Sáng nay (20/1), tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo với chủ đề Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM chủ trì Hội thảo

Cơ hội lớn từ EVFTA

Trong vòng hơn 30 năm qua, Việt Nam đã liên tục thực hiện cải cách thể chế kinh tế trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường.

Từ năm 1995 và đặc biệt là sau khi ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quá trình cải cách thể chế và kinh tế đã được tăng tốc mạnh mẽ. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và EVFTA với những cam kết vượt ra ngoài phạm vi việc loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, EVFTA rất quan trọng với Việt Nam dù hiệp định đã không còn trọn vẹn khi nước Anh rời khỏi châu Âu. Sự kiện Brexit, khiến nơi mà Việt Nam mong muốn tiếp cận mất đi một thị trường lớn. Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới hiện tại cũng có những thay đổi so với khi EVFTA được ký kết năm 2015.

Cùng thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, Việt Nam và EU nhất định phải thực hiện nghiêm túc khi thỏa thuận đi vào thực hiện.

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng: EVFTA có thể giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách trong môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thông qua những điều khoản quy định tại Hiệp định.

Cụ thể như: các điều khoản về thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bằng cách cung cấp nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và có được hiệu quả quy mô; Hiệp định cũng giúp thúc đẩy các dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam - nguồn vốn FDI được tin tưởng là có chất lượng cao và sản xuất Việt Nam có thể thu được hiệu ứng lan tỏa; Hiệp định cũng buộc Việt Nam cải thiện các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tiếp cận với nguồn cung đầu vào giá thấp hơn từ EU, do đó, chất lượng sản phẩm Việt Nam sẽ được cải thiện.

Đặc biệt, theo TS. Cung, việc thực hiện EVFTA sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh hơn khi buộc các doanh nghiệp trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh của mình. Đồng thời, giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được các thủ tục/chi phí không cần thiết khi liên quan đến các trường hợp chống bán phá giá.

Bên cạnh đó, ông Christian Brix Moller, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đánh giá, các FTA sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng thêm 4%-5%. Đối với riêng EVFTA, khi Hiệp định này có hiệu lực, các cam kết về thương mại hàng hóa sẽ giúp cải thiện hiệu quả thị trường hàng hóa và quy mô thị trường. Theo đó, sẽ loại bỏ đến hơn 99% dòng thuế xuất khẩu trong thời hạn từ 7 đến 10 năm.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, EVFTA ký kết chính thức sẽ giúp tăng 4%-6% kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam vào EU... Cho biết cụ thể về tiến trình của EVFTA , ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang đặt mục tiêu EVFTA sẽ được đưa vào thực hiện vào năm 2018.

Ông Phương thông báo rằng, Hiệp định đang trong giai đoạn rà soát pháp lý. Đây là thời gian cần thiết để xem xét cẩn thận từng nội dung và mọi người không nên sốt ruột vì chưa thấy kết quả.

Bộ Công Thương dự tính rằng, luật pháp Việt Nam sẽ phải sửa đổi 44 văn bản và ban hành mới 5 văn bản. Những văn bản này bao gồm nhiều nội dung, trong đó lĩnh vực mua sắm công và doanh nghiệp nhà nước được ông Phương đặc biệt nhấn mạnh.

Việt Nam đã sẵn sàng tham gia EVFTA?

Tuy nhiên, bàn về sự sẵn sàng của Việt Nam khi tham gia EVFTA, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, Việt Nam đã đạt được một số thành công trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng dù Luật Đầu tư năm 2014 đã đơn giản và minh bạch hơn về quá trình phê duyệt dự án đầu tư. Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2016 tăng 6 bậc so với 2015, từ 126/189 lên vị trí 119/189 quốc gia trên thế giới.

EVFTA đã kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015, dự kiến được ký kết vào năm 2017, có hiệu lực vào năm 2018. Đây là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 quốc gia thành viên châu Âu (EU). Đồng thời, là Hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Mặc dù vậy, nếu so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, thì môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao. Ví dụ, chỉ số giao dịch qua biên giới vào năm 2016 đã giảm 1 bậc, từ 98/189 lên vị trí 99/189 quốc gia. Theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015 - 2016, chỉ số bảo vệ đầu tư của Việt Nam chỉ đạt 4,7/10 điểm, xếp thứ 100/140 quốc gia. Thủ tục hải quan tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều. Ngoài ra, chi phí giao dịch vẫn còn lớn, doanh nghiệp không chỉ phải trả chi phí chính thức mà phải trả thêm cả những chi phí không chính thức.

Tuy nhiên, khu vực nhà nước vẫn được coi là khu vực kinh tế chủ đạo. Do đó, luôn có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước ở hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực. Với lợi thế trong độc quyền nhà nước, tiếp nhận trợ cấp từ nhà nước, giao đất và dễ dàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước đã cạnh tranh không công bằng với khu vực tư nhân.

Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam có thể sẽ là đối tượng bị kiện và áp dụng các biện pháp xử phạt thương mại nếu các chính sách và thể chế về doanh nghiệp nhà nước không thay đổi và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gây ra thiệt hại đáng kể cho thương mại và đầu tư của EU vào Việt Nam.

Cần đổi mới thể chế

Theo Viện trưởng Viện CIEM, EVFTA đang đòi hỏi Việt Nam thực hiện những cam kết “đằng sau biên giới”. Những cam kết này bao gồm cách thức Nhà nước ban hành pháp luật, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và Nhà nước, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Cảm thông với những khó khăn mà Chính phủ đang gặp phải, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, Nhà nước cần tăng tốc hơn nữa. Cơ hội mở ra, nhưng không đến với tất cả mọi người. Những cải cách cũng không tự đến mà cần Chính phủ dẫn dắt. Về phần mình, TS. Cung cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị cụ thể đến Chính phủ.

Bà Nguyễn Minh Thảo, cũng đưa ra kiến nghị cụ thể hơn, như: Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường dựa trên các chuẩn mực quốc tế; tăng cường đề cao vai trò, vị thế của khu vực tư nhân; đáp ứng yêu cầu cam kết hội nhập, trong đó có Hiệp định EVFTA. Đồng thời, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi như: Cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, chính sách, thủ tục hành chính; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý nhà nước. Quản lý trên cơ sở tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa các thủ tục hành chính.

Trong khi đó, ông Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng: EVFTA không có một chương riêng về vấn đề môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, mặc dù vậy, việc thực hiện các cam kết trong thúc đẩy thương mại, thủ tục hải quan, thủ tục phi thuế quan, lao động... có thể gián tiếp giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng, trong EVFTA, cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại được thể hiện rất rõ trong Chương 5 và Chương 20 - Giao thức về hợp tác quản lý trong hải quan.

Những chương trên thể hiện các cam kết về hải quan; tạo thuận lợi cho thương mại; hỗ trợ trong hải quan; hợp tác giữa hải quan của hai bên. Hầu hết các cam kết trên phải thực hiện ngay lập tức khi thỏa thuận có hiệu lực. Do đó, thực hiện EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến vấn đề hải quan./.