Kinh tế Nga năm 2022 đối mặt với rủi ro hệ thống
Xu hướng chính sách kinh tế của Nga năm 2022
TTXVN đưa tin, Trang mạng của Câu lạc bộ phân tích chính trị Valdai (Nga) mới đây có bài viết nhận định về triển vọng kinh tế Nga trong năm 2022. Theo đó, khó có khả năng chính sách kinh tế của nước này, vốn đang theo định hướng ưu tiên tích luỹ dự trữ và ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ có những thay đổi đáng kể. Điều này có nghĩa là Ngân hàng trung ương Nga sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào đầu năm tới và tiếp tục theo đuổi chính sách tài khoá thắt chặt. Giám đốc chương trình của Câu lạc bộ Valdai Yaroslav Lissovolik đã phân tích các xu hướng chính sách kinh tế của Nga.
Theo đó, bất chấp tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, năm 2021 vừa qua đáng lẽ đã là năm khá thành công nếu không có sự leo thang các rủi ro địa chính trị liên quan đến cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine.
Sự gia tăng bất ổn địa chính trị một cách nghiêm trọng đã phá hỏng phần lớn lợi nhuận trước đó có được trên thị trường chứng khoán Nga |
Sự gia tăng bất ổn địa chính trị một cách nghiêm trọng đã phá hỏng phần lớn lợi nhuận trước đó có được trên thị trường chứng khoán Nga và có nguy cơ vẫn còn tồn tại những lo ngại và tính dễ tổn thương trong suốt năm 2022.
Trên thực tế, nhiều rủi ro có thể xuất hiện trong năm 2022 liên quan đến những tiến trình đã diễn ra trong năm 2021, bao gồm cuộc khủng hoảng thiếu hụt năng lượng, làn sóng mới của đại dịch và sự thay đổi trong cơ chế thuế.
Tuy nhiên, có thể xuất hiện những động lực quan trọng đối với thị trường Nga trong năm 2022, bởi theo dự đoán, môi trường kinh tế vĩ mô nói chung sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng khá và lạm phát thấp hơn bắt đầu từ quý II.
Trong bối cảnh giảm áp lực lạm phát, Ngân hàng trung ương Nga có thể sẽ bắt đầu điều chỉnh lãi suất cơ bản vào nửa cuối năm tới, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản cho phép ngân sách được mở rộng một chút để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Nhìn chung, khó có khả năng chính sách kinh tế của Nga sẽ có thay đổi đáng kể và vẫn sẽ ưu tiên tích luỹ dự trữ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong nửa cuối năm 2021, Chính phủ Nga đã quyết định nâng ngưỡng Quỹ Tài sản Quốc gia từ 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 10% GDP, giúp tăng tích lũy dự trữ một cách hiệu quả so với mức chi tiêu của nhà nước.
Tuy nhiên, với giá dầu và khí đốt tương đối cao, ngưỡng 10% GDP có thể bị vượt qua vào năm 2023 để phù hợp với mặt bằng giá dầu hiện tại.
Trong trường hợp này, việc sử dụng nguồn thu vượt mức này để kích thích nền kinh tế có thể tạo thêm động lực tăng trưởng.
Mặc dù vậy, mô hình kinh tế này sẽ tiếp tục hỗ trợ sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này có thể có nghĩa là Ngân hàng trung ương Nga sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào đầu năm sau và tiếp tục theo đuổi chính sách tài khoá thắt chặt. Việc theo đuổi các chính sách hướng tới tăng trưởng sẽ được áp dụng nếu các rủi ro địa chính trị giảm leo thang đáng kể.
Thiếu lao động sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế
Nga bị thiếu hụt lao động do việc giảm dòng người di cư từ “các nước kề cận” đến Nga trong giai đoạn đại dịch |
Yếu tố đại dịch có thể một lần nữa bùng phát và dai dẳng hơn dự kiến, kích hoạt các biện pháp hỗ trợ cần thiết của chính phủ, như hiện tượng đã từng diễn ra với đại dịch COVID-19 vào năm 2021.
Với những sự kiện diễn ra vào cuối năm 2021, cán cân rủi ro và động lực kinh tế năm 2022 của Nga có thể nghiêng về phía cẩn trọng, việc giải quyết triệt để tình trạng bất ổn chính trị khó có thể đạt được trong tương lai gần.
Bên cạnh đó là những rủi ro chính trong năm 2022, bao gồm căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, khủng hoảng năng lượng và tình trạng thiếu nhiên liệu làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị, làn sóng đại dịch mới, khó khăn ở các nước đang phát triển trong bối cảnh gánh nợ ngày càng tăng, lạm phát cao liên tiếp và sự thắt chặt chính sách mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
“Thiên nga đen” năm 2022 có thể xuất hiện không chỉ trong lĩnh vực địa chính trị, mà còn trong bối cảnh các yếu tố dễ bị tổn thương mang tính hệ thống trong nền kinh tế toàn cầu như biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Một yếu tố có thể làm tăng rủi ro hệ thống đối với kinh tế Nga và thế giới là tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ thông tin và chăm sóc sức khoẻ.
Liên quan đến vấn đề này, một trong những xu hướng đã xuất hiện nổi bật trong năm 2021 và khó có thể biến mất ngay trong năm 2022 là tình trạng thiếu lao động trong một số lĩnh vực then chốt của kinh tế Nga, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin (IT).
Các ngành khác cũng trong tình trạng thiếu lao động trong năm 2021 bao gồm xây dựng, nông nghiệp, giao thông và nhiều ngành dịch vụ khác. Nguyên nhân của tình trạng này là việc giảm dòng người di cư từ “các nước kề cận” đến Nga trong giai đoạn đại dịch. Tình trạng thiếu hụt lao động, nếu vẫn tiếp diễn trong năm 2022, có khả năng bắt đầu tác động tiêu cực rõ ràng hơn đến quá trình lạm phát và phát triển kinh tế đất nước./.
Bình luận