Khoảng 80% hợp tác xã hoạt động trung bình và yếu
Nhận định trên được ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã và triển khai nhiệm vụ kinh tế hợp tác năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức ngày 02/03 tại Hà Nội.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2015 trong lĩnh vực nông nghiệp có 19 liên hiệp HTX nông nghiệp. Đồng thời có 10.902 HTX nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Đa số các HTX nông nghiệp là HTX kinh doanh tổng hợp (khoảng 8.096 hợp tác xã, chiếm 74,26%); số lượng các HTX chuyên ngành không nhiều, khoảng 2.806 HTX, chiếm 25,74%.
Nhìn nhận lại 03 năm thực hiện theo Luật HTX 2012 (01/07/2013), hoạt động của các HTX vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và chưa hiệu quả. Đến hết năm 2015 mới có khoảng 29,38% HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX (trong đó HTX cũ đã đăng ký lại hoạt động theo Luật chiếm 18,87%). 480 HTX hoạt động không hiệu quả phải giải thể, sáp nhập. Phần lớn các HTX nông nghiệp hiện nay về phương thức hoạt động vẫn chưa có sự thay đổi, tư duy hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức HTX kiểu cũ. Lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động ước đạt trên dưới 1,0 triệu đồng/người/tháng. Nếu xem xét trên góc độ mở rộng các dịch vụ sản xuất và lợi ích mà hợp tác xã mang lại cho thành viên thì hiện mới chỉ có khoảng trên 10% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đạt hiệu quả cao, khoảng 80% hoạt động trung bình và yếu.
Thêm vào đó, đa số các HTX nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như: Cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng…; còn các dịch vụ rất quan trọng, như: bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm, nên số HTX thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân ít. Hiện mới chỉ có khoảng 10% số HTX thực hiện việc bao tiêu một phần nông sản cho nông dân. Từ đó chưa hỗ trợ cho việc gia tăng sản lượng và giá trị của sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, có một số HTX được hình thành không đúng bản chất của HTX theo Luật quy định, chủ yếu là để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Đánh giá về lợi ích của HTX đem lại cho thành viên chưa cao, ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, nhiều HTX nông nghiệp còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên. Cũng chính vì vậy, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao nên người nông dân chưa hăng hái tham gia, gắn bó, chưa coi HTX là “nhà của mình”.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, khó khăn lớn nhất trong thực hiện triển khai Luật HTX 2012 là chuyển đổi HTX. Đã gần 2 năm trôi qua, nhưng theo đánh giá việc chuyển đổi mô hình các HTX trên địa bàn tỉnh theo Luật HTX năm 2012 đang diễn ra khá chậm. Một trong những nguyên nhân chính là do các văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành.
Cụ thể, kể từ khi luật sửa đổi chính thức được thực thi, cuối năm 2013 mới có Nghị định 193 hướng dẫn quy định chi tiết một số điều thi hành Luật HTX. Tới cuối tháng 5.2014, Thông tư số 03 của Bộ KHĐT về hướng dẫn việc đăng ký HTX mới được ban hành. Quảng Ninh cũng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc chuyển đổi các mô hình HTX theo luật mới.
Từ những khó khăn, hạn chế trên, tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu, phấn đấu cơ bản tiến hành xong việc đăng ký lại hoạt động của HTX nông nghiệp theo Luật HTX mới, trong đó trên 50% các HTX nông nghiệp được tổ chức hoạt động hiệu quả, hạn chế tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Từng bước thực hiện việc giải thể những HTX hoạt động yếu kém hoặc ngừng hoạt động để làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động của các HTX nông nghiệp.
Theo ông Lê Đức Thịnh, một nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, đó là cần phát hiện những HTX điển hình theo từng lĩnh vực chuyên ngành làm mô hình điểm để xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, xây dựng những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong các ngành hàng nông sản chủ lực có thương hiệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế như: Lúa gạo, chè, cà phê, điều, hồ tiêu, sữa, thủy sản… từ đó mới nâng cao được vị thế của HTX nông nghiệp hiện nay
Đứng ở góc độ địa phương, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục chỉ đạo củng cố bộ máy và năng lực cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận chuyên trách về kinh tế hợp tác theo những lĩnh vực chuyên ngành của các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ. Tập trung chỉ đạo mỗi tỉnh, thành phố xây dựng 3-5 mô hình HTX nông nghiệp điểm ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với đặc điểm, nhu cầu ở địa phương và tổng kết, đánh giá, nhân rộng phát triển ở các HTX khác./.
Bình luận