Cụ thể, theo kết quả khảo sát của EuroCham, với 15.2 điểm, đây là mức thấp nhất của chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong vòng 10 năm nay.

Đa số doanh nghiệp EU tham gia khảo sát (76%) cho biết có kết quả kinh doanh không tốt trong cùng kỳ 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2021. Trong đó, 29% cho biết kết quả kinh doanh của họ “rất tệ”. Trong 3 tháng tới, đa số doanh nghiệp dự đoán kết quả kinh doanh của họ sẽ chỉ khá hơn một chút, tuy nhiên nhìn chung vẫn ở mức không tốt.

EuroCham công bố chỉ số BCI giảm thấp trong thời gian giãn cách

Các doanh nghiệp EU cho biết khó khăn trong hoạt động vận tải và gián đoạn chuỗi cung ứng (với 71% doanh nghiệp phản hồi) và điều kiện thị trường (51%) là hai tác nhân chính ảnh hưởng mạnh nhất đến sản xuất kinh doanh. Trên 56% các doanh nghiệp đã tiêm phòng ít nhất một mũi cho phần lớn nhân viên (chủ yếu các công ty trong TP. HCM). Tuy nhiên, đối với một phần nhỏ các doanh nghiệp còn lại, phần lớn cho biết, họ chưa nhận được kế hoạch cụ thể về việc tiêm phòng cho nhân viên.

Do phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài, 18% doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần nhu cầu sản xuất/đơn hàng sang các nước khác. Bên cạnh đó, 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc chuyển dịch sản xuất. "Đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp", Chủ tịch EuroCham Alain Cany thông tin.

Chủ tịch EuroCham khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vaccine tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát..., việc có doanh nghiệp nước ngoài buộc phải xem xét tới khả năng rời đi "hoàn toàn có thể xảy ra".

Cũng theo kết quả khảo sát, với quy định 3 tại chỗ, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí cao cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của nhân viên (ví dụ công nhân sẽ muốn về nhà sau thời gian dài làm việc tại nhà máy). 51% doanh nghiệp cho rằng hiện nay không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lí và chính quyền về việc doanh nghiệp cần làm gì trong trường hợp xuất hiện ca F0 tại nhà máy. 68% doanh nghiệp cho rằng, cần có quy tắc tập trung của Chính phủ cho hoạt động kinh doanh, thay vì để các địa phương tự quyết định.

Ông Alain Cany nhấn mạnh, một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần có hộ chiếu tiêm chủng điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển miễn phí những người được tiêm chủng trong và ngoài nước. "Cần có một quy trình nhanh chóng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ quay trở lại Việt Nam. Thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian vừa gây ra nhiều khó khăn, đồng thời là một rào cản đáng kể đối với các hoạt động thương mại và đầu tư, vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”, ông Alain Cany bày tỏ.

Theo Chủ tịch EuroCham, đây là những thách thức ngắn hạn. “Về lâu dài, một khi COVID-19 được kiểm soát trở lại, chúng ta có cơ hội đáng kể để tăng cường thương mại và đầu tư giữa EU-Việt Nam nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Trong 12 tháng đầu tiên thực hiện - và ngay cả khi đang xảy ra đại dịch toàn cầu - thương mại song phương đã tăng lên. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng lợi đáng kể”, ông cho biết./.