Lao động phi chính thức ở Việt Nam trước tác động của CPTPP
THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Những năm gần đây, thuật ngữ lao động phi chính thức, khu vực kinh tế phi chính thức đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong các nghiên cứu kinh tế - xã hội cũng như các báo cáo thống kê về lao động – việc làm ở Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê (2017), lao động phi chính thức được định nghĩa là lao động có việc làm phi chính thức. Như vậy, lao động phi chính thức bao gồm hầu hết lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (chẳng hạn người chủ và người làm thuê trong các cơ sở kinh doanh cá thể, kinh doanh hộ gia đình, các xã viên hợp tác xã, thực hiện các hoạt động sản xuất ra các sản phẩm tự phục vụ cho bản thân và gia đình…, trừ một bộ phận rất nhỏ người lao động có việc làm chính thức trong khu vực phi chính thức) và một bộ phận người lao động làm các công việc phi chính thức trong khu vực kinh tế chính thức (ví dụ những người lao động làm các công việc phi chính thức (dọn vệ sinh, chăm sóc cây…) trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân chính thức, nhưng không có hợp đồng lao động).
|
Một điểm đáng lưu ý trong phạm vi xác định lao động phi chính thức được đưa ra trong Tổng cục Thống kê (2017) đó là lao động phi chính thức không bao gồm lao động trong hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của các hộ chưa có đăng ký kinh doanh. Quy ước này được thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xuất phát từ đặc thù của Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với khoảng trên 30% lao động làm nông nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2016-2019 trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bình quân lao động chính thức tăng 5,6%/năm, lao động phi chính thức tăng 3,6%/năm. Tốc độ tăng lao động chính thức cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng lao động phi chính thức, kéo theo tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm dần qua các năm.
Đến năm 2020, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người, số lao động có việc làm chính thức là 15,8 triệu người, giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức năm 2020 là 56,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019. Tình trạng lao động khu vực phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Sang năm 2021, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm, mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2021, số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là 18,0 triệu người, tương đương với tỷ lệ là 54,5% tổng số lao động, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 46,2%, giảm 2,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 61,8%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, lao động phi chính thức rất yếu thế trong việc thỏa thuận các quyền lợi về thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trong quá trình lao động so với chủ sử dụng lao động. Một nguyên nhân chính đó là họ làm việc thường không dựa trên hợp đồng lao động. Do đó, họ không nhận được sự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Lao động. Điển hình như về vấn đề thu nhập, theo ILO tại Việt Nam, trong quý II/2020, người lao động phi chính thức bị giảm thu nhập nhiều hơn so với lao động chính thức, với mức giảm tương ứng là 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; người lao động càng có bằng cấp, trình độ cao hơn, thì càng bị giảm thu nhập ít hơn (Hải Anh, 2020).
Bên cạnh đó, về vấn đề BHXH, Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện vào tháng 11/2018 cho biết, 97,9% lao động phi chính thức không có BHXH. Kết quả là nhóm lao động phi chính thức sẽ không nhận được sự chia sẻ rủi ro và sự bảo vệ hưu trí khi họ không còn đủ sức lao động.
ĐÁNH GIÁ VỀ TÁC ĐỘNG CỦA CPTPP ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC Ở VIỆT NAM
Như vậy, một thực trạng dễ nhận thấy, mặc dù là lực lượng lao động rất đông đảo trong xã hội, nhưng lao động phi chính thức lại là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất lợi trong nền kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với việc Việt Nam ký kết Hiệp định CPTPP và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, nhiều chuyên gia và các tổ chức quốc tế đã dự báo những tác động tích cực và tiêu cực có thể tạo ra cho nền kinh tế và các thành phần kinh tế ở Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế phi chính thức và người lao động phi chính thức. Vì vậy, việc nhìn nhận, đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực với nhóm lao động phi chính thức được đánh giá là vấn đề quan trọng trong quá trình đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng.
Tác động đến việc làm và thu nhập của lao động phi chính thức
Tham gia CPTPP được nhiều chuyên gia và các tổ chức quốc tế đánh giá là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới (2018), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo là sẽ tăng thêm 1,1% vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở (không có tác động của CPTPP). Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả hạn chế trong kịch bản dự báo không có sự thay đổi về năng suất lao động. Nếu năng suất lao động của Việt Nam nói chung tăng lên ở mức trung bình thì GDP năm 2030 sẽ tăng tới 3,5% so với kịch bản cơ sở. Nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đã chứng minh được mối quan hệ khá chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và việc làm được tạo ra trong đó có việc làm phi chính thức. P. H. Manh và cộng sự (2014) sử dụng các lý thuyết hàm sản xuất để dự báo tác động tăng trưởng kinh tế đến sự thay đổi việc làm trong nền kinh tế Việt Nam. Kết quả cho thấy 1% tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo sự tăng lên 1,71% số việc làm trong nền kinh tế.
Trên cơ sở những dự báo này, cùng với số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (2017) về Báo cáo lao động phi chính thức năm 2016 và dữ liệu điều tra Lao động - Việc làm năm 2016, kế thừa phương pháp ước tính tác động của tăng trưởng kinh tế đến lao động và việc làm của Cling, J. P., Razafindrakoto, M. và Roubaud, F. (2010), tác giả đã sử dụng một số tính toán để ước tính tác động của CPTPP đến việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức - khu vực tạo việc làm cho phần lớn lao động phi chính thức ở Việt Nam vào năm 2030. Kết quả được thể hiện trong Bảng 1.
* Với kịch bản GDP tăng 1% do tác động của CPTPP so với kịch bản cơ sở, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (2018) ** Với kịch bản GDP tăng 3,5% do tác động của CPTPP so với kịch bản cơ sở, nếu có sự cải thiện vừa phải năng suất lao động, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (2018). Lấy hệ số co giãn GDP theo lao động là 1,71% theo P. H. Manh và cộng sự (2013) Nguồn: Ước tính của tác giả từ Tổng cục Thống kê (2017) và dự báo tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Thế giới (2018) |
Theo kết quả ước tính ở Bảng 1, với năng suất lao động như giai đoạn hiện nay, tăng trưởng kinh tế do CPTPP mang lại sẽ giúp tạo thêm khoảng hơn 340.000 việc làm. Trong số việc làm mới được tạo thêm, chủ yếu là việc làm khu vực tư nhân chính thức và việc làm phi chính thức. Kết quả ước tính này cũng dựa trên cơ sở dự báo về sự sụt giảm việc làm và lao động trong ngành nông nghiệp. Theo kết quả ước tính của Ngân hàng Thế giới (2018), số việc làm ngành nông nghiệp có thể chịu tác động tiêu cực từ việc Việt Nam tham gia CPTPP do quá trình tự động hóa trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Việc làm trong nông nghiệp theo phương thức truyền thống sẽ giảm đi, thay vào đó là việc áp dụng các thiết bị tự động hóa trong nông nghiệp. Một nguyên nhân khác nữa được dự báo đó là do sản lượng nông nghiệp sản xuất trong nước và xuất khẩu giảm. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trong nước được bù đắp bằng các sản phẩm nông sản nhập khẩu ngày càng đa dạng (Hình 1).
Nhiều dự báo cũng cho rằng, diện tích đất nông nghiệp có thể bị cắt giảm mạnh do quá trình hội nhập, khiến nhiều lao động khu vực nông thôn không có việc làm. Họ phải di cư tới các vùng đô thị tìm kiếm việc làm và có thể chấp nhận làm các công việc phi chính thức, làm gia tăng số lao động phi chính thức.
Bên cạnh đó, cùng với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại bộ máy quản lý hành chính nhà nước, số lượng công nhân, viên chức, công chức trong khu vực công có nhiều khả năng sẽ ổn định ở mức hiện tại. Do đó, trong Bảng 1, tác giả giữ nguyên số việc làm của khu vực nhà nước.
Từ những ước tính đó, có thể nhận thấy, việc làm khu vực kinh tế phi chính thức có xu hướng tăng lên khá mạnh. Mặc dù cùng với quá trình phát triển kinh tế và mục tiêu chính thức hóa khu vực phi chính thức đã và đang được các nhà hoạch định chính sách quan tâm, việc làm khu vực kinh tế phi chính thức vẫn tồn tại một cách khách quan trong mọi nền kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, cùng với sự gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế do tác động của các cam kết về thuế quan và phi thuế quan trong CPTPP, số việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức vẫn sẽ tiếp tục tăng lên.
Nhìn từ góc độ nhu cầu về việc làm phi chính thức, có thể nhận thấy đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với lao động phi chính thức cũng như đối với các nhà hoạch định chính sách xã hội. Việc làm phi chính thức tăng lên phản ánh cầu về lao động phi chính thức tăng lên trong khu vực này. Cùng với đó là các cam kết về điều kiện làm việc đối với người lao động ở mức chấp nhận được, được đưa ra trong CPTPP, sẽ là những điều kiện tiền đề giúp gia tăng thu nhập cho người lao động phi chính thức. Tuy nhiên, duy trì tỷ lệ việc làm phi chính thức cao sẽ là một thách thức không nhỏ cho việc đảm bảo các mục tiêu bảo vệ cho người lao động do chính phủ khó kiểm soát và quản lý điều kiện làm việc, sự tham gia BHXH của người lao động.
Về thu nhập của lao động phi chính thức, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (2018), tham gia CPTPP sẽ làm tăng thu nhập cho tất cả các nhóm dân cư. Tuy nhiên, mức tăng này đối với 40% nhóm phân vị thu nhập thấp sẽ thấp hơn nhiều so với 60% nhóm phân vị thu nhập cao. Kết quả này được minh họa trong Hình 2.
Trong khi đó, nhóm phân vị thu nhập thấp lại chủ yếu là lao động phi chính thức và lao động nông nghiệp. Như vậy, mặc dù thu nhập của lao động phi chính thức được cải thiện do tác động của CPTPP, nhưng mức tăng thu nhập sẽ thấp hơn nhiều so với nhóm phân vị có thu nhập cao. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó một nguyên nhân chính đó là do các cam kết trong CPTPP tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn cho nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao.
Tác động tới các chế độ bảo vệ đối với lao động phi chính thức
Theo quy định khi đàm phán và gia nhập các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Do đó, các cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP bao gồm các cam kết chung và các cam kết riêng về lao động đã đề cập một cách chung nhất về quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố của ILO năm 1998: (a) tự do liên kết và thương lượng tập thể; (b) xóa bỏ lao động cưỡng bức; (c) xóa bỏ lao động trẻ em; (d) xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động. Do đó, tham gia CPTPP được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi lớn về các chế độ bảo vệ đối với lao động phi chính thức, thông qua những cải cách được kỳ vọng trong thời gian tới.
KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Tham gia CPTPP chắc chắn sẽ mang đến cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội việc làm với thu nhập, điều kiện làm việc và các chế độ bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, các cam kết trong CPTPP, đặc biệt là các cam kết về lao động đều được thực thi theo lộ trình. Do đó, tác động của CPTPP đến người lao động, trong đó có lao động phi chính thức ở Việt Nam sẽ là những tác động trong trung hạn và dài hạn. Do đó, đây chính là cơ hội để người lao động phi chính thức, các đơn vị sử dụng lao động phi chính thức và Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm thích ứng tốt nhất với những yêu cầu mới, đồng thời nắm bắt tốt nhất những cơ hội mới do CPTPP mang lại.
Đối với bản thân người lao động phi chính thức, một vấn đề không tránh khỏi đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường lao động quốc tế. CPTPP đang tạo ra những cơ hội việc làm với mức thu nhập cao cho lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có kỹ năng lao động tốt. Do đó, người lao động cần tự trau dồi kỹ năng lao động. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để người lao động phi chính thức có thể nắm bắt được những cơ hội việc làm với mức thu nhập cao và các chế độ bảo vệ xã hội tốt.
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động phi chính thức, CPTPP cũng đặt ra những cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, trong điều kiện áp lực về việc tạo lập môi trường làm việc tốt và cung cấp đầy đủ hơn các chế độ bảo vệ cho người lao động, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc gia tăng chi phí, ảnh hưởng tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm bắt được cơ hội sử dụng nguồn lao động có kỹ năng, có trình độ cao, nhằm giúp cải thiện đáng kể năng suất lao động. Đồng thời, doanh nghiệp cần cải thiện kỹ năng quản lý và trau dồi những kiến thức cơ bản nhất về sự hội nhập để tự bảo vệ mình và nắm bắt các cơ hội mới.
Đối với Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách về lao động và an sinh xã hội, CPTPP chính là cơ hội để cải cách các quy định pháp luật về lao động, mở rộng diện điều chỉnh đối với lao động phi chính thức và gia tăng sự bao phủ an sinh xã hội đối với lao động phi chính thức nhằm đạt được đồng thời các cam kết về lao động và đồng thời đạt được mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng mà Chính phủ Việt Nam đang hướng đến. Bên cạnh đó, các cơ quan hoạch định chính sách cần có những giải pháp hỗ trợ đối với người lao động trong việc định hướng nghề, đào tạo nghề để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động, đặc biệt là lao động phi chính thức, trong điều kiện lao động giá rẻ không còn được coi là lợi thế của thị trường lao động Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngân hàng Thế giới (2018). Báo cáo Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp của Việt Nam, tháng 5/2018
2. Tổng cục Thống kê (2017). Báo cáo lao động phi chính thức năm 2016 và dữ liệu điều tra Lao động - Việc làm năm 2016
3. Tổng cục Thống kê (2021a). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2020 và năm 2020
4. Tổng cục Thống kê (2021b). Tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020, ngày 06/01/2021
5. Tổng cục Thống kê (2021c). Tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2021, ngày 12/10/2021
6. Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) (2018). Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam”, công bố tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư tại Việt Nam, ngày 20/12/2018
7. Hải Anh (2020). Thu nhập lao động phi chính thức giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, truy cập từ https://laodong.vn/cong-doan/thu-nhap-lao-dong-phi-chinh-thuc-giam-84-so-voi-cung-ky-nam-ngoai-819015.ldo
8. N.T (2021). Tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, truy cập từ https://vov.vn/xa-hoi/viec-lam/ty-le-lao-dong-phi-chinh-thuc-cao-nhat-trong-3-nam-tro-lai-day-881830.vov
9. Cling, J. P., Razafindrakoto, M., Roubaud, F. (2010). Assessing the potential impact of the global crisis on the labour market and the informal sector in Vietnam, Journal of Economics & Development, 38, 16-25
10. Manh, P. H., Dao, H. T. T., Van Ngoc, N. (2014). Relationship between economic growth and employment in Vietnam, Journal of Economic Development, 222, 40-50
TS. Đỗ Thị Thu
Học viện Ngân hàng
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2021)
Bình luận