Đây là nhận định của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tọa đàm “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”, ngày 10/04/2017.

“Ngại” chuyển đổi lên doanh nghiệp

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế; trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Nếu các hộ kinh doanh này chuyển thành doanh nghiệp thì mục tiêu cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả theo Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ sẽ dễ đạt được hơn.

Tuy nhiên, tình trạng chung của các hộ kinh doanh là không muốn lớn lên chuyển thành doanh nghiệp. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, riêng quận 1 có 26.000 hộ kinh doanh, mục tiêu đến hết năm 2017 có 2.000 hộ chuyển đổi, song 6 tháng qua chỉ có 8 hộ thực hiện chuyển đổi. Đặc biệt, có những hộ kinh doanh mỗi tháng nộp 300-350 triệu đồng tiền thuế vẫn không muốn chuyển thành doanh nghiệp.

Theo ông Tô Hoài Nam, có 3 lý do khiến các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp: (1) Tránh nghĩa vụ thuế, bởi vì khu vực này thực hiện theo chế độ thuế khoán nên việc khai báo thuế đơn giản hơn; (2) Ngại thủ tục hành chính do còn rườm rà, chưa phù hợp, tốn chi phí về mặt thời gian và tiền bạc; (3) Chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ phi chính thức sang chính thức.

Đồng tình với ý kiến, nhưng ông Đậu Anh Tuấn lại nhấn mạnh đến những khó khăn do chế độ kế toán và thuế. Ông Tuấn cho biết, hiện các quy định này tương đối phức tạp, tạo ra gánh nặng lớn khiến hộ kinh doanh ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Nhiều rào cản khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp

“Vẫn với quy mô lao động như vậy nhưng khi chuyển lên thành doanh nghiệp, họ phải đối mặt với thủ tục thuế, sổ sách kế toán, tài chính, lao động, công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp… rất phức tạp. Kéo theo đó chi phí tăng lên. Với một doanh nghiệp nhỏ doanh thu khoảng 1 tỷ đồng đồng/năm, mà phải chi thêm 60-70 triệu đồng/năm để thuê kế toán, tính trên lợi nhuận là rất lớn nên họ phải chân nhắc”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Trong khi đó, nếu duy trì ở mô hình hộ kinh doanh, họ chỉ phải đóng một khoản thuế khoán. Khoản thuế này hộ kinh doanh có thể thỏa thuận với cán bộ thuế. Các thủ tục hành chính, chi phí cũng thấp hơn rất nhiều.

Ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng: "Chúng tôi đã có cuộc khảo sát và nhận thấy, có địa phương cán bộ thuế còn hướng dẫn cho hộ kinh doanh cách lách thuế. 70% hộ kinh doanh cho biết luôn thỏa thuận với cán bộ thuế và mức thuế phải nộp. Bản thân cán bộ thuế và một số địa phương cũng không muốn hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vì khi đó doanh nghiệp không còn trong phạm vi quản lý của họ".

Có một hiện tượng cũng được ông Tuấn nêu ra tại tọa đàm, đó là có hộ kinh doanh lên doanh nghiệp rồi, nhưng ân hận và muốn quay lại hộ kinh doanh. Do vừa mới lên doanh nghiệp được vài ngày đã bị rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra đến hỏi thăm, như: bảo hiểm, phòng cháy, chữa cháy... thậm chí còn có cả các hội đoàn quần chúng cũng đến thăm.

“Lên chính thức chưa thấy lợi ích gì, mà đã bị mất rất nhiều. Điều này làm thui chột động lực kinh doanh một cách chính thức bài bản của hộ kinh doanh, mà chỉ làm ở mức lè tè, quy mô vừa phải”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần có những động lực thiết thực

Theo ông Tô Hoài Nam, muốn hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp quan trọng nhất là môi trường kinh doanh, cho họ thấy họ sẽ được lợi ích gì khi chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Muốn vậy, thì cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho việc chuyển đổi này, như: miễn phí việc chuyển đổi lên doanh nghiệp, ưu đãi tham gia sắm công…

Bên cạnh đó, cũng cần rà soát theo chính sách hiện hành, chính sách nào gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, thì cần tháo gỡ.

“Hiện chính sách mới khuyến khích chuyển đổi và hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng phải nhất quán khi chuyển sang doanh nghiệp, thì hỗ trợ phát triển về sau ra sao, gặp khó khăn thì chính sách giúp doanh nghiệp như thế nào, khung pháp lý cần củng cố, đảm bảo tính xuyên suốt và nhất quán”, ông Nam cho biết.

Cùng với thay đổi chính sách, theo ông Nam, thì còn cần phải thay đổi nhận thức của người chủ hộ kinh doanh, cho họ thấy áp lực của họ không còn xa vời nếu không chuyển đổi thì họ không phát triển kinh doanh lên được, về chính sách cần có quy định chặt chẽ với khu vực kinh doanh áp dụng thuế khoán, làm sao đó không phải là loại hình để hộ kinh doanh né thuế.

Ngoài ra, cũng cần áp dụng khoa học công nghệ trong khai báo thuế, tạo môi trường công khai minh bạch, giảm nhũng nhiễu với doanh nghiệp.

Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, Nhà nước cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn. Trong đó nhấn mạnh đến việc cải cách hành chính, đặc biệt thủ tục thuế, kế toán theo hướng thân thiện, gần gũi hơn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần phát triển các loại hình dịch vụ đại lý thuế, kế toán, tạo thành dịch vụ trợ giúp thuận tiện, bởi hầu như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang “tự bơi” trong lĩnh vực này.

Về phía hộ kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn cũng đưa ra lời khuyên tằng, việc chuyển đổi lên doanh nghiệp là xu thế tất yếu. Bởi chuyển đổi từ khu vực phi chính thức sang chính thức sẽ giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy được tiềm năng, lợi thế để tăng cường năng suất, hiệu quả hoạt động, qua đó phát triển bền vững./.