nghị định số 112/2021/NĐ-CP, ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nhập thông tin trực tuyến tại địa chỉ: (bit.ly/3UvyyUK).
Đến ngày 01/01/2023 nếu doanh nghiệp không bổ sung đầy đủ điều kiện theo quy định và gửi báo cáo rà soát, thì phải chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bị thu hồi Giấy phép. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành quyết định thu hồi Giấy phép theo quy định của pháp luật.
Tính đến ngày 31/10/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước) mới nhận được báo cáo đáp ứng điều kiện của 68 doanh nghiệp.
Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 2 bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng |
Theo Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH, ngày 08/10/2007 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP, ngày 01/8/2007của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có quyết định thu hồi Giấy phép, doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại cho Cục Quản lý lao động ngoài nước Giấy phép đã được cấp và báo cáo về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài; số lượng người lao động đã tuyển chọn đối với những hợp đồng còn hiệu lực, các khoản đóng góp của người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài; việc đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng còn hiệu lực. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật và trách nhiệm đối với người lao động theo các hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp dịch vụ báo cáo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc hoàn thành nghĩa vụ kèm theo các tài liệu chứng minh việc hoàn thành các nghĩa vụ đó. Cục Quản lý lao động ngoài nước xem xét và có văn bản để doanh nghiệp rút tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.
Do các doanh nghiệp vi phạm, nên trên thực tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã từng thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Thương mại IIG Việt Nam; Công ty cổ phần Quốc tế Thái Minh; Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 2; Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Sài Gòn…
Nguyên nhân các doanh nghiệp trên bị thu hồi giấy phép là do đã vi phạm các quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: không trực tiếp tuyển dụng lao động; cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của người lao động; không làm thủ tục cấp đổi giấy phép; đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định; doanh nghiệp bị xử phạt nhiều lần…/.
Bình luận