GDP quý IV/2020: Điểm sáng của năm 2020
Quý cuối cùng của năm 2020 ước tính tăng 4,48%
Tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2020, chiều ngày 27/12/2020, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá so sánh 2010 quý IV và cả năm 2020 tăng tương ứng 4,48% và 2,91% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê
Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,69% và 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,6% và 3,98%, khu vực dịch vụ tăng 4,29% và tăng 2,34%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07% và 1,7%.
“Đây là mức tăng trưởng thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây của nền kinh tế Việt Nam, nhưng so với diễn biến ảm đạm của 9 tháng đầu năm, thì mức tăng trưởng trong quý 4 vẫn là điểm sáng của năm, giúp tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khả quan nhất so với các nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Quý IV/2020, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đều có bước nhảy xa
“Dịch Covid-19 chứng kiến tăng trưởng âm lịch sử của hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong quý II/2020, tuy nhiên bước sang quý IV/2020, tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đều đã có những bước nhảy xa so với mức tăng của quý III, mức tăng trưởng quý IV của xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 13,25% và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ là 13,09%. Đây là một điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng quý IV cũng như tăng trưởng kinh tế năm 2020”, ông Hùng dẫn giải.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2020, ông Hùng cho biết, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 1,06%, trong đó, tiêu dùng cuối cùng của nhà nước vẫn duy trì tốc độ tăng khá ổn định, đạt 6,16%; tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư chỉ tăng 0,58%.
Nhìn lại tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng hộ dân cư các năm trước đó, năm 2011: 4,10%; năm 2012: 4,88%; năm 2013: 5,18%; năm 2014: 6,12%; năm 2015: 9,33%; năm 2016: 7,30%; năm 2017: 7,35%; năm 2018: 7,26%; năm 2019: 7,36%, thì năm 2020 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Điều đáng mừng là tích lũy tài sản cả năm tăng 4,12%. Mức tăng này được đóng góp nhiều bởi tăng trưởng quý III, quý IV với mức tăng lần lượt là 5,79% và 5,29% cao hơn nhiều so với mức tăng 1,12% và 1,82% của 2 quý đầu năm.
Các ngành “giúp” tăng trưởng dương trong năm 2020
Về đóng góp của các ngành chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế năm 2020, ông Hùng cho biết, quý IV, ngành nông nghiệp đã hồi phục khá mạnh so với 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng đạt 4,95%, cao nhất trong 10 năm gần đây; cả năm tăng 2,55%, cao thứ 2 kể từ năm 2015.
Lý giải vì sao ngành nông nghiệp tăng trưởng tốt, ông Hùng cho biết, chủ yếu do: (i) Hoạt động chăn nuôi lợn đang dần ổn định và phát triển, dịch tả lợn Châu Phi đang được kiểm soát và việc tái đàn gia tăng nhanh, nguồn cung đang dần khôi phục để đáp ứng nhu cầu thịt lợn trong nước luôn ở mức cao; hoạt động chăn nuôi gia cầm, gia súc tiếp tục giữ ổn định.
(ii) Hoạt động trồng trọt cây lâu năm, đặc biệt là các loại cây ăn quả được mùa nên có mức tăng trưởng tốt, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi do tìm kiếm được thị trường xuất khẩu mới;
(iii) Sản lượng lúa, gạo giảm nhưng giá trị vẫn cao do chuyển dịch sản phẩm sang sử dụng giống lúa chất lượng cao đang tăng dần (chiếm 74% giống lúa, tăng 24% so với năm 2015).
Trong năm, ngành thủy sản tuy phải đối mặt với biến động giá cá tra và giá tôm nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, sản lượng tôm nuôi trồng vẫn tăng 5,6%
Trong ngành công nghiệp và xây dựng, theo ông Hùng, hoạt động sản xuất kim loại chủ yếu là sản xuất thép các loại gia tăng sản lượng mạnh trong những tháng với tốc độ tăng quý IV đạt 27,9% và cả năm trên 14% đã giúp hoạt động công nghiệp chế biến khả quan hơn.
“Tuy nhiên, nguồn cung thép khá lớn nhưng vẫn chưa thể tiêu thụ ngay (chỉ số tồn kho tại thời điểm 20/12 dự kiến là 226%, dự kiến sản lượng tồn kho cả năm chiếm hơn 60% giá trị sản xuất trong năm) do ảnh hưởng của đợt bão lụt tại miền Trung vừa qua khiến các doanh nghiệp không thể xuất hàng ngay. Nguồn cung thép tốt, nhu cầu thị trường trong nước và thế giới những tháng cuối năm cao, giá thép xây dựng trong nước hiện cũng tăng mạnh sẽ là động lực giúp ngành sắt thép sớm giải quyết tồn kho và khôi phục sản xuất”, ông Hùng nhận định.
Về hoạt động sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đạt tăng trưởng sản lượng 18,2% trong quý IV và 11,3% cả năm; trong đó sản xuất thiết bị truyền thông tăng 20,7% trong quý IV, 12,5% cả năm và Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 21,5% quý IV và 9,1% cả năm là hai ngành chủ lực tăng trưởng chính đã đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng 8,63% và 5,82% trong quý IV và cả năm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
“Nguồn cung tốt và tiêu thụ sản phẩm tốt (xuất khẩu ngành hàng này tăng hơn 23% so với cùng kỳ và dự ước tồn kho cả năm 2020 chỉ khoảng 47%) cũng sẽ là hy vọng cho việc sớm khôi phục sản xuất như trước của Việt Nam”, đại diện Tổng cục Thống kê kỳ vọng.
Về hoạt động sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, ông Hùng cho biết, đây là ngành có tỷ trọng lớn, tăng trưởng sản lượng đạt 36,7% trong quý IV và 11,4% cả năm 2020 cũng là nhân tố tăng trưởng quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
“Cùng với đó, hoạt động sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu đạt tăng trưởng sản lượng 16,4% trong quý IV và 27,1% cả năm cũng giúp ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng khả quan”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, hoạt động xây dựng tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng quý IV đạt cao nhất 8,56% và cả năm đạt 6,76% trong đó, đầu tư của khu vực nhà nước cũng đã tạo hiệu ứng tốt cho các loại hình kinh tế khác phát triển.
Trong các ngành dịch vụ, ông Hùng chỉ rõ, điểm sáng nhất là hoạt động y tế khi tăng trưởng quý 4 và cả năm đạt 10,96% và 10,58%, cao nhất trong 10 năm qua và so với các ngành kinh tế khác.
“Tăng trưởng của ngành y tế hiện tại do toàn bộ nguồn lực của cả nước được dồn lại cho hoạt động chống dịch trên toàn quốc. Toàn bộ nhân lực, vật lực của ngành y tế, của các đoàn thể đang được huy động tối đa cho việc phòng dịch, dập dịch trong suốt cả năm qua”, đại diện của Tổng cục Thống kê lý giải.
Ngoài ra, hoạt động thông tin và truyền thông đạt mức tăng trưởng khá tốt so với các ngành kinh tế khác với mức tăng 7,44% và 7,42% trong quý IV và cả năm do tích cực tham gia hoạt động chống dịch cùng với cả nước.
“Do ảnh hưởng của đại dịch Covid, hoạt động viễn thông cũng đang thực hiện cơ cấu lại sản phẩm nhằm thích ứng với sự thay đổi hiện tại: phát triển dịch vụ dữ liệu, dịch vụ số tạo nền tảng hạ tầng cho chuyển đổi sang kinh tế số, xã hội số”, ông Dương Mạnh Hùng lý giải./.
Bình luận