Ngày 2/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) với nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nội dung sửa đổi cần toàn diện (điều chỉnh cả các quỹ tài chính ngoài ngân sách), thống nhất, đồng bộ với các luật khác; làm rõ phân cấp trong quản lý thu - chi…

Quốc hội cần quy định định mức phân bổ ngân sách

“Quốc hội chúng ta có thực quyền hay không, có thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất hay không, một phần quan trọng phụ thuộc vào Luật Ngân sách nhà nước sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này”, đại biểu Nguyễn Văn Phúc - Hà Tĩnh đặt vấn đề khi bàn về dự án Luật này.

Trên quan điểm đó, đại biểu Phúc cho rằng, cần xem xét lại nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ ngân sách.

Dự án luật, Điều 24, Khoản 10, quy định Chính phủ xây dựng các nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở đó giao Thủ tướng Chính phủ ban hành làm căn cứ để xây dựng dự toán phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương.

“Tôi đề nghị Quốc hội quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách chứ không giao cho Thủ tướng Chính phủ. Bởi lẽ thực chất, thực quyền phân bổ ngân sách năm ở các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách. Tại các kỳ họp Quốc hội hầu như không thể quyết định dự toàn ngân sách nhà nước và quyết định phân bổ ngân sách trung ương khác với những điều Chính phủ trình, vì dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương đã được xây dựng theo nguyên tắc, tiêu chí định mức do Thủ tướng Chính phủ quyết định, mặc dù có xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, vị đại biểu này thẳng thắn.

Còn đại biểu Thân Đức Nam – TP. Đà Nẵng cho rằng, nội dung Luật Ngân sách nhà nước gắn với nội dung Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, do đó trong Luật ngân sách nhà nước đề nghị bổ sung, làm rõ vấn đề về phân quyền, phân cấp ngân sách. Mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đảm bảo Hội đồng nhân dân có thực quyền trong việc quyết định ngân sách địa phương trong phạm vi được phân quyền.

Ông Nam cũng chỉ rõ, bởi vì tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách nhà nước, mà nhiều chi, tiêu, thu - chi của ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định.

“Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu, chi, lập dự toán tích cực mà thường xuyên có xu hướng lập dự toán thấp, dự toán chi cao để được nhận hỗ trợ nhiều hơn. Trên thực tế chính quyền địa phương mới chỉ được ban quyền về tổ chức thực hiện chi ngân sách còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Trung ương”, đại biểu Nam phát biểu.

Còn theo đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam), thực tế tại các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình giảm nghèo, việc phân cấp chưa rõ ràng, nên hiện tượng cấp ngân sách chồng chéo còn diễn ra phổ biến tại các địa phương.

Chia sẻ vấn đề chi ngân sách địa phương, các đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho biết, chi ngân sách địa phương như dự thảo Luật tính thực thi chưa cao, chưa nói đến tư tưởng cục bộ. Theo đó, Quốc hội nên quy định mức bội chi ngân sách Nhà nước, bao gồm Trung ương và địa phương. Còn từng địa phương cụ thể nên giao cho Chính phủ quy định.

Lấy vay mới trả nợ cũ, bao giờ mới thoát khỏi nợ nần

Ở một góc khác, đại biểu Đồng Hữu Mạo - Thừa Thiên - Huế cho biết, vẫn còn nhiều băn khoăn về dự thảo Luật.

Cụ thể, liên quan đến Khoản 3, Điều 7, vị đại biểu này cho rằng, có sự mâu thuẫn. Phần đầu nói là bội chi ngân sách chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển. Nghĩa là chỉ sử dụng đầu tư phát triển không làm việc khác. Nhưng tiếp sau đó nguồn này cũng được trả nợ gốc đến hạn.

“Như vậy đâu phải chỉ đầu tư phát triển. Chi cho cả 2 mục tiêu. Cách ghi như thế này không rõ ràng”, đại biểu Mạo phát biểu.

Ông cũng khẳng định, không đồng ý với quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc đến hạn.

Bởi, mục đích vay là để đầu tư phát triển. Đầu tư phát triển tức là đầu tư để tạo ra thu nhập tăng thêm.

“Tức là khi đi vay, chúng ta tính toán làm thế nào để khoản vay đó có hiệu quả chúng ta mới vay, nếu không chắc hiệu quả là không vay. Hiệu quả ở đây là hiệu quả kinh tế - xã hội. Chi đầu tư phát triển lại tạo ra nguồn tăng thêm”, đại biểu Mạo nhấn mạnh.

Vị đại biểu của Thừa Thiên – Huế cũng lo lắng về quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc, khi đến hạn. Bởi, quy định như này thì không thấy hiệu quả sử dụng vốn vay, che lấp sử dụng yếu kém của vốn vay.

“Chúng ta nói là lấy khoản vay mới trả nợ gốc, không có quan hệ nào giữa trả nợ gốc này với kết quả sử dụng khoản vay trước đây, nó che lấp hoàn toàn yếu kém sử dụng nợ vay trước đây”, đại biểu Mạo nhấn mạnh.

Thứ nữa, quy định này, theo đại biểu Mạo đã làm cho chủ thể đi vay ít bị áp lực khi đi vay, ít quan tâm đến hiệu quả sử dụng vay. Chủ thể đi vay hiện nay không phải chỉ có Quốc hội.

“Trước đây và hiện nay là Quốc hội, nhưng theo dự thảo Luật mới này không chỉ có Quốc hội mà 63 tỉnh, thành. 63 tỉnh thành này là chủ thể đi vay, cứ vay nợ mới để trả nợ gốc, vừa làm cho chủ thể đi vay ít quan tâm đến hiệu quả và rất dễ tùy tiện đi vay, dẫn đến vay rất nhiều”, ông Mạo thẳng thắn.

Vị đại biểu này cũng lo ngại, quy định này sẽ tạo ra một cơ chế, cơ chế đó làm cho việc đi vay ít để ý đến sử dụng hiệu quả của nguồn vốn vay. Quy định này dẫn đến ngân sách nợ nần triền miên và không bao giờ cân đối được ngân sách.

“Bởi vì, lấy vay mới trả nợ cũ, năm này qua năm khác, quyết định ngân sách như thế thì có bao giờ chúng ta thoát ra được khỏi nợ nần ngân sách, cứ nợ nần triền miên”, đại biểu Mạo quan ngại.

Vì thế, vị đại biểu này đề nghị, không quy định lấy khoản vay bội chi ngân sách mới để trả nợ gốc.

Về vay nợ của chính quyền địa phương, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ mức dư nợ tối đa của địa phương, bổ sung quy định hệ thống cảnh báo cho chính quyền địa phương về rủi ro tài khoá và năng lực của các địa phương vay nợ nhằm tạo chủ động trong thu hút đầu tư.

Cần quy định rõ về nhiệm vụ chi dự phòng ngân sách

Liên quan đến dự phòng và dự trữ tài chính, có ý kiến đề nghị cần giảm mức dự phòng ngân sách hằng năm và tăng dự trữ tài chính để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đồng thời quy định rõ về nhiệm vụ chi dự phòng ngân sách, không quy định chung chung.

Trước đó, trong báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Dự phòng ngân sách là khoản mục cần thiết trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm để đáp ứng nguồn lực cho các trường hợp thiên tai, lũ lụt, thảm họa, dịch bệnh, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách.

Để nâng cao chất lượng dự toán ngân sách Nhà nước và theo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định mức dự phòng ngân sách từ 2-4%, thay vì từ 2-5% như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

Về nhiệm vụ chi dự phòng, nếu liệt kê cụ thể trong Luật thì có khả năng không bao quát, dự liệu được hết các trường hợp phát sinh trong thực tế. Vì vậy, để việc điều hành ngân sách linh hoạt, kịp thời, đề nghị Quốc hội cho được giữ như dự thảo Luật đã trình.

Về dự trữ tài chính, dự thảo Luật mới đã bổ sung quy định tăng thu ngân sách nhà nước hằng năm sẽ sử dụng một phần để tăng dự trữ tài chính, thể hiện tại Điểm b Khoản 2 Điều 58 của dự thảo Luật mới./.