Đồng Nai: Cần ưu tiên vốn cho mô hình kinh tế tập thể của thanh niên
Tự lực là chính
Khó tiếp cận nguồn vốn vay không chỉ xảy ra đối với cá nhân, mà đến mô hình kinh tế tổ hợp tác thanh niên cũng gặp khó khăn về vốn, khiến cho hoạt động của tổ hợp tác không hiệu quả.
Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi heo xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi.
Hay mô hình Tổ hợp tác thanh niên trồng chanh leo đã ra đời bởi 7 thành viên ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Đầu năm 2014, dự án trồng cây chanh dây bắt đầu được triển khai trên khu đất 3,5 ha tại xã Xuân Bắc.
Sau 03 tháng, nhóm đã thu hoạch gần 10 tấn dịch chanh leo xuất khẩu sang châu Âu, thu về khoảng 240 triệu đồng. Với mức đầu tư ban đầu trên 500 triệu đồng, trong khi cây cho thu hoạch 3 - 4 năm, việc thu lợi nhuận là khả quan. Tổ hợp tác sẽ tăng diện tích và chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật cho người trồng. Sắp tới, khi có nhà máy xử lý chuyên dụng cho sản phẩm chanh dây, chi phí xử lý sẽ giảm xuống, hạt chanh dây (hiện bỏ đi sau khi tách lọc) sẽ được ép lấy dầu.
Tuy nhiên, với những mô hình tổ hợp tác này, anh em không có khả năng góp vốn; thủ tục vay vốn tín chấp của Đoàn thanh niên rườm rà, trong khi số vốn được vay lại không đủ để làm mô hình chăn nuôi heo tập thể nên anh em không đồng ý. Việc vay vốn thế chấp lại càng khó bởi đa số anh em đang ở với gia đình, không có tài sản thế chấp. Do vậy, mang tiếng là tổ hợp tác nhưng thực tế các thành viên trong tổ mạnh ai nấy làm theo kiểu cá thể hộ gia đình.
Cùng chung ý tưởng xây dựng một mô hình kinh tế để định hướng phát triển trong thanh niên nông thôn,.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ thanh niên
Anh Nguyễn Cao Cường, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn cho biết, Đoàn thanh niên hiện đang quản lý một số nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, Quỹ Đồng hành cùng thanh niên tỉnh Đồng Nai, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, Liên minh Hợp tác xã và các câu lạc bộ, tổ, nhóm tương trợ… với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này mới chỉ giải quyết được nhu cầu vay vốn của bộ phận thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Bởi vậy, thay vì nguồn vốn chỉ dành cho thanh niên thuộc hộ nghèo, cần mở rộng đối tượng cho vay căn cứ vào hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể. Từ mô hình kinh tế của thanh niên được vay vốn làm ăn hiệu quả sẽ là cơ sở để tổ chức Đoàn huy động vốn cho nguồn Quỹ Đồng hành với thanh niên của Tỉnh.
Trong khi đó, để những mô hình kinh tế tập thể của thanh niên tiếp cận được với nguồn vốn vay, thủ tục vay vốn nên đơn giản hơn và có hướng dẫn cụ thể về quy trình vay vốn.
Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng cần nỗ lực để tăng nguồn vốn do Đoàn thanh niên quản lý thông qua việc liên kết với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, xây dựng quỹ tương trợ trong thanh niên; đề xuất Trung ương Đoàn tăng cường nguồn vốn, huy động vốn trong thanh niên để tăng thêm nguồn Quỹ Đồng hành với thanh niên Tỉnh; khuyến khích các mô hình tương trợ của thanh niên.../.
Bình luận