Không chỉ tốc độ, quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng
Tốc độ tăng trưởng khá
Có thể tự hào về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam bởi có nhiều sự vượt trội dưới các góc độ khác nhau.
Ở góc độ thứ nhất, thời gian mà Việt Nam tăng trưởng liên tục, tính từ năm 1981 đến nay đã đạt 42 năm, dài đứng hàng đầu thế giới. Có chăng chỉ thấp thua kỷ lục thế giới 45 năm mà Trung Quốc đang nắm giữ - một kỷ lục dài, lại có tốc độ cao, đã đưa Trung Quốc thành cường quốc có quy mô lớn thứ hai thế giới.
Ở góc độ thứ hai, tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Năm 2022 cao gấp gần 12,8 lần năm 1981, bình quân 1 năm tăng 6,25%. Trong đó, có những thời kỳ tăng cao hơn tốc độ chung trên (như 1991-1995, 1996-2000, 2001-2005, 2006-2010). Năm 2020 và 2021, mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng thấp chỉ bằng trên dưới một nửa tốc độ tăng của 2 năm trước đại dịch, nhưng đã nằm trong số ít nước và vùng lãnh thổ có tốc độ tăng trưởng dương. Đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt nhiều kết quả tích cực với tốc độ tăng rất cao (8,02%), cao nhất tính từ năm 1998, gấp gần 2,8 lần tốc độ tăng của năm 2020, gấp trên 3,1 lần của năm 2021, thể hiện sự phục hồi tăng trưởng sau đại dịch. Kết quả này cũng vượt xa so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6-6,5%), đồng thời, cao hàng đầu so với tốc độ tăng của nhiều nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, ở châu Á và trên thế giới.
Tăng trưởng cao hơn đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ”, với tốc độ tăng cao hơn tốc độ bình quân thời kỳ 2016-2021 (3,36% so với 2,98%). Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng cao hơn tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2016-2021 (7,78% so với 6,86%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1% - cao nhất của toàn ngành và của toàn bộ nền kinh tế. Nhóm ngành dịch vụ tăng rất cao (9,99%) - cao nhất từ trước đến nay, cao hơn nhiều tốc độ tăng bình quân năm trước đại dịch 2016-2019 (7,53%).
Có thể tự hào về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam |
Ở góc độ thứ ba, quy mô GDP tuyệt đối năm 2022 tính bằng USD theo tỷ giá trung tâm đạt khoảng 408,8 tỷ USD - tăng 70,7% so với năm 2015, tăng trên 17,9% so với năm 2020. Theo đó, thứ bậc về quy mô GDP tuyệt đối tính bằng USD của Việt Nam tăng (trong khu vực Đông Nam Á tăng từ thứ 6 năm 2015 lên thứ 4 năm 2020, ở châu Á tăng tương ứng từ thứ 18 lên thứ 13, trên thế giới tăng từ 45 lên 36 trong tổng số nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh). Khả năng năm 2022, thứ bậc của Việt Nam còn cao hơn (ước thứ 3 khu vực, thứ 11 châu Á, thứ 33 thế giới).
Ở góc độ thứ tư, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2022 ước đạt 4.110 USD. Năm 2022 so với năm 2010 cao gấp trên 2,5 lần, tăng 60,6% so với năm 2015, tăng 15,7% so với năm 2020. Theo đó, thứ bậc về GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng (trong khu vực tăng từ thứ 7 năm 2015 lên thứ 6 năm 2020; tương tự ở châu Á tăng từ thứ 30 lên thứ 26; trên thế giới tăng từ thứ 95 lên 81). Khả năng năm 2022 sẽ tăng lên thứ 5 trong khu vực, lên thứ 23 ở châu Á và lên thứ 77 trên giới. Sự tăng lên của GDP bình quân đầu người tính bằng USD do 3 yếu tố: tổng GDP tăng khá; dân số trung bình tăng chậm lại (từ trên 1,1% từ năm 2020 trở về trước xuống 0,95% năm 2021 và 0,97% năm 2022); tỷ giá VND tăng thấp hoặc giảm (2019 tăng 0,99%, 2020 giảm 0,02%, 2021 giảm 0,97%, 2022 tăng 2,09%).
GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua đương đương năm 2022 ước đạt 10.000 USD, tăng 63,9% so với 2015, tăng 15,6% so với 2019, tăng 10,3% so với năm 2020. Thứ bậc đã tăng (trong khu vực tăng từ thứ 8 năm 2015 lên thứ 6 năm 2020, tương ứng ở châu Á tăng từ thứ 30 lên thứ 28, trên thế giới tăng từ thứ 88 lên 83).
Quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng
Như trên đã đề cập, tốc độ tăng trưởng GDP là rất quan trọng, nhưng có hạn chế là dựa vào lượng vốn đầu tư và số lượng lao động tăng - là những yếu tố bị hạn chế về nguồn và nếu những yếu tố này là chủ yếu, thì còn gây bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Lượng vốn đầu tư có hạn chế lớn về nguồn. Vốn đầu tư trong nước có nguồn từ tích lũy tài sản. Nguồn tích lũy tài sản dựa chủ yếu từ tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp, bội thu/bội chi ngân sách, chênh lệch thu/chi đời sống.
Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp rất thấp, năm 2020 chỉ đạt 3,48%, thấp xa so với lãi suất vay ngân hàng. Tỷ trọng vay ngân hàng khoảng 70%; số còn lại chỉ chiếm 30% - có nghĩa là nhiều doanh nghiệp phải “ăn vào vốn”. Tỷ suất lợi nhuận thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng và đây là một trong những nguyên nhân một số doanh nghiệp trong thời gian qua đã dùng vốn tự có để gửi tiết kiệm, thậm chí còn vay ưu đãi ngân hàng này để gửi ngân hàng khác. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp một số ngành còn mang dấu âm, như: khai thác quặng kim loại, lâm nghiệp, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác, vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc, nghiên cứu khoa học và phát triển, quảng cáo và nghiên cứu thị trường...
Nếu GDP là hiệu quả tổng hợp, thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả, nhưng ngân sách gần như liên tục bội chi trong nhiều năm. Đầu tư công từ nguồn vốn vay phải trả lãi ngay từ ngày vay, nhưng việc thực hiện thường chậm, làm cho tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài ở mức cao; số tiền trả nợ vay cả vốn và lãi chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách...
Đối với người dân, chênh lệch giữa tổng thu nhập và tổng chi tiêu còn nhỏ, phần để đầu tư, để dành còn thấp… Đối với hộ một số vùng thu còn không đủ chi. Trong khi đó, tình trạng “ăn chơi sớm” không chỉ đối với người giàu (trong đó có số giàu xổi, giàu không do thực tài…); mà cả đối với người còn nghèo… cũng cần được cảnh báo.
Không những bị hạn chế về nguồn, nếu quá dựa vào sự tăng vốn đầu tư còn gây ra bất ổn về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, gây ra lạm phát cao…
Do vậy, quan trọng hơn là hiệu quả đầu tư. Hiệu quả đầu tư được đo bằng hệ số ICOR - thể hiện để tạo ra một đồng GDP (giá so sánh) tăng thêm, phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư. Trong những năm trước đại dịch Covid-19, ICOR đã giảm dần từ mức 6,92 lần xuống còn dưới 6 lần (còn là mức cao) nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, năm 2020 đã tăng lên 14,27 lần, năm 2021 lên 15,54 lần (tức là để tăng 1 đồng GDP, phải đầu tư tới 14,27-15,54 đồng). Năm 2022, nhờ chuyển đổi chiến lược phòng chống đại dịch đã được kiểm soát, kinh tế - xã hội đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, nên hiệu quả đầu tư đã tăng, ICOR đã giảm xuống còn ở mức ước trên dưới 6 lần, tuy vẫn còn cao, nhưng đó là tín hiệu tích cực. Nhờ vậy, mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư/GDP ở mức 33,8% - thấp hơn tỷ lệ trên 34% trong nhiều năm trước - nhưng tăng trưởng GDP đã đạt 8,2%. Đây không phải là tăng trưởng nóng, bởi lạm phát vẫn được kiểm soát theo mục tiêu, thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng GDP, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định…
Để nâng cao hiệu quả đầu tư phải cải thiện hơn nữa các khâu đầu tư từ quy hoạch, kế hoạch, đưa vốn vào các ngành, vùng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm thiểu thất thoát, lãng phí…
Lao động của Việt Nam có nhiều ưu thế, trong đó có 2 ưu thế đáng quan tâm: số lượng lao động đông đảo, do dân số đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”; giá nhân công rẻ, do chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương và tỷ giá hối đoái đã giảm từ trên 5 lần cách đây vài thập kỷ xuống còn 2,44 lần từ năm 2020 - tức là sức mua 1 USD ở Việt Nam cao gấp 2,44 lần ở Mỹ. Nhưng càng mở cửa hội nhập thì hệ số này sẽ giảm, giá nhân công sẽ không còn rẻ nữa.
Tuy nhiên, tốc độ tăng số lượng lao động đang làm việc đã chậm lại, từ 2-3% cách đây một vài chục năm xuống còn trên dưới 1%, thậm chí năm 2020 giảm 1,7%, năm 2021 giảm sâu tới 8,5%. Nguyên nhân chủ yếu do đại dịch, ngoài ra còn do cơ cấu dân số già đang đến nhanh, tỷ lệ sinh, tỷ lệ tăng tự nhiên cũng giảm nhanh. Năm 2022, tuy có tăng khá, chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu ngành lao động, có một phần do tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng: năm 2022 đạt 4,6%, kế hoạch năm 2023 tăng 5-6%. Mức năng suất lao động tính bằng USD đã tăng khá (đạt 1.354 USD năm 2005, tăng lên 2.256 USD năm 2010, 4.506 USD năm 2015, 6.470 USD năm 2020 và 8.083 USD năm 2022). Tuy tăng lên như vậy, nhưng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp xa so với nhiều nước, và đây là yếu tố quan trọng làm cho hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam còn thấp, tác động lớn đến nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “chưa giàu đã già”…
Do vậy, tăng năng suất lao động, đưa mức năng suất lao động của Việt Nam lên cao, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu. Để thực hiện được điều đó, ngoài việc chuyển dịch cơ cấu theo xu hướng chuyển dịch lao động từ ngành có năng suất lao động thấp (nông nghiệp) sang ngành có năng suất lao động cao (công nghiệp - xây dựng, dịch vụ), còn có nhiều giải pháp.
Một giải pháp quan trọng là tăng nhanh tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo hiện nay (trên 26%) lên cao hơn nữa - mỗi năm tăng tỷ lệ này thêm 2 điểm phần trăm để cán mốc 35% vào năm 2025…
Bên cạnh đó, nâng cao tỷ trọng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang còn thấp hiện nay (chiếm 12,9% số doanh nghiệp; 21,18% số lao động; 34,23% số vốn hoạt đọng; 28,59% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn…).
Ngoài ra, phát triển khoa học - công nghệ để tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP lớn hơn tổng của 2 yếu tố đóng góp của tăng vốn đầu tư và đóng góp của tăng số lao động đang làm việc./.
Bình luận