Hoạt động không hiệu quả, DNNN sẽ không được cấp bảo lãnh chính phủ
Năm 2014: Chính phủ bảo lãnh cho DNNN vay nước ngoài 124.104 tỷ đồng
Trong giai đoạn thực hiện Luật Quản lý nợ công và Nghị định 15, từ năm 2011 đến 2014, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 30 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 12,35 tỷ USD; trong đó, 10,75 tỷ USD tổng số vốn được Chính phủ bảo lãnh chủ yếu là vay nước ngoài.
Số vốn này được tập trung chủ yếu cho 21 chương trình dự án điện, 2 chương trình cho thuê máy bay, 29 khoản vay, 2 dự án khai khoáng sản, còn lại là các dự án đầu tư đường cao tốc, tín dụng đầu tư phát triển của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Còn tính đến hết năm tài chính 2014, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty đã lên tới 1.567.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013.
Đặc biệt, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho DNNN là 124.104 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ so với năm 2013.
Các tập đoàn, tổng công ty còn có khoản nợ nước ngoài lên tới trên 381.000 tỷ đồng (năm 2013 là khoảng 325.000 tỷ đồng). Trong đó, công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam nợ 27.347 tỷ đồng, PVN 20.305 tỷ đồng, Tổng công ty Cảng hàng không Viryj Nam 12.138 tỷ đồng...
Theo TS. Vũ Đình Ánh, nợ do Chính phủ bảo lãnh được tính vào nợ công. Trong bối cảnh quy mô nợ công rất lớn, nên các khoản vay Chính phủ bảo lãnh cho DNNN nếu không siết lại sẽ gây rủi ro cho an ninh tài chính quốc gia. Đây lại là nợ nước ngoài nên có rủi ro về tỷ giá.
Thực tế đã chứng minh trong thời gian qua, khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá, các tập đoàn như điện, xăng dầu đều báo khó khăn, thậm chí lỗ.
Ngoài ra, ông Ánh cho rằng hiện nay chưa có báo cáo công khai nào về việc các DNNN sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh như thế nào. Họ có trả được lãi không?
Trường hợp doanh nghiệp vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh mà không trả được nợ, về nguyên tắc Chính phủ là người bảo lãnh sẽ phải chịu trách nhiệm nhận nghĩa vụ nợ này, gồm cả gốc và lãi.
Vì thế,các khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ.
“Siết” bảo lãnh chính phủ?
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất không cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các tập đoàn, tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với Quỹ Tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh của Bộ Tài chính.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, phải duy trì yêu cầu về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (3 lần) khi xem xét cấp bảo lãnh chính phủ; chủ yếu bảo lãnh các khoản vay trong nước cho các dự án cấp bách, đã vay một phần nước ngoài có bảo lãnh chính phủ; giảm dần việc cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án vay trong nước riêng lẻ.
Hạn chế áp dụng cơ chế đặc thù khi xem xét cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án, đặc biệt là việc chấp thuận tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với Quỹ Tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh, Thủ tướng Chính phủ đồng ý, sẽ không cấp bảo lãnh Chính phủ.
Không cấp bảo lãnh Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 cho một chủ đầu tư để thực hiện nhiều dự án trong một năm kế hoạch với trị giá cấp bảo lãnh vượt quá 500 triệu USD/dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi hoặc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP, ngày 16/02/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, ngày 05/01/2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bộ Tài chính hướng dẫn, tổng hợp các chương trình đầu tư trung hạn 3 năm và kế hoạch điều chỉnh từng năm theo đăng ký của các chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn được Chính phủ bảo lãnh để xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hạn mức bảo lãnh.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo và có chính sách ưu tiên, khuyến khích thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng nhất là trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, BOT để tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, giảm sức ép huy động vốn do Chính phủ bảo lãnh.
Đề cao trách nhiệm và sự chủ động trong phối hợp với các bộ chuyên ngành, nâng cao chất lượng thẩm định phương án đầu tư tổng thể (nhất là về công nghệ, năng lực tài chính, quản lý dự án của chủ đầu tư, cơ sở pháp lý trong việc huy động vốn đề nghị Chính phủ bảo lãnh) trước khi quyết định đầu tư./.
Bình luận