Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì
Quy hoạch chung thành phố Việt Trì được lập năm 2005 (Quy hoạch 2005) và có hiệu lực thực hiện từ năm 2007. Sau 08 năm triển khai thực hiện Quy hoạch 2005, đã xuất hiện những yếu tố mới đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch nhằm nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cửa ngõ quan trọng của Vùng Thủ đô, xây dựng đô thị Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam hiện đại nhưng giữ nguyên vẹn những nét truyền thống, hoạt động kinh tế hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, bền vững và hội nhập với khu vực và quốc tế.
Quy hoạch điều chỉnh nêu rõ, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Việt Trì gồm 23 đơn vị hành chính, bao gồm 13 phường và 10 xã, có diện tích 11.310 ha.
Theo quy hoạch điều chỉnh, thành phố Việt Trì sẽ là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm hành chính tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, là một trong những trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, là một cực quan trọng trong mô hình phát triển đa cực của vùng Thủ đô Hà Nội; là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam gắn với du lịch sinh thái đặc trưng của vùng Tây Bắc.
Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị khoảng 435.000 người; trong đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 80%-87%.
Quy hoạch đưa ra nội dung điều chỉnh định hướng quy hoạch chung đô thị, trong đó định hướng tổ chức không gian là các trục không gian chính, đô thị cũ, cải tạo tại các khu vực trung tâm, các phường hiện hữu, đặc biệt quan tâm khu vực trung tâm hành chính chính trị của tỉnh và của thành phố Việt Trì. Các khu xây dựng mới theo tính chất của thành phố Việt Trì; bảo tồn cảnh quan sông hồ. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được bảo tồn và phát huy giá trị là khu du lịch về văn hóa lịch sử cấp quốc gia và là Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Dự kiến, Việt Trì sẽ phát triển du lịch cảnh quan sinh thái ven sông Lô, vùng du lịch sinh thái nông nghiệp, di tích lịch sử và làng nghề; xây dựng các tuyến du lịch: tuyến du lịch di sản An toàn khu (ATK) - Việt Trì - Ba Vì - Cổ Loa; tuyến du lịch đường thủy trên sông Lô, sông Hồng kết nối vùng Tây Bắc với Hà Nội; tuyến hành lang du lịch văn hóa - lịch sử - cảnh quan thành phố, kết nối các điểm du lịch như Đền Hùng, 10 điểm di tích thành phố thời Hùng Vương, hành lang sinh thái ven sông với vùng cảnh quan đô thị, làng xóm nông thôn; đồng thời, hình thành các trung tâm dịch vụ du lịch và trục không gian lễ hội.
Theo định hướng, khu vực phát triển nông nghiệp có diện tích khoảng 3.000 ha (gồm các xã: Chu Hóa, Thanh Đình, Thụy Vân, Tân Đức và một phần diện tích xã Kim Đức), sẽ phát triển theo mô hình "Nông nghiệp - Đô thị".
Về công nghiệp, Việt Trì sẽ xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng có quy mô khoảng 100 ha ở khu vực phía Bắc nút giao thông đường cao tốc (IC7), tại xã Phượng Lâu; xây dựng Cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Phượng Lâu; Cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, cơ khí, đóng tàu Nam Bạch Hạc.../
Bình luận