Doanh nghiệp chế biến, chế tạo nhiều khả năng bứt phá trong năm 2017
Những tín hiệu khả quan của năm 2016
Trong năm 2016 chứng kiến sự khởi sắc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong suốt nhiều năm liền từ năm 2012, công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định theo hướng năm sau tăng cao hơn năm trước.
Tốc độ tăng của ngành này đạt mức tăng 11,2% vào năm 2016 (mức cao nhất trong nhiều năm liền) và đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Tính chung cả năm 2016, chỉ số tiêu thụ tăng 8,5% so với năm 2015. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá cao, như: Sản xuất xe có động cơ tăng 21%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 16,4%; sản xuất đồ uống tăng 13,1%; sản xuất kim loại tăng 12,9%.
Năm 2016, có 14.806 doanh nghiệp chế biến, chế tạo thành lập mới |
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2016, doanh nghiệp thành lập mới của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 14.806 doanh nghiệp, tăng 16,5% so với năm 2015, và tăng 66,81% so với năm 2012.
Trong năm 2016, một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo là 592 nghìn lao động. Chế biến chế tạo cũng là ngành thứ hai có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, với 3.616 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với năm 2015. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 8.089, giảm 11,03% so với năm 2015.
Năm 2016, các doanh nghiệp ngành cũng kinh doanh tốt hơn trước. Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy, có 80,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV ổn định và tốt hơn quý trước (có 41,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 39,4% số doanh nghiệp đánh giá ổn định).
Dự báo trong quý I/2017, có 81,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và tốt lên, trong đó có 42,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 18,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý I/2017 có 34,8% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu so với quý IV/2016; 16,8% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 48,4% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Tạo đà cho năm 2017!
Những tín hiệu khả quan của công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2016 sẽ là tiền đề để cho các doanh nghiệp ngành này bứt phá vào năm 2017.
Tháng đầu năm 20017 đã chứng kiến tiếp đà tăng trưởng của ngành, với chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/01/2017 tăng 8,3% so với cùng thời điểm năm 2016.
Còn theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, tháng 01/2017, số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 1.243 doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của ngành này là 774 doanh nghiệp, tăng 21,7%.
Trên thực tế trong những năm gần đây, thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2016, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 9.812,6 triệu USD, chiếm 64,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Lý do theo các chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam vừa gặp ít rủi ro, lại tận dụng được lợi thế nhân công, năng lượng giá rẻ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có chính sách phát triển công nghiệp rất tốt, điển hình như chính sách thuế, đất đai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01/07/2015 cũng đã có những tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo nói riêng.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Duy Bình, Công ty Tư vấn về Quản lý Kinh tế, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành này đang gặp phải các thách thức, đó là quy mô quá nhỏ bé, quá trình tích tụ vốn chủ sở hữu chậm chạp, thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành chế biến, chế tạo trong dài hạn.
Do đó, để thúc đẩy khả năng tích tụ vốn của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, theo luật sư Lê Duy Bình, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014.
Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi, nếu như với các chính sách và sự hỗ trợ tốt, hoàn toàn có thể có một số lượng đáng kể các doanh nghiệp nhỏ sẽ đẩy nhanh được quá trình tích tụ vốn của mình để vươn lên thành doanh nghiệp vừa.
“Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, trình độ quản lý, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong nước kết nối tốt hơn với các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu”, luật sư Bình nhấn mạnh./.
Bình luận