Từ khóa: Châu Âu, khủng hoảng di cư, xung đột Nga – Ukraine, tôn giáo, sắc tộc, toàn cầu, Việt Nam

Summary

Migration is a natural and inevitable phenomenon when environmental systems and structures change. Along with its development compared to other countries and territories in the world, Europe has become a destination for many flows of migrants, causing this region to face many difficulties and challenges and set requirements to be managed. The article analyzes Europe's migration crises, the current migration situation in Vietnam and some policy implications to help Vietnam proactively respond, in the context of an increasing immigration flow.

Keywords: Europe, migration crisis, Russia-Ukraine conflict, religion, ethnicity, global, Vietnam.

Keywords: Europe; migration crisis; the Russia-Ukraine conflict; Vietnam.

GIỚI THIỆU

Di cư (migration) là sự di chuyển dân số, bao gồm bất kể loại di chuyển nào của con người, không phụ thuộc độ dài, thành phần hay nguyên nhân; nó cũng bao gồm cả di cư của người tỵ nạn, di cư của người lánh nạn, di cư kinh tế và những người di chuyển vì mục đích khác, trong đó có cả di cư đoàn tụ gia đình... Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) còn nêu rõ, di cư quốc tế (international migration) là hình thức di chuyển qua biên giới của một hoặc một vài quốc gia, dẫn tới sự thay đổi tình trạng pháp lý của một cá nhân. Di cư quốc tế cũng bao gồm sự di chuyển của những người tỵ nạn, người lánh nạn và những cá nhân bị buộc phải rời bỏ nơi sinh sống[1]. Nếu di cư là hiện tượng xã hội phổ biến, thì khủng hoảng di cư (migration crisis) là khái niệm phản ánh sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người di cư trái phép (irregular migration) (Đậu Tuấn Nam, 2017). Khủng hoảng di cư năm 2015 và những năm gần đây (2021-2023) ở châu Âu đặc biệt trầm trọng, gây nhiều hệ lụy và chưa có cách giải quyết triệt để.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề quản lý, kiểm soát di cư đòi hỏi các nước phải luôn chủ động ứng phó với khủng hoảng di cư. Khủng hoảng di cư mới ở châu Âu và cách ứng xử của các quốc gia cũng là một bài học tham khảo cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan vấn đề di cư và thiết lập sẵn kịch bản ứng phó trong tương lai.

DI CƯ VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ DI CƯ TẠI CHÂU ÂU

Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015

Theo Cao ủy Liên Hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính đến ngày 21/12/2015 có hơn 972 nghìn người đã phải trải qua hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu, trong khi 34 nghìn người khác lựa chọn đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgaria và Hy Lạp. Hy Lạp là một trong 6 quốc gia tiếp nhận số lượng người tỵ nạn lớn nhất với khoảng 821 nghìn người, chiếm 80%. Italy cũng là đích đến của 150 nghìn người di cư vượt biển. Còn Bulgaria tiếp nhận gần 30 nghìn người và Tây Ban Nha đón tiếp hơn 3.800 người. UNHCR cho biết, cuộc nội chiến tại Syria là nguyên nhân làm bùng phát cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu trầm trọng nhất kể từ những năm 90 thế kỷ XX khi hơn một nửa số người di cư và tỵ nạn đến từ Syria (Đậu Tuấn Nam, 2017).

Làn sóng di cư ồ ạt vào châu Âu đã tạo ra những bất ổn đáng kể trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội đối với châu Âu, thể hiện trên những nội dung sau:

Thứ nhất, đó là sự hỗn loạn về an ninh và trật tự xã hội của một số quốc gia, nhất là tại các khu vực cửa khẩu biên giới và hệ thống đầu mối giao thông.

Thứ hai, khủng hoảng di cư đã tạo ra gánh nặng kinh tế đối với hầu hết các quốc gia châu Âu, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cho đến nay chưa được hóa giải triệt để.

Thứ ba, áp lực từ làn sóng di cư đến châu Âu đã khiến cho những bất đồng chính trị trong nội bộ EU ngày càng sâu sắc hơn. Khi đối mặt với khủng hoảng di cư năm 2015, EU cho đến nay vẫn đang tranh cãi với một số quốc gia thành viên về hạn ngạch tiếp nhận nhóm người tị nạn này. Hạn ngạch người tị nạn của EU bị Nhóm Visegrad (liên minh 4 nước Trung Âu gồm: Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia) phản đối sau cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015. Trong làn sóng nhập cư đó, nhiều người tị nạn đã vào được Ba Lan, Latvia và Lithuania, nhưng các quốc gia này tuyên bố không sẵn sàng nguồn lực cho họ tị nạn vĩnh viễn.

Xung đột Nga – Ukraine và khủng hoảng di cư mới ở châu Âu

Những năm sau khủng hoảng di cư năm 2015, châu Âu vẫn tiếp tục đối mặt với bài toán di cư. Báo cáo của Liên hiệp quốc cho thấy, năm 2022 có gần 160.000 người vượt biên bằng đường biển vào EU. Theo báo cáo mới nhất, trong 4 tháng đầu năm 2023, số vụ bắt giữ người di cư dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải đã tăng 28% lên gần 42.200 vụ. Tính từ đầu năm nay, số người di cư qua Trung Địa Trung Hải chiếm hơn một nửa số lượt nhập cảnh bất hợp pháp vào EU. Ngoài ra, các vụ vượt biên trái phép qua Địa Trung Hải trong 4 tháng đầu năm đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2009 (Hạnh Chi, 2023).

Đặc biệt, khi xung đột ở Nga - Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, hàng triệu người đã trốn khỏi đất nước và đến tị nạn ở các nước láng giềng. Dựa trên dữ liệu từ các quốc gia, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), đến ngày 14/3/2023, ước tính có khoảng 8.113.170 người tị nạn Ukraine đã đi qua châu Âu và khoảng 4.901.577 đã đăng ký chương trình bảo vệ tạm thời hoặc các chương trình quốc gia tương tự ở tại châu Âu.

Như vậy, có thể thấy, vấn đề người di cư lại tiếp tục trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này tương đối khác so với cuộc khủng hoảng tị nạn giai đoạn 2015-2016. Khác biệt dễ thấy nahats về nguyên nhân. Năm 2015, làn sóng tị nạn đổ về châu Âu có một nguyên nhân lớn là từ cuộc chiến tại Syria khiến hàng triệu người dân nước này phải rời bỏ quê hương, cộng thêm đó là sự đổ vỡ của nhiều thiết chế nhà nước ở Trung Đông - Bắc Phi, như Lybia, khiến các khu vực láng giềng của châu Âu ở khu vực phía Nam và Địa Trung Hải gần như rơi vào tình trạng không kiểm soát, tạo cơ hội cho các nhóm buôn người ở châu Phi dồn người về đó để đưa sang châu Âu. Còn làn sóng di cư trong năm 2020-2023 không xuất phát từ một biến cố địa chính trị đặc biệt nào tại Trung Đông hay Bắc Phi. Nguyên nhân làn sóng di cư mới về châu Âu hiện nay chủ yếu do nhu cầu kinh tế cấp bách hơn sau đại dịch Covid-19 cũng như bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay trên thế giới, đồng thời được tiếp sức bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine. Khác với năm 2015-2016, khi nút thắt của làn sóng tị nạn đổ về châu Âu là ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong làn sóng di cư hiện nay, tâm điểm là một số nước láng giềng châu Âu ở khu vực Balkan, đặc biệt là Serbia.

Trước tình trạng khó khăn hiện nay, Uỷ ban châu đã đưa ra Kế hoạch hành động khẩn cấp bao gồm 20 biện pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường phối hợp với các nước, như: Tunisia, Lybia, Ai Cập để kiểm soát ngay từ đầu nguồn các dòng người di cư, ngăn chặn và triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép cũng như đẩy nhanh thủ tục trục xuất người di cư về lại nơi xuất phát. Một giải pháp tiếp theo mà các nước EU đưa ra là xây dựng cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp chặt hơn với các tổ chức phi chính phủ (NGO) thực hiện việc cứu nạn trên biển.

Trong tháng 6/2022, từ đề xuất của Pháp, các nước EU đã thống nhất được một cơ chế có tên gọi là “Cơ chế đoàn kết tự nguyện”, theo đó khoảng 10 nước châu Âu đã đồng ý tiếp nhận mỗi năm khoảng 10 ngàn người tị nạn từ các nước EU giáp Địa Trung Hải, như: Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha… nhằm giảm tải gánh nặng cho các quốc gia này. Tuy nhiên, cơ chế này rõ ràng không hiệu quả bởi chỉ là tự nguyện, không có tính ràng buộc nên một quốc gia đã đồng ý vẫn có thể rút lại cam kết, giống như việc Pháp quyết định tạm ngưng thực hiện cơ chế này sau khi xảy ra sự cố tàu “Ocean Viking” với Italy dù theo cam kết ban đầu mỗi năm Pháp sẽ nhận khoảng 3500 người tị nạn từ Italy hay Hy Lạp. Có thể nói, việc tìm ra giải pháp cho sự hợp tác trong quản trị khủng hoảng di cư ở châu Âu vẫn chưa có hồi kết.

THỰC TRẠNG DI CƯ CỦA VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH TỪ CUỘC KHỦNG HOẢNG DI CƯ CHÂU ÂU

Thực trạng di cư của Việt Nam

Quá trình toàn cầu hóa đã và đang tạo ra dòng dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam vừa là nơi cung cấp nguồn cung lao động di cư quốc tế vừa là điểm đến thu hút nhiều lao động từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép là chính sách nhất quán của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong chính sách, pháp luật của Nhà nước. Về nguyên tắc, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho di cư trong nước và di cư quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước có người Việt nhập cư. Các văn bản chính sách về di cư quốc tế của Việt Nam được soạn thảo trên cơ sở có tham khảo pháp luật quốc tế và các nước trong khu vực.

Song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, Việt Nam đặc biệt coi trọng việc hợp tác quốc tế trong cuộc đấu tranh chung chống di cư bất hợp pháp và là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn di cư khu vực và quốc tế. Sự tham gia tích cực và thực hiện các cam kết của Việt Nam trong chương trình hành động toàn diện nhằm ngăn chặn di cư bất hợp pháp được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cụ thể như: Diễn đàn Á – Âu (ASEM) về di cư, đây là diễn đàn thường niên cấp Cục trưởng phụ trách các vấn đề di cư của các nước Á – Âu; Tiến trình Tư vấn quốc gia nhằm quản lý di cư tốt hơn ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu (Berne Initiative); Hiệp định hợp tác và 63 đối tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, trong đó có hợp tác về di cư (Điều 19); Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển (GFMD); Tiến trình Ba-li về phòng chống buôn bán người và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan; Tiến trình Tư vấn liên Chính phủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương về người tị nạn, người lánh nạn, người di cư, (APC); Diễn đàn ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư; Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng tiểu vùng Sông Mê-kông mở rộng (COMMIT) về phòng chống buôn bán người. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Tổ chức lao động quốc tế/ Chương trình quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em (ILO/IPEC); Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); Cơ quan liên hợp quốc về phòng chống tội phạm và ma túy (UNODC); Dự án Liên minh các tổ chức Liên hợp quốc (UNIAP) về phòng chống buôn bán người… triển khai nhiều dự án về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ - trẻ em và hỗ trợ, tái hòa nhập nạn nhân bị buôn bán trở về. Đến nay, Việt Nam đã ký hiệp định, thỏa thuận song phương về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú với 16 nước. Các hiệp định, thỏa thuận này quy định quy trình thủ tục phối hợp xác minh, tiếp nhận và tái hòa nhập công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tiếp nhận di cư và bắt đầu đối mặt với nguy cơ nhập cư bất hợp pháp từ bên ngoài vào.

Giai đoạn 2005-2019 là giai đoạn mà Việt Nam tăng cường mở rộng kinh tế đối ngoại thông qua các hiệp ước thương mại với các tổ chức, quốc gia, cộng đồng, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, xu hướng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng ngày càng tăng lên.

Hình 1: Biến động di cư ròng của Việt Nam

Khủng hoảng di cư quốc tế - trường hợp điển hình ở châu Âu và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp từ số liệu của World Bank.

Hình 1 cho thấy, có sự biến động rõ rệt của dòng di cư ròng của Việt Nam. Nếu như trong suốt giai đoạn 2000-2008, số lượng xuất cư ròng luôn duy trì trên 100.000 người/năm, thì từ năm 2010 trở đi, số xuất cư ròng chỉ còn ở mức dưới 5.000 người/năm, thậm chí đến năm 2021 là còn dưới 1.000 người (992 người). Số liệu trên cũng rất phù hợp với tiến trình cải thiện các chỉ số về phát triển của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín. Trong nhiều năm, Việt Nam liên tiếp lọt top 20 quốc gia đáng sống trên thế giới. Thời điểm Việt Nam có sự biến chuyển đột ngột về số lượng di cư ròng trùng hợp với khủng hoảng tài chính toàn cầu (cuối năm 2008), Việt Nam cũng đồng thời được đánh giá cao do có Chính phủ năng động, có năng lực điều tiết các chính sách vĩ mô, giúp nền kinh tế duy trì được tăng trưởng, vượt qua được khủng hoảng.

Thống kê số liệu từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho thấy, số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có xu hướng tăng nhanh và vượt lên hơn nhiều so với số người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài (Hình 2).

Hình 2: Chênh lệch ròng giữa lượt người nước ngoài đến Việt Nam

và lượt người Việt Nam ra nước ngoài

Khủng hoảng di cư quốc tế - trường hợp điển hình ở châu Âu và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp từ dữ liệu tại Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Những hàm ý cho Việt Nam

Hiện nay, khủng hoảng di cư chưa được xác nhận xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến người nước ngoài đã xuất hiện ngày càng nhiều và cũng ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội trong nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề quản lý, kiểm soát di cư đòi hỏi các nước phải luôn chủ động ứng phó với khủng hoảng di cư. Bài học khủng hoảng di cư ở châu Âu cho thấy, vấn đề không chỉ nằm ở các quy định pháp luật, mà là năng lực quản trị chưa theo kịp xu thế. Và, tại Việt Nam, bài toán đặt ra là làm thế nào có thể quản lý số lượng ngày càng lớn người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư, lao động, để vừa phòng ngừa, hạn chế được các hoạt động trái với quy chuẩn của xã hội Việt Nam, lại không làm triệt tiêu không gian, động lực đóng góp của luồng nhập cư này trong giai đoạn tới.

Từ góc độ hợp tác quốc tế, để chủ động ứng phó với các cuộc khủng hoảng di cư, bên cạnh việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo, Việt Nam cần phải:

Một là, rà soát lại hệ thống các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến di cư nhằm sàng lọc, loại bỏ những quy định lỗi thời, chồng chéo, không phù hợp, bổ sung những quy định còn thiếu; cần sớm có kế hoạch, lộ trình xây dựng hệ thống chính sách pháp luật di cư đồng bộ, điều chỉnh toàn bộ các loại hình di cư và quá trình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài theo hướng toàn diện, nhất quán và minh bạch về di cư quốc tế; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý di cư quốc tế.

Tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận song phương về lao động, tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình; nghiên cứu, phê chuẩn và triển khai thực hiện các văn bản pháp lý quốc tế về di cư, đặc biệt về di cư lao động nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trong tất cả các giai đoạn của quá trình di cư và nhằm tạo khung pháp lý thúc đẩy việc hợp tác song phương, đa phương thực hiện các chuẩn mực quốc tế về di cư.

Ban hành và thực hiện các sáng kiến chính sách từ trong nước nhằm khuyến khích du học sinh quay trở về, trọng dụng và sử dụng hiệu quả tài năng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Hai là, có giải pháp, kịch bản sẵn sàng tạo mọi điều kiện phục vụ tích cực cho các diễn đàn, tổ chức quốc tế về lĩnh vực di cư quốc tế.

Ba là, tăng cường sự trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế hữu quan; thu hút sự tham gia của các tổ chức dân sự, các tổ chức của người di cư vào quá trình xây dựng, đối thoại, và giám sát thực thi chính sách, pháp luật và công ước quốc tế về di cư.

Tiếp tục hợp tác cùng các quốc gia, nhất là các nước láng giềng duy trì hòa bình, an ninh khu vực biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Tích cực hợp tác với các nước giải quyết vấn đề lao động cư trú trái phép theo các thỏa thuận song phương (mà Việt Nam đã ký với 17 nước về nhận trở lại công dân). Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi thông tin xuất - nhập cảnh với các nước nhằm hạn chế người di cư trái phép, buôn bán người thông qua trao đổi thông tin, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với hình thức và biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di cư cũng như sự đóng góp của người di cư đối với phát triển; về ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước nhập cư, khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc hòa nhập của người di cư; tăng cường trách nhiệm của Nhà nước và các chủ thể có liên quan đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Phát huy các mô hình đang được triển khai hiện nay, như mô hình tập huấn về các chủ đề: những vấn đề sức khỏe thường gặp của người lao động di cư khu vực phi chính thức, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn và tai nạn lao động đối với người lao động di cư khu vực phi chính thức…, cải thiện sinh kế cho lao động di cư./.

ThS. Phạm Thu Thủy

Công ty TNHH Xây dựng thương mại và PCCC Tuấn Ngọc

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 25, tháng 9 năm 2023)


Tài liệu tham khảo:

1. Đậu Tuấn Nam (2017), Quản trị khủng hoảng di cư nhìn từ góc độ hợp tác quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 9-2017.

2. Đỗ Quang Hưng (2022), Tôn giáo và Chính trị, Nxb Công an Nhân dân.

3. Hạnh Chi (2023), EU đạt “thành công lịch sử” về người di cư, truy cập từ https://www.sggp.org.vn/eu-dat-thanh-cong-lich-su-ve-nguoi-di-cu-post693110.html.

4. The Economist (2022), A new refugee crisis has come to Europe, retrieved from https://www.economist.com/europe/2022/03/05/a-new-refugee-crisis-has-come-to-europe.

5. Thùy Dương (2021), Nguyên nhân khiến khủng hoảng di cư trầm trọng ở biên giới Belarus-Ba Lan, truy cập từ https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguyen-nhan-khien-khung-hoang-di-cu-tram-trong-o-bien-gioi-belarusba-lan-20211112112957431.htm.

6. UNHC (2022), Refugees fleeing Ukraine (since 24 February 2022), retrieved from https://data2.unhcr.org/en/situations/ukraine.


[1] International Organnisation for Migration, “World Migration Report 2003: Managing Migration Challenges and Responses for People on the Move”, retrieved from https://publications.iom.int.