Giá cao su châu Á tiếp tục giảm, ARBC tăng nỗi lo
Sáng 21/9, giá cao su tại một số sàn giao dịch kỳ hạn châu Á tiếp nối đà giảm của ngày thứ Sáu tuần trước (18/9) do các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su sẽ giảm sút trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức.
Giá cao su giảm mạnh nhất tại sàn SHFE của Trung Quốc, với hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 09/2016 mất đến 240 NDT/tấn (37,7 USD/tấn), còn hợp đồng giao kỳ hạn tháng 01/2016 giảm 220 NDT/tấn (34,58 USD/tấn).
Thị trường sẽ tập trung vào các giao dịch của sàn SHFE trong tuần này do sàn TOCOM của Nhật đóng cửa nghỉ lễ kể từ đầu tuần cho đến hết ngày thứ Năm (24/9). Do đó, mọi chỉ số kinh tế và chứng khoán của Trung Quốc cũng đều có ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến của giá cao su.
Cuối tuần trước, giá cao su tại sàn TOCOM đã mất 2,8% sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp gần bằng 0%, sau khi đánh giá kỹ các bất ổn của nền kinh tế, tài chính toàn cầu, cộng với lạm phát dưới mức mục tiêu 2%.
Hội đồng doanh nghiệp cao su Đông Nam Á (ARBC), bao gồm các hiệp hội thương mại cao su Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Cambodia vốn chiếm 76,2% sản lượng cao su toàn cầu, đã rất quan ngại về tình hình giá cao su giảm kéo dài kể từ năm 2013 và hiện đang dao động ở mức thấp.
Ngoài nhu cầu sụt giảm, đặc biệt là tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, thì sự bất ổn của nền kinh tế vẫn đang diễn biến xấu ở châu Âu, các thị trường mới nổi và một số nơi trên thế giới, chưa kể sự giảm sâu của giá dầu thô đã ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến của giá hàng hóa toàn cầu, trong đó có cao su.
Nhập khẩu cao su của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2015 đạt 2,37 triệu tấn, giảm 3,66% so với 7 tháng đầu năm 2014. Còn giá dầu thô trong tháng 8 từng từng lùi về mức 38 USD/thùng.
Việc giá cao su thấp dai dẳng đã gây nhiều khó khăn cho đời sống của các hộ nông dân, những người coi cây cao su như là nguồn thu nhập chính của họ.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến khả năng nhiều nhà trồng quy mô nhỏ ngừng khai thác để chuyển sang làm những nghề khác có thu nhập cao hơn, nhằm cải thiện cuộc sống trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt đắt tăng cao.
Nhưng bất kỳ sự bỏ bê cây cao su nào của người nông dân trồng cao su cũng đều là gánh nặng vì sẽ gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất duy trì hoạt động.
Sự lo ngại đó cũng đã được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của ARBC ở Bali vào ngày 29/8. Tất cả các thành viên trong nhóm đã đưa ra những ý kiến, đề xuất khác nhau để trợ giá cho người nông dân, khuyến khích họ bám trụ cây cao su.
Bên cạnh đó, ARBC cũng kêu gọi những nhà sản xuất và những quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên thấu hiểu được những khó khăn và nỗi khổ của người nông dân để họ có những hỗ trợ cần thiết. Qua sự hỗ trợ đó cũng sẽ tạo được mối liên kết, sự hợp tác giữa hai bên cung – cầu để giúp ngành cao su thiên nhiên tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.
Để cải thiện sản lượng cây cao su, Thái Lan mới đây đã thực thi Kế hoạch phát triển cây cao su 10 năm bắt đầu từ ngày 1/9, giai đoạn 2014-2024.
Ngoài việc trồng mới, Bộ nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan cũng khuyến khích người nông dân thay thế những cây cao su già cỗi, năng suất kém.
Bộ cũng xúc tiến chuyển giao công nghệ cho người nông dân để giúp giảm các chi phí sản xuất và để họ ứng dụng hiệu quả công nghệ vào việc tăng sản lượng hàng năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan cũng sẽ hỗ trợ vốn 5 tỉ baht để nông dân nâng cao năng lực sản xuất và phát triển các kỹ thuật chế biến.
Tại Việt Nam, theo báo cáo từ Cục hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong tháng 8/2015 đạt 118.560 tấn, tăng 5,75% so với tháng 8/2014 và tăng 12,4% so với tháng 7/2015.
Tổng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 639.560 tấn, tăng 12,4% so với 8 tháng đầu năm 2014.
Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong 8 tháng qua là Trung Quốc với 308.827 tấn, tăng 33%; Malaysia là 106.616 tấn, giảm 4,4% và kế đến là Ấn Độ 46.017 tấn, giảm 5,2%.
Giá cao su xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm bình quân 1.458 USD/tấn, giảm 19,2% so với năm ngoái, theo tin từ Hiệp hội cao su Việt Nam cho hay vào hôm 11/9.
Cũng theo Cục Hải quan, nhập khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8 đạt 27.676 tấn, nâng tổng sản lượng nhập khẩu 8 tháng đầu năm lên 252.120 tấn, tăng 26,04% so với 8 tháng đầu năm 2014.
Trong tuần qua, giá cao su thiên nhiên giảm từ 40 -140 VND/kg. Trong đó, mủ đông khô có mức giảm mạnh nhất 140 VND/kg, còn các loại mủ chén và mủ tạp giảm 40 VND/kg.
Mủ cao su tạp (dạng chén) ở hầu hết các nơi có giá bán không đổi so với tuần trước là 9.000 VND/kg.
Giá cao su SVR3L cũng chưa có thay đổi ở mức 27.200 VND/kg và cao su SVR10 có giá 26.900 VND/kg.
Dưới đây là giá cao su tham khảo tại một số sàn châu Á.
Bình luận