Để chấm dứt bệnh thành tích với những số liệu “ảo”
Chính vì lẽ đó, ngày 04/8, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) đã tổ chức buổi hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu, phân tích về dự thảo Luật Thống kê sửa đổi.
Bộc lộ nhiều bất cập
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã thẳng thắn chỉ rõ, trước yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, công tác thống kê nói chung, chất lượng số liệu thống kê nói riêng còn bộc lộ nhiều bất cập.
Chất lượng số liệu thống kê chưa cao là do thiếu các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; các chỉ tiêu phản ánh về số lượng cũng chưa đầy đủ, đồng bộ.
Bên cạnh đó, phương pháp luận thống kê còn có những mặt lạc hậu; sự phối hợp giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, số lượng còn chồng chéo, chênh lệch, mâu thuẫn, nổi bật như các chỉ tiêu về tăng trường kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập đầu người…; cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia chưa đầy đủ; số liệu thống kê chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Sự chênh lệch giữa một số số liệu thống kê của Trung ương và địa phương, giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành là do về phạm vi tính toán, công cụ tính toán chưa đầy đủ và thống nhất, hoặc chưa thống nhất về nội dung chỉ tiêu, phương pháp tính và nguồn số liệu... Tư duy cát cứ về số liệu trong các cơ quan, bộ, ngành vẫn tồn tại phổ biến.
Đã vậy, theo quy định hiện hành, lực lượng thống kê tại địa phương trực thuộc UBND tỉnh, huyện, xã, nên ít nhiều bị chi phối bởi mong muốn của chính quyền địa phương với các số liệu thống kê, trong khi chính xác là yêu cầu quan trọng nhất của số liệu thống kê.
Trong thực tế, đã có không ít những cuộc tranh luận về tính chính xác quanh những chỉ số phát triển kinh tế, nhất là ở cấp độ địa phương, điển hình là nói về chỉ số tăng trưởng GRDP của các tỉnh.
Thí dụ, như năm 2012, tốc độ tăng GRDP các tỉnh luôn ở mức hai con số, nhưng cả nước lại chỉ có 5%. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong báo cáo giải trình trước Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận, có tình trạng làm đẹp số liệu về tốc độ tăng GRDP tại một số địa phương.
Cũng vì căn bệnh thành tích, nên khi thấy chỉ số được tính thấp quá thì có lãnh đạo yêu cầu điều chỉnh sao cho cao lên.
Chất lượng số liệu phải: Chính xác, đầy đủ, kịp thời và minh bạch
Trong bối cảnh đó, nhiều mục tiêu đã được đặt ra khi xây dựng Luật Thống kê sửa đổi, nhưng đích đến cuối cùng là chất lượng số liệu phải được nâng lên với các yếu tố: Chính xác, đầy đủ, kịp thời, và minh bạch.
Cụ thể, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã trình lên Quốc hội cho ý kiến bao gồm 8 chương, 57 điều, tăng 15 điều so với Luật Thống kê năm 2003.
Theo đó, Dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam: thống kê nhà nước và ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, do tầm quan trọng của thông tin thống kê nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước nên các quy định tại Luật chủ yếu vẫn tập trung vào hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện.
Đối với hoạt động thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện chỉ quy định về mục đích, phạm vi, nguyên tắc và yêu cầu, đồng thời quy định lĩnh vực cấm trong hoạt động thu thập và phổ biến thông tin thống kê (bao gồm các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh).
Ngoài ra, Dự thảo đã làm rõ các hệ thống thông tin thống kê theo hướng kế thừa một phần của Điều 7 Luật Thống kê năm 2003 và khẳng định rõ Hệ thống thông tin thống kê nhà nước tại Chương II.
Điểm sửa đổi, bổ sung lần này là làm rõ các hệ thống thông tin thống kê ở nước ta, bao gồm: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung hình thức thu thập thông tin thống kê từ sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước (Mục 2, Chương III). Hai hình thức thu thập thông tin thống kê chủ yếu là từ điều tra thống kê và báo cáo thống kê.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của Bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Song, vẫn còn nhiều điểm băn khoăn?
Tại buổi hội thảo, TS. Vũ Sỹ Cương, chuyên gia đến từ Học viện Tài chính, nhìn nhận, là một luật chuyên ngành, nặng tính kỹ thuật và khó tạo sự quâm tâm của công chúng dù nó có tác động rất lớn đến các vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội.
Để khắc phục điểm yếu đó, theo chuyên gia kinh tế Bùi Đình Ngọc, cần thay đổi quan điểm đây là một một dự luật về tính chuyên ngành, khó tiếp cận bởi luật pháp khi được xây dựng và đưa vào thực thi trong cuộc sống trước tiên và trước hết phải đảm bảo cho số đông hiểu rõ và thực thi được.
Vì thế, “cần quan tâm tới các quy định mang tính kỹ trị hơn là kỹ thuật, để Luật dễ hiểu đối với đông đảo người dân. Đặc biệt, cần chú trọng hơn tới các nội dung, quy định về cách hành xử của cơ quan thống kê, tránh trường hợp vì lý do này, lý do khác mà đóng chữ “Mật” để hạn chế thông tin, cũng như có những cơ chế giúp đỡ người làm công tác thống kê có điều kiện độc lập, bảo đảm tính công khai, chính xác và minh bạch của số liệu thống kê”, ông Bùi Đình Ngọc đề xuất.
Về tính độc lập của các con số thống kê, TS. Vũ Sỹ Cường băn khoăn, trong dự thảo Luật, cơ quan thống kê vẫn trực thuộc Chính phủ, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì việc cung cấp số liệu thống kê có bị tác động gì không? Tính độc lập trong cung cấp số liệu thống kê đến đâu? Đặc biệt, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của thống kê sẽ thế nào khi Tổng cục Thống kê là cơ quan cao nhất, cũng là đơn vị có chức năng công bố số liệu thống kê? Việc thẩm định, đánh giá số liệu thống kê do ai chịu trách nhiệm?
Theo vị chuyên gia này, thực tế, để tăng tính chính xác của số liệu thống kê, tại nhiều quốc gia đã giao việc thống kê số liệu kinh tế - xã hội cho nhiều cơ quan ngoài cơ quan Thống kê quốc gia thực hiện, nhằm tạo ra sự cạnh tranh trong công tác này, vừa tạo điều kiện kiểm tra chéo số liệu từ các nguồn khác nhau.
Phân tích rõ hơn về thống kê ngoài nhà nước, TS. Lê Hồng Nhật khẳng định, sự tồn tại và phát triển trong thực tế của thống kê ngoài nhà nước và vai trò của thống kê này trong đời sống.
Theo TS. Nhật, cần quan tâm tới tính khả thi của Dự thảo Luật sửa đổi, cũng như chú ý tới các thách thức trong hội nhập quốc tế buộc phải có những thay đổi phù hợp trong thống kê, góp phần tiệm cận tới những dự báo và quy hoạch chính sách phù hợp, tạo điều kiện phát triển bền vững.
Mặc dù, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã dành hẳn một chương để quy định về thống kê ngoài nhà nước, nhưng chuyên gia thống kê Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, quy định chung chung về phạm vi thống kê ngoài nhà nước và khuôn vào một số dịch vụ thống kê (đào tạo nghiệp vụ, tin học trong thống kê và tư vấn nghiệp vụ thống kê) đã khiến bộ phận thống kê này rơi vào tình thế “vừa được cởi, vừa bị trói”.
Và, việc chưa ghi nhận một cách phù hợp giá trị thông tin thống kê ngoài nhà nước (Điều 72) cũng khiến vai trò và phạm vi của hoạt động thống kê này bị thu hẹp đáng kể.
Trong khi thực tế cuộc sống, việc sử dụng số liệu thống kê của tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… của một số tổ chức trong nước như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... vẫn được các cơ quan nhà nước sử dụng trong các tài liệu chính thức của mình.
"Đây là điều chưa phù hợp với thực tiễn đa dạng ở thống kê ngoài nhà nước hiện nay, không tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường thông tin thống kê, do đó, cần mở rộng không gian cho thống kê tư phát triển, tạo sự đối trọng song hành cùng với thống kê nhà nước", vị chuyên gia này đánh giá../.
Bình luận