Trường top trên có xu hướng giảm

Hiện các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn. Theo đó, khác với kỳ tuyển sinh đại học mọi năm, các trường top trên như Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Y, Dược luôn giữ “phong độ” điểm chuẩn cao, thường không giảm qua các năm, nhưng năm nay, thực tế điểm chuẩn của nhiều trường tốp trên có xu hướng giảm 0,5 đến 1 điểm.

Cụ thể, điểm chuẩn của Trường Đại học Ngoại thương giảm từ 0,8 đến 1,2 điểm so với năm 2015. Năm 2015, điểm trúng tuyển cao nhất khối A0 vào trường là 27,25 điểm, thấp nhất 24,5 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn năm nay cao nhất là 26,45 điểm và thấp nhất 24,3 điểm (thấp hơn năm 2015 từ 0,8 - 1,2 điểm).

Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng giảm điểm chuẩn các ngành từ 0,5 đến 2,5 điểm so với năm 2015. Cụ thể: Ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường Đại học Kinh tế Quốc dân là ngành Kế toán với mức điểm 25,5 điểm, giảm 0,5 điểm so với năm 2015. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất năm nay là ngành Toán ứng dụng trong kinh tế với mức điểm 20,64, mức điểm này giảm tới 2,5 điểm so với năm ngoái.

Đặc biệt, năm nay các trường Khối các ngành Y, Dược, điểm chuẩn hạ so với năm 2015.

ĐH Y Hà Nội, ngành bác sĩ đa khoa năm nay lấy 27 điểm, ngành bác sĩ răng hàm mặt lấy 26,75 điểm, hai ngành này giảm từ 0,25 điểm đến 0,75 điểm. Năm 2016, Trường ĐH Y Hà Nội đã quyết định chọn phương án điểm chuẩn mà theo đó, số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển chênh không nhiều so với chỉ tiêu.

Với mức điểm chuẩn đã công bố, lãnh đạo nhà trường thừa nhận rất khó để biết được trường có phải tuyển thêm thí sinh ở đợt bổ sung hay không. Hai ngành này cũng phải dùng đến tiêu chí phụ trong xét tuyển: thí sinh trúng tuyển cần đạt điểm Toán từ 8,75 điểm trở lên. Còn tại Trường ĐH Dược Hà Nội, điểm trúng tuyển ĐH hệ chính quy ngành dược là 26,75 điểm, bằng với mức điểm chuẩn vào trường năm 2015.

Năm 2015, điểm chuẩn ngành y đa khoa của trường ĐH Y Dược TPHCM lên đến 28 điểm. Tuy nhiên, năm nay ngành y đa khoa có điểm chuẩn cao nhất là 26,75 điểm. Ngành răng hàm mặt 26 điểm (giảm 1,25 điểm). Ngành dược học 25,25 điểm (giảm 0,75 điểm).

Ngành y tế công cộng có điểm chuẩn thấp nhất là 20,5 điểm (giảm 2,25 điểm). Trường cũng áp dụng tới 2 tiêu chí phụ để tuyển sinh. Tiêu chí phụ 1 áp dụng cho thí sinh có tổng điểm bằng điểm trúng tuyển, trong đó điểm môn Hóa áp dụng cho ngành dược học; điểm môn Sinh áp dụng cho các ngành còn lại. Tiêu chí phụ 2 áp dụng cho thí sinh đã áp dụng tiêu chí phụ 1 dựa vào điểm ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.

Các trường top trên hạ điểm chuẩn vì các thí sinh "không dám" đăng ký xét tuyển?

Tăng điểm các trường top giữa

Trong khi các trường top đầu điểm chuẩn có xu hướng giảm thì các trường đại học ở top giữa điểm chuẩn lại “dâng” lên từ 0,25 đến 1 điểm.

Điển hình như Trường Đại học Thương mại năm nay ngoài việc bội thu hồ sơ (trên 11.000 hồ sơ cho 3.800 chỉ tiêu) thì điểm chuẩn của trường năm nay nhiều ngành cao hơn năm 2015 từ 0,25 điểm đến trên 1 điểm.

Ngành Kinh tế, khối A0 (Toán, Lý, Hóa) năm 2015 là 22,25 điểm thì năm nay là 23 điểm. Tuy nhiên, cũng ngành này nhưng khối A1 (Toán – Lý – Anh) lại giảm 0,25 điểm. Nguyên nhân do năm nay, môn tiếng Anh điểm thi thấp. Ngành Marketing thương mại cao hơn năm 2015 là 1 điểm, ngành thương mại điện tử cao hơn tới 1,25 điểm.

Viện Đại học Mở Hà Nội năm nay điểm trúng tuyển cũng có thay đổi. Một số ngành điểm tăng vọt lên so với năm 2015 như ngành quản trị du lịch khách sạn từ 19,25 điểm lên 20,5 điểm đối với khối D1.

Học viện Hành chính Quốc gia cũng tăng điểm chuẩn so với năm ngoái. Năm 2015, điểm trúng tuyển của Trường từ 17,25 đến 23 thì năm nay lại từ 19,5 đến 23 điểm ở các tổ hợp môn xét tuyển.

Phải chấp nhận để đảm bảo quyền lợi thí sinh

Hiện tượng nhóm trường top trên giảm điểm chuẩn, nhóm trường top giữa tăng điểm chuẩn được nhiều chuyên gia lý giải là vì năm nay, các thí sinh được nộp hồ sơ dự tuyển 2 nguyện vọng và không được rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển. Thêm vào đó, thông tin về việc nộp hồ sơ, cũng như những nguyện vọng đăng ký của thí sinh phải đảm bảo tính bảo mật cao, khiến không chỉ các trường mà bản thân thí sinh cũng lo ngại về khả năng đỗ trượt trong nguyện vọng của mình.

Một mặt, các trường đại học thiếu cơ sở để định tính và định lượng về mức điểm chuẩn cũng như không có nhiều cơ sở để xác định chính xác lượng thí sinh ảo. Mặt khác, thí sinh cũng thiếu thông tin, những ngành nghề mình thực sự yêu thích, có khả năng đỗ cao cũng không dám nộp hồ sơ vì quan ngại lượng thí sinh năm nay nộp vào những trường đó, ngành đó, sẽ rất cao, mình sẽ không có cơ hội. Chính vì tâm lý ấy, thí sinh nào cũng nghĩ vậy, nên nhiều ngành hot tiếp tục phải tuyển sinh bổ sung với những thí sinh không trúng tuyển ở đợt 1, trong khi lượng điểm cao đổ dồn vào các trường đại học top giữa. Lượng hồ sơ cao, thí sinh dự tuyển nhiều vô tình lại đẩy điểm chuẩn đại học những trường này lên cao, khiến nhiều trường hợp thí sinh có điểm thi đại học cao mà vẫn trượt nguyện vọng do trường áp dụng những tiêu chí phụ để xét tuyển thí sinh

Tuy nhiên, trước những lo ngại này, trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, để đảm bảo quyền lợi thí sinh thì các trường phải chấp nhận ảo. Để hỗ trợ các trường loại trừ ảo như khuyến khích tuyển sinh theo nhóm, cung cấp dữ liệ thí sinh đăng ký vào các trườngngành cùng đợt xét tuyển để tham khảo, phân tích, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đưa ra một số lưu ý, đối với thí sinh đã trúng tuyển vào ĐH đợt 1 phải nhanh chóng nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mình quyết định nhập học. Thời hạn cuối nộp giấy này là hết ngày 19/8/2016. Sau thời hạn trên, thí sinh nào không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi thì xem như không chấp nhận vào học tại trường và nhà trường sẽ gọi thí sinh bổ sung. Ngay cả khi thí sinh trúng tuyển vào một trường cũng phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học. Thí sinh có thể nộp qua đường bưu điện bằng thư phát chuyển nhanh hay nộp theo phương thức khác do trường quy định.

Đối với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 (hay thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường) theo dõi thông tin tuyển sinh bổ sung trên các trang thông tin điện tử của các trường. Sau ngày 19/8/2016 các trường thống kê số lượng thí sinh chính thức nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung vào các ngành cũng như điều kiện nhận đăng ký xét tuyển. Do có thí sinh ảo nên nhiều ngành tuy có số lượng thí sinh đăng ký nhiều trong đợt 1 vẫn có thể tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Do vậy, thí sinh chưa trúng tuyển vẫn còn nhiều cơ hội được xét tuyển vào các ngành/trường mà mình yêu thích.

Đối với các trường, Bộ yêu cầu công khai, minh bạch thông tin xét tuyển, thực hiện nghiêm quy chế và hướng dẫn công tác tuyển sinh, đảm bảo đúng thời gian và lịch trình các đợt xét tuyển, không được đặt ra bất kỳ một quy định ngoại lệ nào gây khó cho thí sinh.

"Bộ yêu cầu các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo và mặt khác không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác” – Thứ trưởng Ga nhấn mạnh./.

Nguồn tham khảo:

1. Phan Thảo (2016). Nhiều Sở GD-ĐT muốn tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, truy cập từ http://www.sggp.org.vn/giaoduc/tuyensinhdhoccdang/2016/8/430582/#sthash.dhpvgqCg.dpuf

2. Lê Văn - Lê Huyền (2016). Điểm chuẩn đại học 2016: Những biến động mới, truy cập từ http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/321127/diem-chuan-dai-hoc-2016-nhung-bien-dong-moi.html