Tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, chưa đạt yêu cầu

Hà Nội nỗ lực giải phóng nguồn lực đầu tư công
Dự án cầu hầm chui Lê Văn Lương đang được nhà thầu gấp rút thi công hoàn thiện. Ảnh: Ngọc Hải

Theo kế hoạch, vốn giao trong năm 2021 của Hà Nội là 51.241 tỷ đồng. Nếu tính cả số vốn năm trước kéo dài sang, tổng số kế hoạch vốn được giao là 54.272 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, tính đến ngày 10/8, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn TP. Hà Nội chỉ đạt 23,5% kế hoạch năm 2021. Trong đó, ngân sách cấp thành phố đạt 16,9%; ngân sách cấp huyện đạt 29,9%. Đây là mức giải ngân thấp, không đạt yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố.

Nguyên nhân khách quan là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhất là ở khu vực phía Nam, nên nhiều công trình, dự án phải cắt giảm nhân công, gặp khó khăn trong việc điều chuyển máy móc, vật tư, nguyên liệu phục vụ thi công công trình…

Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giai đoạn cuối năm, đối với nguồn ngân sách cấp thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, dự kiến khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2021 của từng dự án trên tinh thần nỗ lực triển khai dự án ở mức cao nhất.

UBND TP. Hà Nội cho biết, sẽ cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án để chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021 và tăng vốn với dự án giải ngân tốt.

Đối với các dự án có sử dụng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 cần khẩn trương, tích cực triển khai dự án đúng tiến độ, tránh tình trạng hủy dự toán vốn năm 2020 kéo dài.

Thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn Thành phố; ngoài ra, công bố công khai các quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các địa phương.

Trước đó, Thành phố đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được chỉ đạo tại 3 văn bản đã ban hành. Đó là, Công văn số 483/UBND-KHĐT ngày 18/2/2021 về khẩn trương thực hiện kế hoạch đầu tư ngay từ đầu năm; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 19/5/2021 về khắc phục tồn tại, hạn chế và thúc đẩy kế hoạch đầu tư phát triển năm 2021; Công văn số 2302/UBND-KH&ĐT ngày 20/7/2021 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài.

Cùng Hà Nội tháo gỡ khó, giải phóng nguồn lực

Tại Hội nghị trực tuyến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 1/9/2021, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư với địa phương, UBND TP. Hà Nội đã tổng hợp 25 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm dự án, gồm dự án đầu tư công; dự án đầu tư kinh doanh; và dự án đối tác công tư (PPP). Trong đó, có 12 vướng mắc liên quan tới dự án đầu tư công phân thành nhiều nhóm vướng mắc.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đưa ra nhóm vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư. Theo đó nêu rõ, hiện nay, theo Luật Đầu tư công 2019, Ban Quản lý dự án (Chủ đầu tư) không được giao lập chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND Thành phố, mà chỉ giao cho cơ quan chuyên môn, gây khó khăn cho Thành phố trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.

Bên cạnh đó là các vướng mắc về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công; vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp; vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án cầu qua sông có đê, trong trường hợp bãi sông rộng.

Hà Nội nỗ lực giải phóng nguồn lực đầu tư công
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đã tổ chức Hội nghị trao đổi về với Hà Nội về thực hiện dự án đầu tư công tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hà Nội nỗ lực giải phóng nguồn lực đầu tư công
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Đối với Hà Nội, chúng ta có thể triển khai theo Luật Xây dựng, tức là khi xây dựng công trình khẩn cấp, các trình tự, thủ tục tiếp theo sẽ thực hiện theo Luật Xây dựng.

Đối với các dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, phương án thiết kế, chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn chưa được pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể, vì vậy, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Cùng với đó, quy trình, bố trí vốn đầu tư công cho công tác quy hoạch cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

UBND TP. Hà Nội đề nghị, cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ban hành đồng bộ luật, nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn cùng thời điểm để giảm thời gian khi áp dụng thực tiễn, tránh việc khi luật mới ban hành phải chờ đợi nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn mới thực hiện được.

Về vướng mắc liên quan tới triển khai dự án, UBND TP. Hà Nội đưa ra các vướng mắc đối với quy định áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu xây lắp có quy mô nhỏ (giá trị dưới 20 tỷ đồng); về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; sự bất cập trong việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt là các vướng mắc khi chuyển tiếp áp dụng các quy định mới.

Đặc biệt UBND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, phải kéo dài thời gian dự án nhiều năm.

Cụ thể, đối với dự án vốn đầu tư công, vướng mắc chủ yếu liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, theo Luật Đầu tư công 2019, Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư) không được giao lập chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND Thành phố, mà chỉ giao cho cơ quan chuyên môn, gây khó khăn cho Thành phố trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.

Về các vướng mắc liên quan tới đầu tư công của TP. Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông - Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cho biết, Tổ công tác ghi nhận và báo cáo với các cấp có thẩm quyền các nội dung công tác báo cáo tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trong luật quy định cơ quan chuyên môn, hoặc UBND cấp huyện do đây là vấn đề này liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. Tổ công tác cũng ghi nhận những vướng mắc liên quan đến tăng thẩm quyền của thường trực HĐND và tăng thời gian họp của HĐND, chia sẻ với các địa phương,

Với vướng mắc liên quan đến dự án nhóm A, hiện nay thẩm quyền được giao xuống cho HĐND, quy định chưa rõ. “Đây là vướng mắc mà chúng tôi ghi nhận”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của chủ tịch UBND cấp tỉnh, đề xuất có thể phân cấp cho chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp phó hoặc cơ quan chuyên môn. Đây là đặc thù cho các thành phố lớn, không chỉ Hà Nội, mà còn TP. Hồ Chí Minh. Cấp huyện cũng có quy mô rất lớn. “Chúng tôi ghi nhận và sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền bổ sung về nội dung này”, Thứ trưởng phát biểu.

Một số nhóm vấn đề đã được Tổ công tác giải đáp ngay tại Hội nghị.

Đối với dự án đầu tư công khẩn cấp, chia thành 2 nội dung rất cụ thể: Luật Đầu tư công chỉ dừng ở mức chấp nhận chủ trương đầu tư, tức là dừng ở thẩm định nguồn vốn, còn tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án có cấu phần xây dựng, thì thực hiện theo Luật Xây dựng.

“Đối với Hà Nội, chúng ta có thể triển khai theo Luật Xây dựng, tức là khi xây dựng công trình khẩn cấp, các trình tự, thủ tục tiếp theo sẽ thực hiện theo Luật Xây dựng”, Thứ trưởng chốt vấn đề.

Liên quan đến thẩm quyền, đơn vị phê duyệt nhiệm vụ dự toán, thẩm định nhiệm vụ đầu tư hiện nay, Thứ trưởng khẳng định, nội dung này đang thực hiện theo khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 10 về chi phí quản lý đầu tư xây dựng, chiếu theo khoản 3, Điều 40 của Luật Đầu tư công.

Đối với các dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, Thứ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đôn đốc theo chức năng được giao ban hành chính sách cụ thể.

Đối với các vướng mắc liên quan đến bố trí vốn đầu tư công cho công tác quy hoạch, phân ra 2 nội dung: (i) đối với 5 nhóm quy hoạch nằm trong Luật Quy hoạch thì được bố trí vốn đầu tư công; (ii) Còn các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thì chưa được quy định rõ. Riêng đối với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành về xây dựng thì các quy định của Bộ Xây dựng nói rất rõ là sử dụng vốn sự nghiệp.

“Riêng đối với các quy hoạch chuyên ngành có tính chất chuyên ngành khác chưa có quy định, thì tại Hội nghị Thủ tướng với địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra kiến nghị sử dụng vốn sự nghiệp và Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất này. Hiện việc này đang giao Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục về lập kinh phí chi”, Thứ trưởng cung cấp thêm thông tin.

Liên quan đến dự toán các dự án ODA, Thứ trưởng gợi ý, có cuộc họp riêng xem xét về việc điều chỉnh, sửa đổi hợp đồng, liên quan đến vấn đề kỹ thuật, dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ghi nhận để sửa đổi. Vốn ODA không chuyển tiếp sang năm sau.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Thứ trưởng cho biết: “Chúng tôi thống nhất với việc Thủ tướng đã giao Tổ công tác nghiên cứu tách riêng dự án giải phóng mặt bằng ra. Hai là có quy định về phạm vi để di dân giải phóng mặt bằng trong phạm vi 500m từ vùng ảnh hưởng, hoặc bao nhiêu mét, Tổ công tác nghiên cứu, ghi nhận nội dung này”./.