"Lạm phát đừng để thấp quá”
Trong hai ngày 31/08 và 01/09 năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2015.
Có khả năng hoàn thành 14 chỉ tiêu năm 2015
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới (giá dầu giảm, sự phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và các đồng tiền khác, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán trên thế giới...).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định tích cực, lạm phát thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20/8 tăng 9,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt gần 106 tỷ USD, tăng 9%. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 67% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng hơn 30%; vốn thực hiện ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6%.
Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển tích cực; khu vực công nghiệp tăng mạnh, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng hơn 10%, cho thấy sức mua tiếp tục phục hồi tích cực.
Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 được tổ chức tốt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện mặc dù nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức, bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây của kinh tế thế giới.
“Kết quả này tạo tiền đề thuận lợi để những tháng cuối năm, nếu không có gì đột biến, thì chúng ta có khả năng hoàn thành 14 chỉ tiêu năm 2015 như đã báo cáo Quốc hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
"Lạm phát đừng để thấp quá”
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý về những tác động tiêu cực của diễn biến tình hình thế giới.
“Bước đầu chúng ta đã ứng phó hiệu quả nhưng không được chủ quan. Phải bám sát tình hình, phản ứng chính xác, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả; chủ động đưa ra những giải pháp chính sách nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi. Phải làm sao biến thách thức thành cơ hội. Tinh thần là bám sát các mục tiêu đã đề ra, nỗ lực đạt kết quả cao nhất”, Thủ tướng yêu cầu.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng:"Lạm phát đừng để thấp quá, mà chủ động kiểm soát theo mục tiêu để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển”.
Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Bộ Tài chính tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước. Theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời.
Các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, công trình thủy lợi cấp bách, qua đó làm tăng tổng cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển và quản lý thị trường chứng khoán đang thực hiện hiệu quả. Đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức thu hút và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; tập trung kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm triệt để tiết kiệm. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA với EU và TPP trong thời gian tới. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế.
Các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 19.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào xử lý công việc của các cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, đầu tư công.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, hỗ trợ hộ cận nghèo.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ cao hơn
Về định hướng năm 2016, sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng cho ý kiến đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như về tăng trưởng GDP, đặt mức khoảng 6,7%; lạm phát khoảng 5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP...
Về ngân sách nhà nước năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, qua thảo luận tại phiên họp vẫn còn có các ý kiến khác nhau, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục tính toán theo hướng tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ cao hơn, thu ngân sách khả quan hơn. Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng nhấn mạnh rằng: “Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn để chúng ta có cái nhìn tổng thể việc đầu tư công một cách dài hơi hơn, để đầu tư công hiệu quả hơn. Đây cũng là một phần việc của tái cơ cấu đầu tư công”.
Về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020, Thủ tướng thống nhất sẽ thu gọn từ 61 chương trình còn 21 chương trình.
“Nguyên tắc chỉ loại bỏ các mục tiêu trùng lắp, không phù hợp hay đã hoàn thành, chứ không bỏ sót mục tiêu, nhiệm vụ chi nào. Các nhiệm vụ cần phải chi, nhất là chi cho con người thì không giảm cái nào”, Thủ tướng nêu rõ./.
Bình luận