Đề xuất tăng giờ làm thêm: Nhiều ý kiến trái chiều
Doanh nghiệp “mừng”…
Theo Điều 106 của Bộ luật Lao động 2012 hiện hành quy định, số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và một năm không quá 200 giờ. Trường hợp đặc biệt thì thời gian làm thêm trong một năm không vượt quá 300 giờ.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2016, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cần tăng giờ làm thêm tối đa và bỏ giới hạn trần số giờ làm thêm để đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu tăng thêm thu nhập của người lao động.
Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu chủ yếu mang tính mùa vụ, nên có những thời kỳ người lao động phải làm việc nhiều hơn để kịp tiến độ đơn hàng nhưng cũng có những thời kỳ người lao động làm cầm chừng, không làm thêm để chờ đơn hàng mới. Vì vậy, mỗi khi phải đáp ứng đơn hàng mới, các doanh nghiệp phải thuê thêm lao động và phải tuyển trước đó vài tháng, gây lãng phí, tốn kém không cần thiết, chưa kể một bộ phận văn phòng phải làm khối lượng công việc rất lớn trong việc tuyển dụng, trả lương, quản lý những người làm việc mới…
Sau khi tiếp nhận ý kiến góp ý, tại dự thảo đưa ra lấy ý kiến góp ý lần 2 này, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng tăng số giờ làm thêm tối đa của người lao động trong 1 năm lên mức 400 giờ để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đồng thời bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng và khống chế số giờ làm thêm theo ngày.
Gần 50% người lao động không muốn tăng giờ làm thêm
Tại một cuộc khảo sát về tiền lương, thời gian làm việc, điều kiện an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp được Viện công nhân và công đoàn thực hiện cho thấy, gần 50% số người lao động được khảo sát không muốn tăng thời gian làm thêm.
Ông Vũ Minh Tiến, Phó viện trưởng Viện công nhân và công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cuộc khảo sát được thực hiện với 2.550 lao động, trong đó có 62% là nữ, làm việc tại 14 Tỉnh, đại diện của 6 vùng kinh tế của ba miền Bắc, Trung và Nam.
Các ngành kinh doanh sản xuất chính của doanh nghiệp được khảo sát gồm nông lâm thủy sản, khai khoáng, dệt may - da giày, điện - điện tử, gỗ, hóa chất, giấy, chế biến…
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy có tới 48,9% số người được lấy ý kiến cho rằng không muốn tăng thời gian làm thêm. Số người có ý kiến tăng thời gian làm thêm chiếm 36,1%, còn lại 15% cho rằng khó trả lời khi được lấy ý kiến.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, việc tăng giờ làm thêm dù dựa trên thực tế cung cầu vẫn phải xem xét tới nhiều yếu tố, đặc biệt là sức khỏe và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. |
Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy có đến 32,6% số người lao động cho rằng thu nhập của họ thấp nên họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; trong đó 12% buộc phải đi làm thêm vì thu nhập và tiền lương không đủ sống. Chỉ có 16,1% thu nhập có dư, còn số còn lại (51,3%) cho rằng thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống.
Cùng với đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện số giờ làm thêm ở Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực. Theo báo cáo, nếu cộng thêm thời giờ làm thêm là 400 giờ/năm thì tổng quỹ thời gian làm việc trung bình của người lao động Việt Nam có thể lên đến 2.720 giờ/năm. Như vậy, có thể nói thực chất quỹ thời gian làm việc của người lao động Việt Nam đang ở mức cao.
Bên cạnh đó, ILO cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp ở Indonesia được phép huy động người lao động làm thêm tới 728 giờ/năm, nhưng họ chỉ làm việc 40 giờ/tuần nên cộng cả thời gian làm việc tối đa và làm thêm tối đa thì quỹ thời gian làm việc của người lao động nước này là 2.608 giờ/năm (thấp hơn ở Việt Nam 112 giờ). Tương tự, ở Hàn Quốc chỉ có 2.446 giờ/năm và Trung Quốc là 2.288 giờ/năm
Lo ngại về sức khỏe của người lao động
Cũng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn tiến hành trên 2.550 lao động Khảo sát này cũng cho thấy có tới 97% doanh nghiệp muốn tăng thời gian làm thêm của người lao động. Đáng chú ý, ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Cụ thể, thời gian tăng ca trung bình từ 47-60 giờ/tháng (trong khi theo quy định là 30 giờ/tháng). Như vậy, tính trung bình các doanh nghiệp đã cho làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm…Tuy nhiên, trung bình thu nhập từ tăng ca của họ chỉ là hơn 1.336.000 đồng/người/tháng, chiếm khoảng 22,4% tổng thu nhập.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thành viên ban soạn thảo Luật Lao động sửa đổi cho biết, thực tế khi đi khảo sát tại các khu công nghiệp và giải quyết một số vụ đình công, ngưng việc tập thể cho thấy đa phần các doanh nghiệp đều quá giờ làm thêm. Bên cạnh đó, với mức lương như hiện nay, nếu muốn có thu nhập thì người lao động đều đăng ký làm thêm giờ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận từ thực tế về phía người lao động, đa phần họ không mong muốn làm thêm, vì làm đủ ca đã rất mệt. Tuy nhiên, vì thu nhập thấp không đủ sống nên phải làm thêm giờ. Do vậy, đề xuất này khiến không ít người lao động lo ngại về sức khỏe của mình.
Cụ thể, người lao động cho rằng, tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay khiến nhiều lao động mệt mỏi, dẫn đến suy kiệt sức khỏe, chưa kể khả năng dinh dưỡng cho người lao động còn đang bị hạn chế.
Chưa kể, những giờ làm việc kéo dài sẽ giảm chất lượng cuộc sống của bản thân người lao động. Điều đó có thể dẫn đến các mâu thuẫn giữa thời gian dành cho gia đình, thời gian dành cho nhiệm vụ và các nhu cầu khác ngoài công việc. Sẽ rất khó để có thể sắp xếp một cuộc sống trọn vẹn trong khi quỹ thời gian dành cho công việc quá nhiều.
Chính vì vậy, cần cân đối hài hòa để người lao động có thể đảm bảo cuộc sống bằng thu nhập của chính mình, vừa có thời gian cho những nhu cầu cũng như những nhiệm vụ khác, làm sao để họ có cuộc sống thực sự để “sống”./.
Bình luận