DN Việt Nam năm 2017: Kỳ vọng vào những cải cách mới của Chính phủ
Tín hiệu vui từ con số doanh nghiệp thành lập mới
Theo số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân đạt 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới.
Các doanh nghiệp thành lập mới đã đăng ký tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ 2015 là: Kinh doanh bất động sản (tăng 83,9%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 52%); Giáo dục và đào tạo (tăng 43,1%).
Năm 2016, doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục |
Điểm sáng của bức tranh doanh nghiệp năm 2016, không chỉ ở con số kỷ lục về doanh nghiệp thành lập mới, mà còn ở số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2015. Phân theo vùng lãnh thổ, duy nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với năm 2015, còn lại tất cả các vùng đều có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng, nhiều nhất là Tây Nguyên; tiếp đó là Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung...
Nhận định về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2016, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh: “Đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây. Điều đó cho thấy, “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập”.
Tìm những động lực cải cách mới cho doanh nghiệp
Có thể thấy, những chính sách, những cải cách trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh đã phát huy được vai trò tiếp thêm sinh khí cho doanh nghiệp phát triển.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, niềm tin của doanh nghiệp thể hiện ở số lượng thành lập mới tăng cao, đặc biệt kể từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành. Có thể nói, tinh thần cải cách của hai luật trên đã thổi một luồng sinh khí mới vào môi trường kinh doanh, khích lệ ý chí khởi nghiệp, lập nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp.
Nói cách khác, chính chính sự chuẩn hóa lần đầu tiên của hệ thống quy định về điều kiện kinh doanh, bãi bỏ hơn 6.000 giấy phép con, 20 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như thông điệp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm... của Chính phủ đã có tác động tích cực.
Kết quả của sự nỗ lực này còn được thể hiện trong bảng xếp hạng "Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016" mới được công bố gần đây, đó là môi trường thương mại của Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí thứ 73/136 nền kinh tế. Còn theo Báo cáo Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng thế giới công bố vào cuối tháng 10/2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam được ghi nhận có sự cải thiện mạnh mẽ nhất từ năm 2007 đến nay, tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190 của bảng xếp hạng).
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp năm 2016, thì cũng nhận thấy một số bất cập, đó là: số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2016 tăng so với cùng kỳ năm 2015 (12.373 doanh nghiệp giải thể, tăng 30,7%; 19.995 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 27,8%).
Bên cạnh đó, một điểm cần lưu ý là tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản tăng tới 83,9%. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản đang hồi phục mạnh mẽ. Song, đây cũng là điểm lo ngại, bởi những khoản nợ xấu ở ngân hàng đa phần thuộc về bất động sản. Sự phát triển thái quá, bất động sản cũng gây ra nhiều vấn đề tiêu cực cho nền kinh tế, như: môi trường, giao thông, chất lượng cuộc sống, chênh lệch đô thị - nông thôn…
Cũng cần phải nhắc lại một con số được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cảnh báo tại cuộc họp giao ban của Bộ cuối tháng 06/2015, đó là Việt Nam hiện nay có khoảng 63%-65% doanh nghiệp hoạt động phi sản xuất. Theo nhận định của Thứ trưởng Đông, đối với nước ta, đây thực sự là điều đáng quan ngại. Bởi, chỉ có sản xuất mới tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có vật chất thì mới tạo ra nhiều công ăn việc làm, đảm bảo được giá trị của đồng tiền và tạo nên thực lực của nền kinh tế.
Những bất cập trên của nền kinh tế cho thấy, bên cạnh các điều kiện thuận lợi của khung khổ chính sách mới và những cơ hội mở ra trong thời kỳ đất nước hội nhập, thì những hạn chế cố hữu chưa được giải quyết triệt để, như: vay vốn, lãi suất, nhân lực, chi phí không chính thức, tư duy “ăn xổi, ở thì”... vẫn là rào cản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết 35 là đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế, thì vẫn cần có nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, sự nỗ lực của hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ đủ để tạo làn sóng khởi nghiệp, đăng ký mới của doanh nghiệp. Còn để doanh nghiệp phát triển tốt sau đăng ký kinh doanh, thì cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải đảm bảo cho những doanh nghiệp sau đăng ký hoạt động hiệu quả.
“Thông điệp của Chính phủ đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ. Vì vậy, điều quan trọng trong năm tới là hành động nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi, tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển”, ông Lộc nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý đó là, Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV (tháng 10/2016). Dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIV (tháng 05/2017).
Mục tiêu của Luật này là thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất kỳ vọng vào sự ra đời của Luật này.
Cùng với những tín hiệu trong cải cách thể chế, Chính phủ cũng có những động thái thể hiện sự quyết tâm trong hành động. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra vào cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh lành mạnh trong năm 2017, từ đó, tự tin phát triển kinh doanh một cách dài hạn, cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường./.
Bình luận