Để hộ kinh doanh "không ngại" chuyển đổi thành DN
“Ngại” chuyển đổi lên doanh nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, cả nước có tổng cộng 4.658 triệu hộ kinh doanh cá thể với số lượng lao động gần 8 triệu người, chiếm 41,15% lực lượng lao động toàn xã hội.
Các hộ kinh doanh chủ yếu hoạt động trong khu vực thương mại – dịch vụ, trong đó công nghiệp và xây dựng; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy…; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản là 4 lĩnh vực có hộ kinh doanh hoạt động nhiều nhất.
Các hộ kinh doanh cá thể không những giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn là mạng lưới rộng lớn, phát triển về những vùng xa, vùng khó khăn mà các lĩnh vực kinh doanh khác không đáp ứng được. Đây là kênh phân phối và lưu thông hàng hóa quan trọng, giúp cân đối thương mại và phát triển kinh tế địa phương. Khu vực kinh tế cá thể có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP (xấp xỉ 33%), cao hơn khu vực kinh tế nhà nước và cao hơn hẳn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu của Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Để hoàn thành mục tiêu này, rất nhiều tỉnh/thành coi các hộ kinh doanh cá thể là nguồn quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp đang gặp khó vì phần lớn các hộ kinh doanh đều ngại ngần, không thích chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Việc vận động các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp đang gặp phải nhiều thách thức |
Theo luật sư Tô Thị Hòa, Công ty luật Minh Khuê, khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn về các vấn đề liên quan đến người lao động, thuế, bảo hiểm xã hội.
“Thật ra, hộ kinh doanh cũng phải thực hiện những nghĩa vụ đó, nhưng việc kiểm soát không chặt chẽ như đối với doanh nghiệp. Thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh cá thể sử dụng nhiều lao động nhưng họ không đóng bảo hiểm xã hội và gần như cũng không có cơ quan nào kiểm tra”, luật sư Tô Thị Hòa nêu rõ.
Cũng lý giải nguyên nhân dẫn đến việc hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, việc lên chính thức của nhiều hộ kinh doanh có nhiều rủi ro, khiến họ không muốn lên doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến thủ tục thuế và kế toán, Bởi, hộ kinh doanh nhỏ, ít vốn, kinh doanh không lãi được bao nhiêu, mà phải mất tiền thuê kế toán, thì chi phí quá lớn.
Một lý do khác cũng được ông Tuấn nêu ra, đó là hiện nay cứ có doanh nghiệp nào chính thức là bị các đoàn thanh, kiểm tra đến thăm liên tục, như: bảo hiểm, phòng cháy, chữa cháy...
“Lên chính thức chưa thấy lợi ích gì, mà đã bị mất rất nhiều. Điều này làm thui chột động lực kinh doanh một cách chính thức bài bản của hộ kinh doanh, mà chỉ làm ở mức lè tè, quy mô vừa phải”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cần xóa bỏ những rào cản
Việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp chính thức là một việc làm tích cực, không chỉ để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, mà còn giúp cho công tác quản lý dễ dàng hơn. Bởi, thực tế việc quản lý đối với các hộ kinh doanh ở Việt Nam còn khó kiểm soát do kinh doanh nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý, như: trốn thuế, kinh doanh trái phép... gây thất thoát vốn nhà nước, cũng như gây rối loạn, mất trật tự xã hội.
Tuy nhiên, đối với những hình thức “thúc, ép” hộ kinh doanh bắt buộc phải chuyển đổi thành doanh nghiệp, thì không thể chấp nhận được. Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, việc chuyển lên doanh nghiệp chính thức cần nhấn mạnh đến sự tự nguyện, phải làm sao để hộ kinh doanh tìm thấy lợi ích của sự chuyển đổi này. Bởi, nếu cứ ép thành phong trào như hiện nay, thì các địa phương bắt đầu ấn định các chỉ tiêu cho các quận, huyện, rồi sẽ xảy ra hiện tượng cưỡng chế hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Để thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, theo ông Tuấn, Nhà nước cần phải tạo động lực lành mạnh để họ tự giác chuyển lên. Trước hết cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là đối với thuế và kế toán. Hiện nay, Luật Kế toán đang áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp nên đối với doanh nghiệp siêu nhỏ thì cần phải có cơ chế riêng cho họ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát việc thanh tra, kiểm tra và có cơ chế khuyến khích, như: giảm thuế cho các hộ kinh doanh mới chuyển lên doanh nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng ban Kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen), hộ kinh doanh cần chia thành 2 loại đối tượng: Đối tượng thứ nhất là các hộ buôn bán nhỏ lẻ và thứ hai là các hộ kinh doanh làm ăn phát đạt, có nhiều điều kiện phát triển.
“Chính đối tượng thứ hai mới cần phải có chính sách khuyến khích đăng ký thành lập doanh nghiệp”, ông Anh nhấn mạnh.
Hiện nay, việc hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là một trong 3 chương trình trọng tâm của dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hy vọng, dự thảo Luật được thông qua sẽ tạo ra những chuyển biến quan trọng, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế./.
Bình luận