Luật Đầu tư công dự kiến sẽ được trình Quốc hội Khóa XIII tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2014. Đây là bộ Luật cực kỳ quan trọng trong bối cảnh đầu tư công đang bộc lộ quá nhiều hạn chế. Tuy nhiên, quá trình đi được tới bàn họp nghị trường của dự thảo Luật này lại không hề đơn giản. Qua bài viết “Để Luật Đầu tư công có thể là “đê” chắn lãng phí”, tác giả Nguyễn Quốc Bình sẽ cho thấy những vướng mắc xung quanh việc xây dựng và những điểm đột phá của bản dự thảo Luật Đầu tư công.

Ngành công nghiệp Việt Nam chưa phát triển có nguyên nhân lớn bởi ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém. Nhận định này là có cơ sở, bởi thực tế, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm sản xuất, hay lắp ráp trong nước còn thấp. Nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp nào cần phải được thực hiện? bài viết “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Gỡ từ cơ chế, chính sách” của tác giả Vũ Nguyên Thức sẽ trả lời phần nào câu hỏi này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khôi phục nền kinh tế cần tăng cường quản lý tổng cầu cuối cùng (final demand), đặc biệt tăng cường đầu tư công, khuyến khích xuất khẩu. Điều này liệu có đúng? Nhóm tác giả Bùi Trinh, Lê Hoa và Nguyễn Việt Phong sẽ có câu trả lời qua bài “Đầu tư và nợ nần của nền kinh tế Việt Nam”.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ còn 3,79%. Đó là tỷ lệ thấp nhất trong hai năm qua. Qua bài viết “Bàn về xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại”, tác giả Đặng Thị Minh Nguyệt sẽ đi sâu phân tích nguyên nhân nợ xấu ở Việt Nam và đưa ra một số giải pháp xử lý vấn đề này.

Ngành phân phối, bán lẻ nước ta đang ở giai đoạn chuẩn bị “bùng nổ” và có bước chuyển mạnh về chất, quy mô cũng như trình độ kinh doanh trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua. Tuy nhiên, đứng trước sự đe dọa mất thị phần ngay trên sân nhà khi các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư vào lĩnh vực này với hình thức 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam, thì bài toán năng lực cạnh tranh lại không hề đơn giản với hầu hết doanh nghiệp nội địa. “Tăng cường năng lực cạnh tranh của các nhà phân phối nội địa” là bài viết của tác giả Phan Thu Giang và Nguyễn Thùy Dương, trong đó các tác giả đã đưa ra một số giải pháp cho các nhà phân phối nội địa ở Việt Nam trước áp lực lớn từ phía các nhà phân phối nước ngoài.

Với mong muốn có bước đột phá về phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thành phố Đà Nẵng đã quyết định chọn năm 2014 là “Năm Doanh nghiệp”. Hành động này thể hiện sự quyết tâm của Thành phố trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạp chí số này gồm nhiều bài viết phản ánh sự quyết tâm của chính quyền Đà Nẵng cho mục tiêu này và cũng đưa ra những ý kiến từ phía các doanh nghiệp Đà Nẵng.

Cùng với Đà Nẵng, Tạp chí số này còn nhiều bài viết phản ánh những mặt kinh tế - xã hội của các địa phương khác như: Sơn La, Bắc Cạn, Đắk Lắk, Nghệ An... Bên cạnh đó là các bài viết với nhiều nội dung hữu ích trong chuyên mục Phổ biến kiến thứcNhìn ra thế giới./.