Đổi mới không chỉ cần thiết, mà đã đi đúng hướng và phải tiếp tục

Chia sẻ với những vất vả của ngành giáo dục trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: “Dù còn điểm này, điểm khác chúng ta chưa hài lòng, nhưng cũng phải nói một cách công tâm rằng trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã đạt được các kết quả rất đáng mừng. Điều quan trọng là chúng ta thấy rằng việc đổi mới không chỉ cần thiết mà đã đi đúng hướng và phải tiếp tục”.

Đó là kết quả đáng mừng, thể hiện quyết tâm từ trên xuống dưới, các cơ sở, giáo viên trong toàn ngành giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015

Trước đó, đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, đây là năm thứ 2 toàn ngành triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là một năm có nhiều đổi mới, đặc biệt là trong thay đổi cách đánh giá đối với học sinh tiểu học, triển khai các mô hình, giáo dục mới và nhất là đổi mới trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Cụ thể, trong năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thực hiện đổi mới mạnh mẽ hình thức đánh giá đối với học sinh tiểu học; tiếp tục đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực; chú trọng kết hợp đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; từng bước nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, hướng dẫn học sinh biết nhận xét góp ý lẫn nhau và biết tự đánh giá.

Tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tự đánh giá chất lượng trong nhà trường. Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung cấp chuyên nghiệp đã hoàn thành việc tự đánh giá. Nhiều chương trình đào tạo đã được đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, trong năm các địa phương, cơ sở giáo dục tích cực áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học theo tinh thần Nghị quyết 29, như: phương pháp “Bàn tay nặn bột”; mô hình trường học mới Việt Nam, chương trình tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục; các hình thức dạy học mới: giáo dục thông qua di sản, thí điểm mô hình dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường. Kết quả thu được của những mô hình thí điểm này là tiền đề để triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, một trong những thay đổi đột phá của Ngành trong năm học là tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2015, lấy kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Theo đánh giá ban đầu, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 đã được chuẩn bị chu đáo từ Trung ương đến các địa phương và được tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân; kết quả thi phản ánh đúng trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét tuyển sinh.

Khắc phục hạn chế để tiếp tục nhiệm vụ đổi mới

Rất thẳng thắn, Phó Thủ tướng cho rằng, khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất trường lớp có vai trò rất quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trung ương đã có Đề án kiên cố hóa trường học, nhà công vụ cho giáo viên với kinh phí 36.000 tỷ đồng và thực tế ngân sách dành cho Đề án này đã vượt kế hoạch ban đầu. Nhưng, nếu hoàn thành hết việc kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên ở thời điểm hiện tại sẽ cần đến trên 50.000 tỷ đồng trong khi ngân sách đang rất khó khăn.

Liên quan đến những khó khăn trong thực hiện Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới, Phó Thủ tướng cho rằng đây là xu thế giáo dục hiện đại và cũng phù hợp với truyền thống.

“Đánh giá để cho các cháu phấn đấu, vượt lên chính mình chứ không phải để so sánh, để ganh tị với những người khác. Điều cần rút kinh nghiệm là một chủ trương mới dù là đúng cũng phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là cách tuyên truyền, giải thích, vận động, nhưng dứt khoát đúng thì mình kiên định làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, cần chú trọng khắc phục những hạn chế trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh hiện nay. Việc này có thể làm ngay trong nhà trường và “phải thực sự vì học sinh”.

“Những vấn đề này phải làm từ mẫu giáo, dạy các cháu những thứ rất cơ bản, dạy kỹ năng sống một cách phù hợp, giản dị từ truyền thống cha ông, năm điều Bác Hồ dạy; dần dần nâng lên ở những lứa tuổi lớn hơn, dạy các cháu để làm người tốt, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và bây giờ là công dân toàn cầu”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng yêu cầu, cần đánh giá lại kỳ thi trung học phổ thông một cách khách quan, việc đổi mới cần phải lộ trình nhằm nâng cao chất lượng toàn diện học sinh.

Nói về nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2015-2016, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Trong đó, tập trung tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học; các mô hình, phương pháp dạy học mới phục vụ cho quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Chú trọng kiểm tra, hỗ trợ giáo viên thực hiện các hình thức kiểm tra đánh giá quá trình và kết quả học tập của học sinh, đảm bảo đánh giá được khả năng vận dụng sáng tạo, kỹ năng thực hành và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, tránh đánh giá sự ghi nhớ của học sinh; đánh giá thật sự là hoạt động phát hiện, động viên, hướng dẫn kịp thời để từng em học sinh đều học được và học tốt.

Đổi mới các mô hình, phương pháp dạy học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015-2016

Đồng thời, Bộ trưởng Luận cho biết Bộ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi. Đồng thời, xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ đầu cấp, chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, nhất là đối với học sinh lớp cuối cấp, học sinh vùng kinh tế - xã hội khó khăn.../.