Giao dịch, kinh doanh với đối tác Trung Quốc doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Ngày 09/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại TP. Trùng Khánh, Trung Quốc tổ chức Hội thảo “Thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, hiện nay, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục, tập quán, cũng như vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc luôn là một thị trường lớn và đầy tiềm năng đối doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2015, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu 49,5 tỷ USD, tăng 13,3%; nhập siêu 32,4 tỷ USD, tăng 12,5%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, đó là: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại; rau quả; sắn và các sản phẩm từ sắn; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; sản phẩm gỗ; gạo; dầu thô; cao su; giầy, dép các loại...
|
Gạo là một trong 10 mặt hàng chính mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2015 |
Hết tháng 07/2016, Việt Nam đã vươn lên là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 52,26 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam 33,52 tỷ USD, giảm 7,9%; nhập khẩu 18,74 tỷ USD, tăng 13,1%; xuất siêu 14,78 tỷ USD.
Đáng chú ý, nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN đều giảm thì kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng ghi nhận.
Ông Đào Việt Anh đánh giá, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi trong giao thương, Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, như: nông, lâm sản: gạo, sắn, cao su, rau quả, chè…; hàng thủy sản như: tôm, cá da trơn… Tuy nhiên, hàng Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do các vấn đề thuế quan, kiểm nghiệm kiểm dịch, thiếu thông tin thị trường, kết nối giao dịch…
Lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch, kinh doanh tại Trung Quốc, ông Đào Việt Anh cho rằng, các doanh nghiệp cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc; xác minh thực lực và uy tín các doanh nghiệp Trung Quốc, thực hiện các giao dịch bằng hợp đồng, thông lệ quốc tế để có tính ràng buộc.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên tìm hiểu sâu về các quy định nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc với các sản phẩm hợp tác, cập nhật thông tin thị trường, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu người tiêu dùng tại các địa phương Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức và hiệp hội tổ chức…
Một số địa chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt cũng được ông Việt Anh nêu ra, như: Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, các chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Côn Minh, Quảng Châu, Nam Ninh và Phòng Trung Quốc - Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương…
Cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm của hàng hóa xuất khẩu cần phải được các doanh nghiệp Việt Nam cực kỳ quan tâm. Bởi, hiện nay, Trung Quốc mới ban hành Luật An toàn thực phẩm mới và theo đó là các quy định ngặt nghèo về vấn đề này. Do đó, ông Hòa cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến cả nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến và sản phẩm đầu ra.
Ngoài ra, ông Hòa cũng lưu ý đối với các doanh nghiệp, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc xuất khẩu này lại thường không có tính ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ và gặp rất nhiều rủi ro nếu đối tác Trung Quốc “bùng hợp đồng”. Do đó, ông Hòa rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững và phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý, thì nên xuất khẩu hàng hóa theo chính ngạch./.
Bình luận