Khi đồng nội tệ tăng giá, TTCK sẽ tăng bằng lần
PHS muốn mang kinh nghiệm quốc tế đến nhà đầu tư Việt Nam
Từng hoạt động tại một số TTCK quốc tế và có hơn 9 năm làm việc tại Việt Nam, Chen Chia Ken chia sẻ, ông được chứng kiến mối tương quan giữa đồng nội tệ với xu hướng của giá cổ phiếu trong nhiều giai đoạn. Năm 1987, đồng nội tệ Đài Loan tăng giá, từ 40 đồng đổi 1 USD lên 25 đồng đổi 1 USD. Chỉ số chứng khoán Đài Loan sau đó tăng điểm mạnh mẽ, từ 1.000 điểm lên 15.000 điểm.
Tại Trung Quốc, năm 2006-2007, đồng nhân dân tệ cũng tăng giá từ 6,8 đồng đổi 1 USD sang 3,21 đồng đổi 1 USD. Tương quan với diễn biến này, chỉ số chứng khoán tại Thượng Hải tăng từ 1.000 điểm lên 6.100 điểm. “Sự thay đổi giá trị đồng nội tệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến TTCK. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi đồng nội tệ tăng giá, TTCK có thể tăng trưởng không chỉ vài chục phần trăm mà còn có thể hàng trăm phần trăm”, ông Chen Chia Ken nói.
Tại Việt Nam, tỷ giá VND/USD được Chính phủ giữ ở mức ổn định là một lợi thế. Theo Tổng giám đốc PHS, quý IV/2020, đồng Việt Nam có chuyển động tăng và xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ là một lợi thế cho TTCK, bên cạnh những nền tảng tích cực khác như kinh tế vĩ mô trên đà tăng trưởng mạnh, dòng tiền rẻ còn dồi dào, sức khỏe doanh nghiệp dần được cải thiện. Ông Chen cho rằng, khi một TTCK bùng nổ, thường có 2 ngành hưởng lợi lớn là ngân hàng và bất động sản. “Tại Việt Nam, đây sẽ là 2 ngành có triển vọng đầu tư năm 2021”, ông nói.
Năm 2020 đi qua với rất nhiều dấu mốc đáng nhớ. Quý I, nhà đầu tư chứng khoán bi quan, VN-Index rơi về điểm đáy 650 điểm nỗi lo về đại dịch bao trùm. Với việc Chính phủ nỗ lực kiểm soát sự lây lan của Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã đứng vững, GDP tăng trưởng 2,91%, giúp TTCK tăng gần 15% trong năm 2020. Là công ty chứng khoán có gốc là một trong những tập đoàn tài chính lớn tại Đài Loan, ông Chen khẳng định, Phú Hưng hiểu câu chuyện TTCK trải qua những thăng trầm như thế nào. “Vì vậy, cá nhân tôi và tập thể PHS mong muốn mang kinh nghiệm từ TTCK quốc tế đến với nhà đầu tư Việt Nam”, ông nói.
Đội ngũ phân tích PHS bao quát 90% các ngành trên TTCK Việt Nam
Trong 2 năm qua, ông Chen cho biết, PHS đầu tư rất nhiều vào nội lực. Hiện tại, đội ngũ phân tích PHS bao quát 90% các ngành trên TTCK Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng, tự mình đủ khả năng để đọc các báo cáo, hay nắm bắt và hiểu hết các thông tin… khi ra quyết định đầu tư. Theo ông Chen, cách này không sai, cũng giống như đại đa số nhà đầu tư đại chúng tại Đài Loan 20-30 năm trước. Tuy nhiên, điều cần tính đến là khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng, vốn ngoại vào nhiều và nhà đầu tư ngoại sẽ là người nắm cuộc chơi trên sàn, chứ không phải dòng vốn nội. Nhà đầu tư ngoại không “vào, ra” theo thông tin, mà theo nền tảng phân tích từ nền kinh tế, ngành đến sức khỏe của doanh nghiệp. Chứng khoán Phú Hưng nhìn trước xu hướng này, nên đầu tư xây dựng đội ngũ phân tích, ra các báo cáo để nhận định chuyện gì sắp xảy ra, với mong muốn giúp các nhà đầu tư hiểu được bối cảnh và chủ động tâm thế cho cuộc chơi mới. “Chúng tôi sẽ cố gắng chuyển tải hơi thở của thời đại, của dòng đầu tư tài chính thế giới đến nhà đầu tư Việt Nam, với mong muốn thành công sẽ tiếp tục đến với nhà đầu tư nội”, Tổng giám đốc PHS nói.
Tại hội thảo “Triển vọng đầu tư 2021” do PHS tổ chức, ông Lu Hui Hung, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Phú Hưng (PHFM) nhận định, trên nền tảng Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, động lực phục hồi cho TTCK sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021. Động lực này đến từ chính sách nới lỏng tiền tệ có thể sẽ được tiếp tục duy trì để giúp các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Định giá TTCK Việt Nam ở mức hấp dẫn so với nhiều TTCK quốc tế
Năm 2020 là năm chứng khiến dòng vốn rẻ chảy nhiều chưa từng thấy trong lịch sử chảy mạnh vào thị trường tài chính toàn cầu. Riêng tại TTCK Việt Nam, theo tính toán của PHFM, định giá cổ phiếu tính theo chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần ước tính (PE forward) cuối năm 2020 ở mức 13 lần, nhờ lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang trên đà phục hồi, trong đó nhóm ngành ngân hàng chi phối đến 45-50%. Định giá này thấp hơn nhiều TTCK quốc tế, nên ông Lu Hui Hung cho rằng, ngay cả khi dòng tiền “rẻ” đảo ngược, TTCK vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi sức hấp dẫn từ định giá còn thấp.
Ông Lu kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt đỉnh thời đại 1.200 điểm, thậm chí chỉ số có thể tăng nóng lên vùng 1.400 điểm (forward P/E 20 lần). Dòng vốn ngoại được dự báo sẽ quay trở lại mua ròng trong năm 2021 khi Việt Nam dự kiến sẽ nắm giữ tỷ trọng lớn nhất (28,76%) trong rổ MSCI Frontier Market 100-Index và cơ hội nâng hạng thị trường mới nổi đang đến gần.
Ngay cả khi dòng tiền “rẻ” đảo ngược, chuyên gia Phú Hưng vẫn cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn duy trì đà tăng
Ông Lu dự báo, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ không thắt chặt tín dụng trong giai đoạn nền kinh tế cần trợ lực để phục hồi. Theo đó, các nhà đầu tư nên giữ chặt chứng khoán của mình, đừng để bị lung lay và văng khỏi đà tăng của thị trường.
Hai ngành nhiều tiềm năng để nhà đầu tư lưu ý trong 2021 là ngành ngân hàng và bất động sản. Ngành ngân hàng có triển vọng tốt nhờ vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm có thể đạt từ 13% đến 14% và hệ số NIM có thể phục hồi dựa vào các khoản vay cá nhân khi nền kinh tế phục hồi. Bất động sản cũng trở nên hấp dẫn hơn khi gia tăng dân số dẫn đến tăng trưởng nhu cầu nhà ở và cơ sở hạ tầng phát triển sẽ là một bệ phóng tốt cho ngành./.
Bình luận