Tóm tắt

Giáo dục – đào tạo tại các trường đại học hiện nay không còn thuần túy là phúc lợi công, mà dần thay đổi thành dịch vụ giáo dục. Trước xu thế cạnh tranh cao giữa các trường đại học trong bối cảnh thế giới với thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, thì Digital Marketing là lựa chọn tối ưu của các trường đại học để thu hút tuyển sinh và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khẳng định vị thế. Tuy nhiên, nhiều trường đại học vẫn chưa nhận thấy tầm quan trọng của công tác truyền thông và ứng dụng Digital Marketing để tối ưu hóa trong truyền thông. Nghiên cứu này tập trung làm rõ sự quan trọng và thách thức trong ứng dụng Digital Marketing vào công tác truyền thông cho trường đại học, từ đó, đề xuất một số giải pháp phù hợp.

Từ khóa: Digital marketing, trường đại học, công tác truyền thông, trường đại học công đoàn

Giới thiệu

Digital Marketing (hay còn gọi là kỹ thuật số) nó đề cập đến việc tạo và phổ biến nội dung thông qua các kênh truyền thông, trang web, mạng xã hội. Nói đơn giản nó là toàn bộ các hoạt động marketing có sử dụng các thiết bị điện tử hay internet để kết nối đến khách hàng và quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ, cũng như thương hiệu của doanh nghiệp.

Xu hướng phát triển của công nghệ đã khiến Digital Marketing trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược của các doanh nghiệp và tổ chức. Hiện nay, Digital Marketing được thực hiện để quảng cáo giáo dục hiệu quả, là quá trình đưa đến khách hàng tiềm năng (thí sinh, phụ huynh, nhà tuyển dụng…) những phân tích, định hướng, dự án và quyền lợi mà trường cung cấp. Bên cạnh đó, các trường sử dụng các công cụ marketing để tìm hiểu nhu cầu, mong ước, hành vi của khách hàng và nỗ lực đáp ứng chúng. Thông qua các chiến dịch quảng cáo ngành giáo dục, các trường sẽ có biện pháp kết nối với sinh viên tiềm năng trong những năm sau để đạt được kết quả tốt hơn cho cả người học và người dạy.

Vì vậy, việc nghiên cứu về tầm quan trọng của Digital Marketing trong công tác truyền thông của trường đại học, từ đó chỉ ra một số thách thức và đề xuất các giải pháp khắc phục là vấn đề quan trọng đối với các trường đại học hiện nay.

Digital Marketing trong công tác truyền thông tại các trường đại học: Thách thức đặt ra và đề xuất giải pháp
Việc nghiên cứu về tầm quan trọng của Digital Marketing trong công tác truyền thông của trường đại học, từ đó chỉ ra một số thách thức và đề xuất các giải pháp khắc phục là vấn đề quan trọng đối với các trường đại học hiện nay

Sự quan trọng của Digital Marketing trong việc triển khai các chiến dịch truyền thông (campaign) tại các trường đại học

Thí sinh tiềm năng thường sử dụng internet để tìm hiểu trường, khóa học, cũng như việc đa số các thí sinh đều nộp đơn ứng tuyển thông qua internet. Hơn nữa, thí sinh có xu hướng sử dụng các mạng xã hội hơn là các phương tiện truyền thông truyền thống. Vì vậy, hiệu quả của các quảng cáo trên internet và social media của các trường đại học được đánh giá cao hơn.

Phụ huynh thường dựa vào các thông tin, hình ảnh trên website của trường để đánh giá. Những hình ảnh của trường trên website được xem là một trong những tiêu chí đánh giá của học viên. Thủ tục đăng ký nhập học cũng được thực hiện online thông qua website của trường. Các công cụ digital marketing trong việc triển khai các chiến dịch truyền thông (campaign) tại các trường đại học

Quảng cáo từ khóa (google adwords): Đây là hoạt động marketing giúp đưa trang website của trường lên top đầu của trang tìm kiếm Google. Nghĩa là bạn sẽ có nhiều cơ hội để người dùng vào trang website của bạn hơn khi họ tìm kiếm thông tin trên Google. Bạn có thể xây dựng trang blog với nội dung chất lượng để tăng xếp hạng hoặc nhờ một agency uy tín làm điều đó, chi phí cũng khá hợp lý khi chỉ tính phí khi có ai đó nhấp vào quảng cáo.

E-mail marketing: Đây là phương thức được nhiều trường áp dụng thành công. Họ sử dụng email để giới thiệu đến phụ huynh hoặc học viên về các chương trình đào tạo, ưu đãi học phí hoặc thông tin các khóa học mới. Với một số công cụ theo dõi hiện đại, bạn có thể biết được cách người dùng tương tác với email bạn như thế nào, từ đó có cách tiếp cận hợp lý hơn.

- Tối ưu hóa website (Search Engine Optimization): Bằng cách xây dựng giao diện website chuyên nghiệp, thân thiện với người dùng, có nội dung chất lượng, sẽ giúp cho website nằm trong top 10 trên trang tìm kiếm Google. Điều này sẽ tăng uy tín cho trường trong mắt thí sinh. Tuy nhiên, đây là một chiến lược cần nhiều thời gian và không có kết quả ngay tức thì.

- Social Network (Facebook là chủ yếu): Với việc sử dụng các công cụ Facebook Ads, hình ảnh và bài post của trường có thể tiếp cận đến những phụ huynh, thí sinh tiềm năng, lan truyền nhanh trong thời gian ngắn.

Thách thức đặt ra đối với Digital Marketing trong công tác truyền thông tại các trường đại học

Điều chỉnh với sự thay đổi của công nghệ: Với sự phát triển của các công nghệ mới, như: mạng xã hội và điện thoại di động, trường đại học phải kiểm soát các kênh truyền thông này để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và các cộng đồng khác.

Tìm kiếm nguồn lực cho việc quảng bá: Việc quảng bá của trường đại học đòi hỏi đầu tư nhất định cho các chi phí truyền thông.

Công tác truyền thông tại các trường đại học phải thường xuyên cập nhật xu hướng Digital Marketing mới nhất.

Cần đáp ứng nhiều đối tượng tiếp cận trong quá trình xây dựng chiến lược Digital Marketing là một vấn đề khó khăn của công tác truyền thông tại trường đại học (đa dạng đối tượng tiếp cận là giảng viên, sinh viên, phụ huynh, thí sinh...)

Gợi ý giải pháp phát triển Digital marketing trong công tác truyền thông tại các trường đại học

Giải pháp chung

Xây dựng đội ngũ quản trị thương hiệu và truyền thông Digital marketing của trường đại học chuyên trách với yêu cầu cao về hiểu biết quản trị thương hiệu và truyền thông thương hiệu trường đại học.

Xây dựng chiến lược thương hiệu nói chung, kế hoạch Digital marketing nói riêng trong dài hạn và các kế hoạch truyền thông thương hiệu phù hợp cho từng thời kỳ.

Xác định đối tượng mục tiêu: Điều đầu tiên đội ngũ nhân sự marketing cần làm là chọn ra đúng nhóm đối tượng mục tiêu. Trong nhóm này lại được chia ra từng nhóm khác nhau bởi họ có nhu cầu tiếp cận thông tin khác nhau: đối tượng truyền thông nội bộ (viên chức, người lao động, học viên, sinh viên), đối tượng truyền thông đại chúng (phụ huynh, thí sinh...)

Sử dụng các kĩ thuật của Digital marketing để tạo ra và chia sẻ thông tin theo các cấp độ của từng nhóm người học tiềm năng này. Cùng một cách làm tương tự, các cơ sở giáo dục có thể dùng Digital marketing để tạo ra nội dung có sức ảnh hưởng trực tiếp đến những người học tiềm năng. Ngoài ra, giao tiếp trực tiếp thông qua những kênh online cũng có thể được sử dụng với Digital marketing để duy trì giao tiếp đối thoại với đối tượng mục tiêu của mình.

Cần có nhiều kênh giao tiếp khác nhau để đáp ứng đa dạng đối tượng mục tiêu: Khi triển khai giải pháp Digital marketing cần chú ý tới một sự thật rằng nhu cầu của một học viên là khác nhau. Do đó, đòi hỏi cần có những cách tiếp cận và kênh giao tiếp khác nhau sao cho mỗi một nhu cầu của từng khách hàng tiềm năng được đáp ứng theo cách tốt nhất có thể được.

Một trong những điều quan trọng nhất mà đội ngũ truyền thông tại các trường đại học cần lưu ý là, hầu hết người dùng internet thường không duyệt qua quá 3 trang đầu của kết quả tìm kiếm để tìm kiếm cho thông tin họ cần. Điều này có nghĩa, đội ngũ truyền thông cần chọn đúng từ khóa và cụm từ khóa mà người dùng sử dụng để vào tới website của mình, sao cho kết quả của mình luôn nằm trong phạm vi 3 trang đầu của kết quả tìm kiếm là lí tưởng nhất. Điều đó cho thấy, các cơ sở giáo dục cần đầu tư hơn vào những kĩ thuật tối ưu hóa của SEO và tạo ra những nội dung có sức hút và phù hợp cho đối tượng mục tiêu của mình.

Giải pháp cụ thể

Để giải quyết hiệu quả các vấn đề trên, cần sử dụng hiệu quả các công cụ Digital marketing tới các nhóm đối tượng mục tiêu. Theo đó, cách duy nhất đó là kết hợp hiệu quả 5 công cụ Marketing Online mạnh nhất hiện nay. Cụ thể như sau:

Website

Giao diện: Màu sắc website phù hợp với các tiêu chí như đặc thù, thương hiệu của trường, cách phân bổ màu chính phụ trong website; logo trên website: Logo là yếu tố rất quan trọng trong nhận diện thương hiệu, vì vậy, cần cân nhắc thiết kế logo độc đáo và vị trí đặt logo trên website thật hợp lý.

Các danh mục trên website: Danh mục chính cần truyền tải đầy đủ thông tin cần cung cấp, sao cho hỗ trợ SEO đưa website lên top hiệu quả; danh mục phụ cần phải mô tả đầy đủ thông tin chi tiết từ danh mục chính.

Nội dung: Hệ thống bài viết chính là linh hồn của website, giúp “khách hàng” hiểu và tin tưởng vào “sản phẩm” của bạn.

Chức năng: Website cần phải đáp ứng được những yêu cầu: Trao đổi thông tin; trả lời thắc mắc; liên lạc; website cần trang bị đầy đủ các chức năng như: Chat trực tuyến; thu thập thông tin của người tiếp cận.

Facebook Marketing

Các hệ thống chức năng của Facebook Marketing cần triển khai với các công cụ như sau: Power editor: giúp quảng cáo dễ dàng hơn; Pixel: thu thập thông tin người tiếp cận; Đối tượng: tạo tệp người tiếp cận; Trình quản lý quảng cáo: Thống kê, quản lý quảng cáo

Hệ thống kĩ thuật hiện nay cần tập trung vào: Kĩ thuật tăng like; Kĩ thuật tăng view; Kĩ thuật check in; Kĩ thuật live stream.

Quảng cáo Google

Website nằm trong top của Google giúp “khách hàng” nhanh chóng biết đến “sản phẩm và dịch vụ” của trường.

Không phải chỉ cần chi tiền mạnh quảng cáo thì website của sẽ chiếm vị trí top trên Google., bởi ngoài chi phí, Google còn quan tâm đến các chi tiết quan trọng sau:

Thông điệp quảng cáo (Điều gì “khách hàng” quan tâm nhất).

Trang đích trỏ về (Nội dung nhà trường muốn “khách hàng” tìm hiểu, nơi có thể “chốt sale” tốt nhất là bài viết nào?).

SEO Website

Kết hợp với quảng cáo Google thì SEO giúp trường tăng phạm vi có mặt trên các lượt tìm kiếm tại trang 1, trang 2, để từ đó người đọc tới đâu cũng có thể thấy được thông tin của trường.

SEO giúp website lên top không tốn phí, có thể giữ hạng lâu dài, điều này giúp tăng khả năng “khách hàng” tìm thấy thông tin của trường nhiều hơn, cụ thể là: SEO location; SEO video; SEO bài viết; SEO Facebook

Các công cụ SEO: Công cụ phân tích đối thủ; Công cụ phân tích tình trạng website.

Các công nghệ SEO: Blogger; WordPress.

Email Marketing

Mục đích của email marketing không phải chỉ để gửi mail “bán hàng”, mà quan trọng hơn đó là gửi mail cho “khách hàng” những giá trị họ cần. Từ đó, khiến cho “khách hàng” yêu quý, tin tưởng và tiến hành “mua hàng” của các trường đại học.

Kết luận

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, các trường đại học có xu hướng sử dụng Digital marketing nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh, quảng bá hình ảnh, tiết kiệm chi phí, đồng thời, nhanh chóng tiếp cận tới đối tượng khách hàng mục tiêu: thế hệ trẻ - thế hệ tiếp cận thông tin chủ yếu qua thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và internet.

Trước xu thế cạnh tranh cao giữa các trường đại học trong bối cảnh thế giới với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Digital marketing là lựa chọn tối ưu của các trường đại học để thu hút tuyển sinh và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khẳng định vị thế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Barnes, N., Lescault, A.(2012) Social Media Adoption Soars as Higher-Ed Experiments and Reevaluates Its Use of New Communications Tools. U-Mass Dartmouth Center for Marketing Research.

2. Caleb T. Carr, Rebecca a.Hayes (2014), Social Media: Defining, Developing, and Dividing, School of Communication Illinois State University.

3. Chapleo Chris, Suomi Kati (2015), A framework for conceptualizing and managing brand identity and reputation in higher education - an exploratory case approach, Academy of Marketing Conference.

4. Constantinides, E., Zinck Stagno, M. (2012), Higher Education Marketing: A Study on the Impact of Social Media on Study Selection and University Choice, International Journal of Technology and Educational Marketing, 2(1), 41 – 58.

5. Dean C. Barnlund (1964), Toward a Meaning-Centered Philosophy of Communication, Journal of Communication, 12(4), 197 – 211.

6. Dương Xuân Sơn (2015), Giáo trình lý luận báo chí truyền thông, NXB Giáo Dục.

7. Đặng Thị Thu Hương (2015), Văn hóa truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, KX.03/11-15.

8. Đặng Văn Ơn và Nguyễn Văn Quảng (2021), Nghiên cứu giải pháp nâng cao công tác truyền thông của Phân hiệu trường Đại học Giao thông vận tải tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học công nghệ, số 3.

9. Hanover Research (2014), Trends in Higher Education Marketing, Recruitment, and Technology, retrieved from https://www.hanoverresearch.com/media/Trends-in-Higher-Education-Marketing-Recruitment-and-Technology-2.pdf.

10. Huỳnh Văn Thái (2015), Hoạt động truyền thông marketing trong giáo dục đại học hiện nay, Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản, số 1/2015.

11. Lưu Văn Quảng (2008), Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Đề tài khoa học cấp Bộ.

12. Nguyễn Thị Minh Hà (2019), Digital Marketing ở một số quốc gia phát triển và việc áp dụng vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội

13. Nguyễn Thị Hồng (2013), Hoàn thiện hoạt động truyền thông tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đến năm 2020, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

14. Nguyễn Yến Nhi, Đặng Thị Việt Hòa, Nguyễn Thanh Huyền, Trần Anh Tuấn (2022), Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nội bộ của trường Đại học Hà Nội: thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở.

15. Nguyễn Trần Sỹ, Nguyễn Thúy Phương (2014), Quảng bá thương hiệu trong lĩnh vực giáo dục đại học (GDĐH): Lý thuyết và mô hình nguyên cứu, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 15, tháng 03-04/2014.

16. Nguyễn Hải Yến (2018), Xây dựng và phát triển hoạt động truyền thông tại trường cao đẳng sư phạm trung ương, Luận văn thạc sĩ Trường cao đẳng sư phạm trung ương.Trần Hữu Quang (2006), Giáo trình Xã hội học Truyền thông đại chúng, Trường Đại học Mở TP. HCM, Thành phố Hồ Chí Minh.

17. Phạm Thị Minh Khuyên và Ma Thị Thu Thủy (2018), Truyền thông thương hiệu trường đại học trong thời kỳ đổi mới giáo dục tại Việt Nam, Tạp chí Công thương, số 4, năm 2018.

18. Thu Hà (2017), Báo chí thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, truy cập từ https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/bao-chi-thuc-hien-ngay-cang-co-hieu-qua-chuc-nang-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-527432.

19. Vũ Ngọc Thắng (2013), Hoạt động truyền thông cho các chuyên ngành thuộc khối kinh tế và quản lý trường Đại học Thăng Long, luận văn thạc sĩ Trường Đại học Thăng Long

TS. Lê Thị Hồng Nhung

Trường Đại học Công đoàn