Giải bài toán khó về tính bao trùm trong chuyển dịch xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn và quý giá để thực hiện phát triển bền vững; đặc biệt là tập trung vào tăng trưởng xanh, lan tỏa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là thách thức và hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với việc giải bài toán khó về tính bao trùm trong chuyển dịch xanh hướng tới phát triển bền vững.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn và quý giá để thực hiện phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là thách thức và hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với việc giải bài toán khó về tính bao trùm trong chuyển dịch xanh hướng tới phát triển bền vững. |
Chủ trương của Đảng về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian qua
Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia sớm thực hiện các cam kết về môi trường, đặc biệt là trong việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường. Từ năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36/1998/CT-TW, ngày 25/6/1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trước đó, tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta cũng chỉ ra: "Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái". Đến Đại hội IX, Đảng đã nêu rõ: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường". Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: "Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược". Điều này đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế tri thức phải đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế cần được kết hợp chặt chẽ, hợp lý với phát triển văn hóa, xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, Đại hội cũng chỉ ra: "Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội”. Đại hội XI đã đưa ra các nội dung đa dạng, cụ thể, toàn diện và khoa học, phản ánh quan niệm chung của thế giới về phát triển bền vững, nhưng đồng thời cũng phù hợp với khả năng, điều kiện, cũng như đặc điểm của Việt Nam trong bối cảnh của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Qua đó, thể hiện mục tiêu phát triển bền vững không chỉ tập trung vào một lĩnh vực duy nhất, mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống và phát triển của xã hội.
Đến Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đảng ta đã chủ trương phát triển nhanh và bền vững, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, Bộ Chính trị cũng ban đã có Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Qua đó, đặt ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng là các nhiệm vụ và giải pháp này phải được gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Điều này có ý nghĩa rằng, quá trình phát triển kinh tế - xã hội không được tiến hành bằng cách tàn phá tài nguyên, mà phải đảm bảo rằng, việc phát triển không gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và sự tồn tại của các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đặc biệt, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta đã nhận định "phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới". Hơn nữa, về phương hướng, nhiệm vụ, Chiến lược cũng nêu rõ là: "Đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Thêm vào đó, để thúc đẩy phát triển bền vững, Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra những định hướng về hoàn thiện thể chế đối với phát triển bền vững. Cụ thể là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” là một trong những định hướng chủ chốt phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững.
Để cụ thể hóa chiến lược về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Những kết quả đạt được
Sau khi triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh 2010-2020, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.
Các kết quả khả quan đã đạt được của tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong thời kỳ 2011 - 2020 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết, như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%…
Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng.
Điều đáng mừng là nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng lên; tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác...
Có thể thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ hướng tới sự phát triển xanh và bao trùm. Chính phủ đã đưa ra các cam kết để cải thiện tất cả các khía cạnh của sự phát triển xanh và toàn diện tại COP26 là phát thải ròng bằng 0 trước 2050; loại bỏ dần sản xuất điện than trước năm 2040. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa mục tiêu giảm 30% cường độ phát thải khí nhà kính/GDP so với năm 2014 vào năm 2050 và nền kinh tế số chiếm 50% GDP.
Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã tổ chức thành công “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam" ngày 30/11/2023 tại Hà Nội. |
Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh. Trong đó, tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Theo nghiên cứu công bố tại “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam" do Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 30/11/2023 đã cho thấy điều này.
Tính bao trùm ở cấp độ địa phương: Tính đến năm 2021, GRDP bình quân đầu người của các vùng kinh tế trong cả nước có sự phát triển không đồng đều. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng ở ngưỡng cao, lần lượt đạt 142,23 triệu đồng và 110,43 triệu đồng; trong khi khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 53,09 triệu đồng và Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 56,13 triệu đồng. Kéo theo đó, năng suất lao động cũng có sự phân cực mạnh giữa các địa phương khi một số tỉnh thành có năng suất lao động ở mức rất cao, như: Bà Rịa – Vũng Tàu (561,2 triệu đồng/người), TP. Hồ Chí Minh (305,5 triệu đồng/người), Quảng Ninh (350,03 triệu đồng/người), trong khi một số tỉnh thành có năng suất lao động ở mức rất thấp, như: Điện Biên (73,88 triệu đồng/người), Bến Tre (75 triệu đồng/người). Đặc biệt, theo báo cáo về Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh PSDI2022, kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành trên cả nước năm 2022 đạt 52,53, tăng 1,15 điểm so với năm 2021.
Tuy nhiên, sự chênh lệch về phát triển giữa các địa phương còn lớn. Nếu như những tỉnh dẫn đầu có kết quả vượt trội, Quảng Ninh (với 66,46 điểm), Hải Phòng (65,50 điểm) và vị trí thứ ba thuộc về Đà Nẵng (65,00 điểm), thì ở phía cuối bảng xếp hạng, nhóm các địa phương, như: Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông và Lai Châu có mức điểm thấp dưới 40. Điều này cho thấy, các địa phương cần tiếp tục tích cực, nỗ lực nhiều hơn nữa trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Tính bao trùm ở cấp độ doanh nghiệp: Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số lượng doanh nghiệp và lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, trong khi khu vực nhà nước giảm rõ rệt. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có khả năng đạt được cam kết phát thải bằng 0 nhanh hơn khối các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh do hạn chế về có kinh nghiệm, vốn, và công nghệ. Do vậy, còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa “bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.
Tính bao trùm ở cấp độ người dân: Tỷ lệ lao động đang làm việc hàng năm trên tổng dân số của Việt Nam giảm từ 57,3% năm 2011 xuống còn 49,82% năm 2021. Tương ứng với đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng gia tăng, từ 2,22% năm 2011 lên 2,48% năm 2020 và đạt đỉnh 3,2% năm 2021. Bên cạnh đó, theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng khoảng 13 triệu người thuộc nhóm lao động yếu thế. Trong đó, 4,2 triệu lao động là người khuyết tật, 6,5 triệu lao động nghèo, 1 triệu lao động di cư, 180.000 lao động nhiễm HIV, 190.000 lao động nghiện ma túy. Sau đại dịch COVID-19, số lao động yếu thế có xu hướng tăng với minh chứng là tỷ lệ lao động thất nghiệp có xu hướng tăng lên. Một số mất việc do doanh nghiệp, cơ sở kinh tế bị thu hẹp hoạt động; một số sức khỏe bị ảnh hưởng nên không thể tiếp tục công việc đã từng làm, giờ thất nghiệp hoặc phải làm việc trái tay; một số từng về quê tránh dịch nay phải đến nhiều khu vực khác nhau để tìm việc trong bối cảnh việc làm ngày càng khó tìm; một số lao động tự do phải nghỉ việc giờ muốn quay trở lại làm việc cũng đang gặp khó khăn.
Để đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững và bao trùm
Để đảm bảo tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững, theo các đối tác phát triển của Việt Nam, cần đầu tư vào nguồn vốn con người thông qua giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội là nhiệm vụ cơ bản và quyết định chính trị chiến lược.
Theo đó, cần tăng cường phân bổ ngân sách một cách bền vững cho nguồn vốn con người và lĩnh vực phát triển xã hội, đặc biệt là bằng cách chuyển chi bảo hiểm y tế sang chi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả chi phí hơn thông qua cải cách hệ thống cung cấp dịch vụ và thanh toán.
Phát triển các hệ thống bền vững, công bằng nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc lâu dài (chăm sóc tại gia đình, đưa vào viện dưỡng lão), và các thiết kế và quy trình dịch vụ thân thiện với lứa tuổi nên được coi là các lĩnh vực ưu tiên hành động.
Tiếp tục thực hiện cải cách pháp lý và thể chế nhằm tăng cường quản trị trong lĩnh vực y tế, từ đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế.
Cần xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế tại Việt Nam. Đồng thời, ra mắt cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh. Cần nhanh chóng triển khai đợt đầu tiên với các ưu đãi liên ngành, được phê duyệt ở cấp bộ và mở rộng quy mô với những đợt ưu đãi cụ thể theo ngành.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế ưu đãi dành riêng cho các dự án thí điểm xanh trong các lĩnh vực trọng tâm, tạo môi trường hấp dẫn cho doanh nghiệp kiểm thử, học hỏi và mở rộng quy mô đầu tư. Thúc đẩy tài chính xanh thông qua hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường carbon, tài chính hỗn hợp.
Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền và hợp tác giữa các cơ quan, triển khai truyền thông đa kênh với các chương trình toàn quốc và cấp tỉnh, thu hút sự tham gia của các bên liên quan ở cả khu vực công và tư nhân, trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo giáo dục hòa nhập có chất lượng và công bằng - bao gồm giáo dục giới tính toàn diện, đặc biệt là đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất và xây dựng môi trường học tập an toàn, không bạo lực, hòa nhập và hiệu quả cho tất cả mọi người.
Cùng với đó, cần đầu tư bền vững vào hệ thống bảo trợ xã hội, phúc lợi và tư pháp có khả năng giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và bị loại trừ, tăng cường lợi ích kinh tế và góp phần gắn kết xã hội. Theo đó, việc tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, mà còn giúp hệ thống dễ tiếp cận hơn với người dân./.
Bình luận