EVFTA và CMCN 4.0 sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu
Tại buổi lễ, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã ra mắt ấn bản thứ 11 của ấn phẩm thường niên Sách Trắng. Nội dung của Sách Trắng năm 2019 chú trọng vào tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay đặc biệt nhấn mạnh vào hai vấn đề bức thiết đảm bảo sự thành công trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam, đó là: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Song song với việc ra mắt Sách Trắng, Eurocham cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sự kiện EVFTA: Đổi mới và số hóa công nghiệp vì một Việt Nam thịnh vượng.
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham đánh giá, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam từ một trong những nước kém phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, Việt Nam có cơ hội thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA để bước lên một tầm cao mới.
Ông Nicolas Audier cho rằng, những kiến nghị của EuroCham, nếu được xem xét tháo gỡ, sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển. Đồng thời, những kiến nghị này cũng sẽ góp phần cải thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh của Việt Nam, qua đó, cải thiện mức sống của hàng triệu công dân Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao chia sẻ, hợp tác với các doanh nghiệp EU sẽ là bệ phóng lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. EVFTA được ký kết thành công sẽ giúp EU tăng trưởng GDP là 2,9%, còn Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng từ 10%-15%. Do đó, Việt Nam cam kết sẽ đảm bảo môi trường mở, minh bạch cho các nhà đầu tư châu Âu, nhất là trong các lĩnh vực: giao thông, chế biến, tài chính… Chính vì vậy, ông Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của EuroCham để sớm thúc đẩy phê chuẩn EVFTA.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đồng Chủ tịch EuroCham, ông Denis Brunetti cho biết, những năm qua, con đường phát triển kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Thế nhưng, trong thời gian tới, sự phát triển kinh tế xã hội và nguồn việc làm trong tương lai chủ yếu sẽ đến từ nền kinh tế kỹ thuật số với nhu cầu nhân lực công nghệ cao khi tất cả các ngành công nghiệp được số hóa.
Do đó, ông Nicolas Audier nhận định rằng, sự kết hợp giữa EVFTA và Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng quốc tế. Cách mạng Công nghiệp 4.0, thông qua quá trình số hóa diễn ra ở khắp các ngành nghề, sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam, như: cạnh tranh hơn, đổi mới hơn và chuẩn bị tốt hơn nắm bắt cơ hội tiềm năng. Trong khi đó, EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, giúp người tiêu dùng tiếp cận tốt hơn với đa dạng hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao từ châu Âu.
Còn theo ông Bruno Angelet Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, kinh tế số tăng trưởng gấp 7 lần các ngành khác nên đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức của các nền kinh tế. Chính vì vậy, Việt Nam cần chú trọng tìm hiểu, để đảm bảo một nền kinh tế cởi mở nhưng vẫn cạnh tranh lành mạnh; cần có cơ sở hạ tầng sẵn có, đảm bảo bảo mật an ninh, đảo bảo niềm tin của người dân với nền kinh tế số.
Nói về những chính sách của Chính phủ Việt Nam để lên được con tàu cách mạng 4.0, ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Trung ương (CIEM) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam đã cải cách thể chế và tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ phát triển kinh tế số, xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, đảm bảo an ninh mạng; đồng thời, tạo hệ sinh thái sáng tạo toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế để các bên có thể áp dụng, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, Việt Nam mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự đầu tư, ủng hộ của các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có EuroCham để có lộ trình phát triển phù hợp./.
Bình luận