Học 4 môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông là không nhiều
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình các ý kiến của tổ chức, cá nhân về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông sau hai tháng xin đóng góp ý kiến.
Học sinh sẽ học tối thiểu 6 môn học
Trước ý kiến về hệ thống môn học trong Dự thảo còn nhiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp này, hệ thống môn học được thiết kế phù hợp với phương thức phân hóa sớm (ngay từ lớp 10), không quá sâu (có nội dung bắt buộc chung cho mọi học sinh) và phân hóa sâu dần dần (mức độ phân hóa tăng dần).
Theo cách tiếp cận này, học sinh chỉ học 4 môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập. So với một số nước trong khu vực và thế giới đang cho học sinh THPT học theo chương trình tú tài quốc tế IB (như Singapore, Mỹ, Thụy Điển...), học sinh phải bắt buộc chọn ít nhất 6 môn trong 5 hoặc 6 nhóm môn học được quy định trong chương trình. Chương trình THPT Australia cũng yêu cầu học sinh bắt buộc chọn 5-6 môn/khóa học.
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, hệ thống môn học được thiết kế theo hướng thực hiện lồng ghép nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, hệ thống môn học được thiết kế phù hợp với phương thức phân hóa sớm (ngay từ lớp 10), không quá sâu (có nội dung bắt buộc chung cho mọi học sinh) và phân hóa sâu dần (mức độ phân hóa tăng dần). Theo cách tiếp cận này, học sinh được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập. Nhìn chung, tổng số môn học bắt buộc và tự chọn mà học sinh phải học trong chương trình giáo dục phổ thông mới không nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, trước ý kiến về định hướng nghề nghiệp mà chỉ chia thành hai khối là Khoa học Xã hội và Khoa học tự nhiên là không đủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong Dự thảo chương trình THPT được xây dựng theo tinh thần bảo đảm phân hóa mạnh và sâu dần từ lớp 10 đến lớp 11, 12. Học sinh học một số môn bắt buộc đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có chuyên đề riêng về hướng nghiệp. Kết thúc giai đoạn này, học sinh có kiến thức, kỹ năng phổ thông cơ bản để chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Bộ sẽ tiếp thu góp ý để hài hòa giữa học phân hóa định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, tạo cơ hội cho học sinh có thể chuyển định hướng (nếu có nguyện vọng và sự cố gắng thêm trong học tập) trong cấp học, chương trình tổng thể sẽ có những quy định rõ ràng hơn. Theo đó, học sinh trung học phổ thông học tối thiểu 7 môn hoặc 6 môn và các chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Bộ sẽ tiếp thu góp ý để hài hòa giữa học phân hóa định hướng nghề nghiệp với học toàn diện
Hướng đến giải quyết những hạn chế của người Việt
Nhiều ý kiến cũng cho rằng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới cần đặt ra những mục tiêu khả thi, giải quyết những hạn chế của một bộ phận người Việt Nam, như: chưa am hiểu luật pháp quốc gia và quốc tế; sống và làm việc theo cảm tính, duy tình hơn duy lý, tính kỷ luật chưa cao; năng lực tự học, sáng tạo, làm việc công nghiệp và năng lực ngoại ngữ còn hạn chế.
Về vần đề này, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc khắc phục những hạn chế của người Việt Nam hiện nay đã được thể hiện trong hệ thống phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đặt ra trong chương trình tổng thể.
Chẳng hạn phẩm chất sống trách nhiệm có yêu cầu cần đạt về tự nguyện, chấp hành kỷ luật, tuân tủ pháp luật và bảo vệ nội quy, pháp luật. Điều này nhằm khắc phục nhược điểm thiếu am hiểu pháp luật của người Việt. Hạn chế và năng lực tự học, sáng tạo, tác phong công nghiệp sẽ được khắc phục thông qua việc hình thành và phát triển cho học sinh các năng lực tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, công nghệ thông tin và truyền thông. Để giải quyết hạn chế về ngoại ngữ, ở cuối mỗi cấp học, năng lực ngoại ngữ được tham chiếu với khung năng lực ngoại ngữ châu Âu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội hàm và biểu hiện của học sinh đối với từng phẩm chất; hoàn thiện mô tả biểu hiện các năng lực chung của học sinh đã nêu trong Dự thảo chương trình trung học phổ thông tổng thể./.
Bình luận