Nhiều kiến nghị “nóng”

“Cử tri kiến nghị quy định gia hạn thời gian và có giải pháp hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP đồng thời xem xét, bổ sung đối tượng là người lao động, người đang điều trị Covid-19 và cách ly y tế tại nhà nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn…”, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, khi trình bày Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội trong khuôn khổ Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội.

Địa phương ứng xử khác nhau với người dân về quê ăn tết, đề nghị Chính phủ vào cuộc
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn thư còn hạn chế. Ảnh: QH

“Cử tri kiến nghị có giải pháp giải quyết việc chi trả chi phí xét nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội. Đề nghị quan tâm hơn nữa đến cơ chế cho cán bộ y, bác sĩ, người lao động trong ngành y tế trực tiếp làm công tác chống dịch...”, ông Bình cho hay.

Lo lắng trước tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, theo ông Bình, cử tri đề nghị Chính phủ cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm này.

Địa phương ứng xử khác nhau với người dân về quê ăn tết, đề nghị Chính phủ vào cuộc
Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quốc Hùng

Dịp Tết Nguyên đán cận kề, Bộ Công an đã ban hành đợt cao điểm trấn áp tội phạm, giải quyết các vấn đề nổi lên hiện nay như: tình trạng buôn lậu qua biên giới; tín dụng đen, tín dụng trên mạng; tình trạng đòi nợ thuê…

Cử tri còn đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan hữu quan tích cực hơn nữa trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước để người dân được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, hạn chế tiêu cực, thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn do tác động của dịch Covid-19.

“Đến nay, đã có 536/536 kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời. Đối với kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2, Ban Dân nguyện đã nhận được thêm 1.055 văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2. Như vậy, đến nay, mặc dù chưa đến thời hạn trả lời nhưng đã có 1.315/1.707 kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời, một số cơ quan đã trả lời 100% kiến nghị cử tri gửi đến…”, ông Bình cho hay.

Đáng chú ý, theo Trưởng Ban Dân nguyện, tình hình khiếu nại, tố cáo, trên phạm vi cả nước trong tháng 12/2021 có xu hướng tăng hơn so với tháng trước. Tại trụ sở tiếp công dân ở trung ương, Ban Dân nguyện và các cơ quan Trung ương đã tiếp 385 lượt công dân đến trình bày về 166 vụ việc (tăng 178 lượt người và 58 vụ việc so với tháng trước). Nổi lên một số vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến đất đai; ô nhiễm môi trường; dự án nhà ở chung cư tập trung ở một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh; Gia Lai, Cần Thơ...

“Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, Ban công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 1.631 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 17,42%) so với tháng trước, trong đó có 341 đơn thư đủ điều kiện xử lý (tăng 3,64%)…”, ông Bình cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Trưởng Ban Dân nguyện, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn như do tình hình dịch bệnh Covid–19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Điều này khiến cho việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn đại biểu Quốc hội bị ảnh hưởng, số buổi tiếp công dân của các Đoàn không thực hiện được như chương trình, kế hoạch đã đề ra. Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu vẫn là việc chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, mà chưa tổ chức giám sát được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể…

Đề nghị Chính phủ vào cuộc

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ứng xử của các địa phương đối với người dân về quê ăn tết rất khác nhau; vấn đề người lao động tăng ca, làm thêm giờ… Đề nghị Chính phủ và Thủ tướng quan tâm, xem xét và có hướng giải quyết các vấn đề này. Ban Dân nguyện cần tổng hợp đầy đủ các nội dung, kiến nghị của cử tri, thay mặt UBTVQH có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Địa phương ứng xử khác nhau với người dân về quê ăn tết, đề nghị Chính phủ vào cuộc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và Thủ tướng quan tâm giải quyết nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Ảnh: QH

Về các vấn đề nổi lên gần đây liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, thị trường chứng khoán, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, UBTVQH kiến nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên UBTVQH về các nội dung trong báo cáo, cũng như các nội dung bổ sung tổng hợp từ nhiều nguồn để nâng cao chất lượng báo cáo, đề nghị gia công phần kiến nghị, tổng hợp tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Chính phủ như: vấn đề chống hối lộ tại các cửa khẩu; quy định ứng xử của chính quyền các cấp khi người dân về quê đón Tết; vấn đề sử dụng căn cước công dân…. Qua đó trở thành báo cáo kiến nghị chung của UBTVQH gửi Chính phủ…

“Đề nghị Văn phòng Chính phủ căn cứ vào báo cáo đã được hoàn chỉnh, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, đôn đốc các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện các kiến nghị, có văn bản giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri. Đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát một số vụ việc nổi cộm, mới nảy sinh cũng như quan tâm, đôn đốc giải quyết các vụ việc còn tồn đọng kéo dài…”, ông Trần Quang Phương nhấn mạnh./.