Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm hơn cho công tác xây dựng thể chế

“Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả như: linh hoạt tổ chức các kỳ họp theo hình thức trực tuyến và kết hợp trực tuyến với trực tiếp; tổ chức kỳ họp bất thường đầu tiên để kịp thời xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách do thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển đặt ra...”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo Văn phòng Quốc hội.

Không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách
Các thành viên Chính phủ tham dự hội nghị (ảnh: QH)

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian và sự quan tâm hơn cho công tác xây dựng thể chế và pháp luật. Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức các phiên họp chuyên đề về pháp luật.

“Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh; chỉ đạo rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn. Qua đó, tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

5 nhóm giải pháp trọng tâm

Liên quan đến giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với 69 nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch, các cơ quan, tổ chức nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng, không có chuyện lùi thời hạn so với Kế hoạch (ảnh: QH)

Thứ nhất, cần tiếp tục thống nhất nhận thức và triển khai nghiêm túc 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; khẩn trương chuẩn bị các đề nghị xây dựng luật đối với 32 nhiệm vụ đã hoàn thành việc nghiên cứu rà soát để bảo đảm chất lượng và tiến độ, tránh tình trạng trình ra UBTVQH nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nội hàm, phạm vi điều chỉnh chưa thật rõ nên chưa đưa vào chương trình được. Với 69 nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch, các cơ quan, tổ chức nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng, không có chuyện lùi thời hạn so với Kế hoạch.

“Nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV không chỉ ‘đóng khung’ trong 137 nhiệm vụ tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, mà các cơ quan cần chủ động đề xuất thêm các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống…”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật. UBTVQH và Chính phủ tiếp tục tăng cường bố trí các phiên họp chuyên đề pháp luật, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách với thời gian thảo luận phù hợp, bảo đảm kỹ lưỡng hơn; tiếp tục đổi mới cách thức lấy ý kiến góp ý để người dân và doanh nghiệp góp ý một cách rộng rãi, đa chiều những vấn đề thực sự quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách; lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên tạo về thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân và doanh nghiệp…

Thứ ba, tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và lắng nghe lẫn nhau, cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Với cách làm này thì các dự án luật dù khó mấy cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao.

Thứ tư, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, để xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm phòng chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Thứ năm, tiếp tục đề cao trách nhiệm của cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật nói chung, cũng như trong triển khai Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15. Các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục phát huy kết quả đã thực hiện, làm tốt nhiệm vụ đã được phân công. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa chất lượng phản biện xã hội, phát huy vai trò tích cực trong tham gia ý kiến đối với các khâu của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát công tác thi hành./.