Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản tại vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU THỦY SẢN TẠI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nằm ở vị trí thuận lợi có bờ biển trải dài với nhiều vũng, vịnh, hệ thống cảng biển gồm các cảng: Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn, hầu hết là các cảng có mức nước sâu và có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn. Vùng biển miền Trung chiếm 15% chiều dài bờ biển cả nước và tỉnh nào cũng có bờ biển dài. Đây là điều kiện cơ bản để phát triển khai thác thủy sản của cả Vùng.
Về sản lượng nuôi trồng
Số liệu Bảng 1 cho thấy, sản lượng nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn 2018-2020 tăng liên tiếp, tương ứng 2,51% vào năm 2019 và tăng lên 4,34% năm 2020. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tập trung nhiều nhất tại tỉnh Quảng Nam và tăng dần qua các năm. Trong các sản phẩm thủy sản thì, tôm và cá đông lạnh là các sản phẩm chủ lực của Vùng. Trong đó, tôm thẻ chân trắng được biết đến nhiều nhất, với các khu nuôi tập trung lớn.
Về sản lượng khai thác
Hiện nay, mức vốn đầu tư cho ngành thủy sản của Vùng ngày càng tăng, cũng như sự quan tâm của Chính phủ, số lượng trang thiết bị để khai thác, đánh bắt nên sản xuất thủy sản có tốc độ phát triển khá nhanh.
Bảng 2 cho thấy, trong giai đoạn 2018-2020, sản lượng khai thác thủy sản của cả Vùng hầu như tăng lên qua từng năm. Trong đó, 2 tỉnh chiếm lượng khai thác lớn nhất vùng là Quãng Ngãi tăng 5.049 tấn vào năm 2019 và tăng 11.737 tấn 2020 và Bình Định tăng 11.936 tấn vào năm 2019 và tăng 12.649 vào năm 2020. Điều này cho thấy, tình hình khai thác thủy sản khả quan và được cải thiện qua các năm. Tuy nhiên, sản lượng khai thác của tỉnh Thừa Thiên Huế là sụt giảm, nguyên nhân là ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường tại cảng Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh năm 2016.
Về xuất khẩu thủy sản
Giai đoạn 2018-2020, giá trị xuất khẩu thủy sản của các địa phương trong Vùng tăng trưởng tương đối ổn định, là 1 trong 4 mặt hàng xuất khẩu chủ lực và sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Vùng.
Số liệu Bảng 3 cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2020, xuất khẩu thủy sản cả Vùng tăng về giá trị và tốc độ, tương tứng là 3,97% và 6,6%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn chủ yếu tập trung tại Đà Nẵng, từ 193 triệu USD vào năm 2018 lên 196 triệu USD vào năm 2019 và lên 206,22 triệu USD vào năm 2020; tiếp đến là Bình Định, với thế mạnh là xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản và châu Âu… Hiện, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã có mặt trên 140 quốc gia và đang gia tăng về thị phần các năm qua.
Xét về kim ngạch xuất khẩu chung của cả Vùng, giai đoạn 2018-2020, thị phần xuất khẩu thủy sản vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có dấu hiệu tăng ổn định cả về giá trị và thị trường (Bảng 4).
NHỮNG KHÓ KHĂN HẠN CHẾ
Tuy xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Vùng, nhưng chưa đưa phân bổ đồng đều trên toàn khu vực mà doanh nghiệp tập trung nhiều ở TP. Đà Nẵng (khoảng 22 doanh nghiệp), sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thủy sản đông lạnh (chiếm hơn 60%) còn các sản phẩm thủy sản khô có tỷ trọng thấp.
|
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong Vùng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, có nguồn lực tài chính hạn hẹp. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, xuất khẩu, cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hơn nữa, các quy định, cũng như thủ tục hành chính còn gây nhiều cản trở, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nguồn lao động của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng là vấn đề cần được quan tâm. Hàng loạt doanh nghiệp thiếu lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn. Một số doanh nghiệp giảm các tiêu chuẩn để tuyển lao động phổ thông, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Thực trạng thiếu hụt lao động khó có thể giải quyết nhanh, bởi năng lực đào tạo của các trường trong Vùng còn hạn chế…
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY THỦY SẢN THỜI GIAN TỚI
Xuất khẩu thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực Kinh tế trọng điểm miền Trung, vì vậy để ngành này phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, theo tác giả, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, định hướng phát triển ngành thủy sản bền vững: Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản, giảm khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong tất cả các khâu - sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm. Chú trọng xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị - từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hai là, đối với định hướng xúc tiến thương mại ngành thủy sản: Cần tập trung xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tiềm năng trong Vùng, đẩy mạnh tiến trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực (như: tôm, cá ngừ, hải sản khô). Xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ và cập nhật về sản phẩm thủy sản của Vùng phục vụ xuất khẩu, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, tổ chức và mời các tổ chức nước ngoài tới tìm hiểu thực tế sản xuất thủy sản tại các tỉnh/thành phố trong Vùng.
Đặc biệt, để phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và thủy sản Vùng nói riêng, toàn ngành cần tổ chức quản lý và thực hiện chặt chẽ theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được phê duyệt.
Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cũng như thiết bị nghề cá theo hướng hiện đại. Nâng cấp, điều chỉnh cơ sở hạ tầng các cảng, nâng cao năng lực quản lý cảng cho các ban quản lý. Áp dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, bảo quản, sản xuất thủy sản nhằm giảm mức hư hỏng, cũng như giảm giá trị của sản phẩm sau quá trình sản xuất, đưa các phương tiện và ngư cụ khai thác hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ba là, tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong việc tiếp cận các văn bản, quy định của địa phương và Nhà nước, cũng như các nước trong thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đồng thời, tăng cường những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn để tăng quy mô, đồng thời để nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ tiêu chuẩn đáp ứng với những yêu cầu khắt khe của các thị trường quốc tế./.
Tài liệu tham khảo
1. Tổng cục Thống kê (2019-2021). Niên giám Thống kê Việt Nam các năm, từ năm 2018 đến 2020, Nxb Thống kê
2. Cục thống kê các tỉnh, thành phố vùng Kinh tế tTrọng điểm miền Trung (2019-2021). Niên giám thống kê các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định các năm, từ năm 2018 đến năm 2020, Nxb Thống kê
ThS. Đoàn Thị Hà - Trường Đại học Hải Phòng
(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 20, tháng 7/2021)
Bình luận