Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (AIPA-42), theo Văn phòng Quốc hội, sáng nay (ngày 24 /8), Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự phiên họp của Ủy ban Chính trị.

Kinh tế số sẽ mở ra không gian mới cho ASEAN phát triển nhanh
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp của Ủy ban Chính trị sáng nay. Ảnh: Quốc hội

Tại phiên họp này, các đoàn nghị viện thành viên AIPA tiến hành thảo luận, thông qua 1 báo cáo, 4 dự thảo Nghị quyết lần lượt gồm: Báo cáo Hội nghị nhóm tư vấn AIPA lần thứ 12; Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN; Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN; Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN; Sự hỗ trợ của nghị viện về tình hình Myanmar.

Liên quan đến Nghị quyết về “Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN”, các đoàn nghị viện thống nhất cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra những thách thức mới về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng. An ninh mạng là động lực để các quốc gia tận dụng lợi ích của số hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ nền dân chủ và quyền con người. AIPA cần tái khẳng định cam kết của các nghị viện thành viên về hợp tác trong bảo đảm an ninh, an toàn mạng, bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, đồng thời bảo đảm các biện pháp quản lý không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân...

Các nghị viện thành viên AIPA cũng thống nhất cho rằng, để phát triển kinh tế số thì chính phủ các nước phải có các biện pháp để bảo vệ an ninh, an toàn trên không gian mạng; nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Cơ bản ủng hộ nội dung của dự thảo Nghị quyết, Đoàn Việt Nam đề xuất, cần tăng cường hợp tác qua kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai chính sách công nghệ và an toàn, an ninh mạng; thông tin về các mối đe dọa về an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch Covid - 19, xây dựng chương trình tuyên truyền chung trong ASEAN và AIPA để nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn an ninh mạng...

Tại phiên thảo luận, Đoàn Việt Nam cho biết, tăng cường an ninh mạng là một ưu tiên của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường năng lực, tham gia và thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Những năm vừa qua, Việt Nam luôn chủ động có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong ASEAN, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản... Việt Nam đã có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ...

Tại báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2020 do Tổ chức liên minh viễn thông thế giới công bố, Việt Nam xếp thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 25 bậc so với công bố năm 2019 và đứng thứ 4 trong ASEAN. Trong 5 trụ cột đánh giá, thì có 2 trụ cột được điểm tuyệt đối là pháp lý và hợp tác.../.