Tóm tắt

Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, một số chỉ tiêu định lượng của Kế hoạch cơ bản đạt được, đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở nhìn lại 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch, trong bối cảnh 2 năm cuối nhiều thách thức, bài viết đánh giá khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho đầu tư trong 2 năm còn lại và những thách thức đặt ra, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện thành công Kế hoạch.

Từ khóa: Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, kết quả, thách thức, khả năng cân đối vốn

Summary

After 3 years of implementing the Medium-term Public Investment Plan 2021-2025, a number of quantitative targets of the Basic Plan have been achieved, public investment has promoted its leading role, being a bait capital to attract investment from non-state economic sectors, creating a driving force for economic growth. On the basis of looking back at the 3 years of implementing the Plan, and in the landscape of remaining two challenging years ahead, the article evaluates the ability to balance state budget capital for investment in the remaining 2 years and the challenges posed, thereby proposing a number of solutions to successfully implement the Plan.

Keyword: Medium-term Public Investment Plan, results, challenges, ability to balance capital

GIỚI THIỆU

Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã trải qua hơn một nửa chặng đường và đạt được một số chỉ tiêu quan trọng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các năm có xu hướng tăng, đạt trên 90%. Thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi. Tuy nhiên, số vốn ngân sách trung ương phân bổ mới đạt 52,2% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo áp lực rất lớn trong cân đối ngân sách năm 2024, 2025; việc tổ chức thực hiện kế hoạch ở các cấp còn nhiều tồn tại, khó khăn. Mặc dù được xây dựng gắn với kế hoạch tài chính 5 năm, nhưng với thời gian 2 năm còn lại, khả năng đáp ứng nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ và hạn mức kế hoạch đầu tư công trung hạn là rất hạn chế. Nhằm tăng tốc, phần đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch 5 năm, các cấp, các ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm còn lại 2024-2025.

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ 3 NĂM THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, trên cơ sở tổng mức vốn 2,87 triệu tỷ đồng, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (2,72 triệu tỷ đồng). Tổng Kế hoạch đầu tư công hằng năm (từ năm 2021 đến năm 2023) được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, số vốn ngân sách trung ương phân bổ mới đạt 52,2% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo áp lực rất lớn trong cân đối ngân sách năm 2024, 2025.

Đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 2 năm 2021 và 2022 đạt 93,56% kế hoạch, dự kiến năm 2023 ước đạt 95%.

Thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới, Quốc hội đã ban hành Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 9 Luật; Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; 9 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 9 địa phương nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII “ưu tiên cho liên kết và phát triển vùng, ưu tiên tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm”.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn một số khó khăn, hạn chế, như: (i) Việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trong một số trường hợp còn chậm, gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện; (ii) Phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vẫn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn; (iii) Việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nơi còn chậm và thực hiện nhiều lần trong năm; có tình trạng không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định và không phân bổ hết kế hoạch được giao. Tình trạng đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch có xu hướng tăng so với năm 2020, 2021, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; (iv) Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai. Xuất hiện tình trạng một số địa phương e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn hạn chế; (v) Khó khăn trong giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết kịp thời, thủ tục đấu thầu kéo dài, giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng tăng, khan hiếm, thiếu nguyên vật liệu, đất đắp nền.

BỐI CẢNH 2 NĂM CÒN LẠI CỦA KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới có thể tiếp tục đối mặt với rủi ro phục hồi chậm, thậm chí kể cả suy giảm do nguy cơ các cuộc khủng hoảng[1] trong bối cảnh thắt chặt chính sách đồng bộ nhằm kiềm chế lạm phát cao, gián đoạn kéo dài do xung đột Nga – Ucraina, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn trong giai đoạn 2022-2030, tăng trưởng bình quân chỉ đạt 2,2%/năm[2]. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây đã cảnh báo gia tăng rủi ro ổn định tài chính, tiền tệ toàn cầu; thị trường bất động sản của một số quốc gia gặp nhiều khó khăn…

Tình hình kinh tế trong nước. Tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô được hỗ trợ tích cực khi những rủi ro, khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dần được giải quyết hiệu quả; tiêu dùng trong nước, du lịch phục hồi tích cực; vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh giải ngân. Tuy nhiên, diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư… của nước ta, tạo sức ép rất lớn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kế hoạch đầu tư công nói riêng trong các năm tiếp theo. Mặc dù có những cơ hội, thuận lợi; một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang được tập trung triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả bước đầu; các dự án nhất là dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang triển khai thi công, nhưng khó khăn, thách thức đối với hoạt động đầu tư công còn rất lớn.

KHẢ NĂNG CÂN ĐỐI VỐN NSNN CHO ĐẦU TƯ TRONG 2 NĂM CÒN LẠI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA

Khả năng cân đối vốn NSNN cho đầu tư trong 2 năm còn lại

Theo quy định tại Khoản 6 - Điều 41, Luật Ngân sách nhà nước, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm là một căn cứ để lập dự toán NSNN hằng năm, trong đó có dự toán chi đầu tư phát triển. Theo báo cáo của Bộ Tài chính về dự toán NSNN năm 2024, nguồn NSNN bố trí cho chi đầu tư công là 609,24 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 225 nghìn tỷ đồng. Với thực tế bố trí vốn NSTW hiện nay, lũy kế bố trí vốn NSTW 4 năm (2021-2024) là 930,9 nghìn tỷ đồng, đạt 68,9% tổng kế hoạch được phép phân bổ; trong đó, vốn nước ngoài nguồn NSTW đạt 166,742 nghìn tỷ đồng, đạt 61,7% kế hoạch. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài chậm[3], số hủy dự toán lớn làm tăng áp lực bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn nước ngoài năm 2025 và giai đoạn sau.

Đối với vốn ngân sách địa phương (NSĐP), thực tế trong những năm qua, nhiều địa phương có số thu ngân sách khá tốt, dẫn tới giao dự toán chi đầu tư hằng năm nguồn NSĐP đạt cao, có 7 địa phương lũy kế bố trí 2021-2023 vượt so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025[4]; 18 địa phương lũy kế bố trí 2021-2023 đạt 70-90% so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025[5]. Như vậy, vốn NSĐP bố trí hằng năm khả năng vượt lớn so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSĐP giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định (1.370 nghìn tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa phân bổ là 137 nghìn tỷ đồng cũng không thể đáp ứng nhu cầu vốn tăng thêm của các địa phương. Theo quy định tại Khoản 6, Điều 7- Nghị quyết số 29/2021/QH15[6], nguồn vốn trong cân đối NSĐP được tính trên khả năng thu của NSĐP, nên việc phân bổ thêm cho các địa phương tại thời điểm này là không cần thiết và sẽ tổng kết vào cuối Kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thách thức trong việc triển khai 2 năm 2024-2025

Với khả năng cân đối vốn NSTW năm 2024 và dự kiến năm 2025 nêu trên, sẽ có một bộ phận hạn mức vốn thuộc Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 sẽ được chuyển sang giai đoạn 2026-2030 để tiếp tục bố trí kế hoạch hằng năm và thực hiện (dự kiến có khoảng 376 dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn hằng năm sẽ chuyển tiếp thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030).

Đồng thời, năm 2023 thực hiện chủ trương điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán NSNN năm 2023 theo quy định tại Điều 67 của Luật Đầu tư công và bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong các năm 2024, 2025 để hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, nên lượng vốn đầu tư trong năm 2023 rất lớn. Nếu không phát huy được lợi thế này, các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được bổ sung vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân chậm và không được kéo dài, thì áp lực bố trí vốn cho giai đoạn 2026-2030 là rất lớn.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, việc phân bổ, sử dụng toàn bộ hạn mức trong trung hạn (270 nghìn tỷ đồng) là một thách thức, đòi hỏi cần có hướng tiếp cận mới đối với khoản vay này (thay vì vay theo dự án có ràng buộc nên nâng tỷ trọng vay hỗ trợ trực tiếp ngân sách cho cân đối chung) vì đây là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh quy mô thị trường vốn trong nước còn hạn chế.

GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG 2 NĂM CÒN LẠI CỦA KẾ HOẠCH

Thứ nhất, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực NSNN bố trí kế hoạch năm 2024, 2025 đáp ứng nhu cầu còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, giảm các khoản chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ định mức; quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên từ chi NSNN, bảo đảm chỉ được chi khi có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường sự kiểm tra, giám sát của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và giám sát của cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách quản lý biên chế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đầu tư đối tác công tư, mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực.

Mở rộng các hình thức đầu tư, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, ổn định chính sách và pháp luật khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng và phân bổ các nguồn lực. Công khai các quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án cấp thiết để giới thiệu, xúc tiến và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực hiện chính sách giá và phí các dịch vụ công theo nguyên tắc của cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, cần sớm nghiên cứu điều chỉnh các mức phí và giá quá thấp, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, như: phí cầu đường, viện phí, học phí… Nghiên cứu chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc các hình thức ưu đãi khác về đầu tư đối với các dự án khó có khả năng thu lợi nhuận thông qua quản lý vận hành. Thực hiện tốt các giải pháp này sẽ tạo nguồn để tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút ngày càng nhiều hơn khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công

- Sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các Luật liên quan đến đầu tư công như Luật Đất đai (như: thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi…); Luật Ngân sách nhà nước (về phân cấp nhiệm vụ chi); Luật Xây dựng (về cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế cơ sở…); Luật Khoáng sản (về làm rõ khái niệm “khoáng sản” tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản)… bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

- Xây dựng và ban hành quy định về các hành động được phép thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư (bố trí kinh phí nghiên cứu, trong trường hợp dự án không khả thi thì được phép hạch toán chi phí hợp lệ), công tác giải phóng mặt bằng (coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt)…

- Nghiên cứu, tiếp thu các vướng mắc về đất đai theo phản ảnh của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai.

- Đánh giá tình hình thực hiện triển khai các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, trách nhiệm của từng cấp.

Thứ ba, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế, tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; dành nguồn lực cho công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án”, đảm bảo tính sẵn sàng của các dự án cho thể triển khai ngay khi được bố trí vốn các năm 2024, 2025; đồng thời, chuẩn bị dự án đầu tư sẵn sàng cho giai đoạn 2026-2030; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, thời gian bố trí vốn, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chỉ được quyết định đầu tư khi dự án đã được lựa chọn theo đúng quy trình, thủ tục và thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, bố trí đủ vốn hoàn thành dự án theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án phải trên cơ sở các quy định của Nhà nước về định mức, suất đầu tư... bảo đảm hiệu quả, mục tiêu và tính liên tục trong đầu tư công. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Yêu cầu các bộ, địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong 2 năm còn lại của giai đoạn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công nhất là các dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP. Hà Nội, các tuyến cao tốc đi qua địa bàn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định. Đối với những dự án chậm tiến độ, đề nghị điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng giải ngân tốt có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện; ưu tiên điều chuyển vốn cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ; bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cần bảo đảm tính hợp lý, khả thi, không gây sức ép giải ngân bằng mọi giá, dẫn đến không bảo chất lượng dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, phấn đấu hoàn thành mục tiêu số dự án hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thứ năm, kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, bộ máy, hạ tầng, công cụ giám sát, đánh giá đầu tư của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động đầu tư công. Trong từng cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công phải có bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm tra, giám sát từng dự án thuộc phạm vi quản lý bảo đảm yêu cầu chất lượng hoạt động đầu tư, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại trong việc tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng, thực hiện đấu thầu qua mạng. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, kết nối với Hệ thống TABMIS bảo đảm toàn bộ quá trình lập, giao, điều chỉnh kế hoạch, theo dõi, báo cáo kế hoạch đầu tư công phải thực hiện trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính. Các cuộc kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, giúp phát hiện sớm và đầy đủ các khó khăn, vướng mắc để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường tư vấn, giám sát độc lập, trong đó có giám sát cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng công trình.

Thứ sáu, nâng cao vai trò của người đứng đầu

Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, thực hiện kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Hạn chế tối đa tình trạng kéo dài thời gian bố trí vốn của dự án, điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật./.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà

Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01, tháng 01/2024)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

2. Bộ Tài chính (2023), Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính 3 năm 2021-2023.

3. Chính phủ (2023), Báo cáo số 569/BC-CP, ngày 18/10/2023 về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2024.

4. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2023.


[1] Có thể trên các lĩnh vực năng lượng, y tế, thực phẩm, môi trường, thậm chí kể cả tài chính.

[2] Tốc độ tăng GDP trung bình 2,2% mỗi năm giai đoạn 2022-2030, thấp hơn so với mức tăng 2,6%/năm giai đoạn 2011-2021 và 3,5% trong giai đoạn 2000-2010.

[3] Lũy kế thanh toán vốn nước ngoài 12 tháng năm 2021 đạt 32,85%, năm 2022 đạt 45,45%, đều dưới 50%.

[4] Bao gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước

[5] Lào Cai, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP. Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

[6] Khoản 6 Điều 7 Nghị quyết số 29/2021/QH15 quy định: Đối với vốn cân đối NSĐP, các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối NSĐP trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của NSĐP hằng năm.