Xe tải Trung Quốc đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu 19,4 tỷ USD từ Trung Quốc. Trong đó, ô tô nguyên chiếc nằm trong 10 nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, đạt giá trị 696 triệu USD, với hơn 18.000 chiếc, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là xe tải nguyên chiếc.

Với số lượng lớn như vậy, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam.

Xe tải Trung Quốc đang "chảy" ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam

Nguyên nhân chính để xe tải Trung Quốc vượt qua các quốc gia truyền thống xuất khẩu vào Việt Nam, như: Hàn Quốc, Nhật Bản là do Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2015-2018 có hiệu lực ngày 01/01/2015. Theo đó, việc nhập khẩu xe ô tô tải nguyên chiếc trên 45 tấn chỉ chịu thuế 0%. Còn dòng xe tải từ 25 tấn đến 45 tấn cũng chỉ có thuế suất 10%-15%.

Đại diện Công ty Ô tô Trường Hải cho biết, xe tải Trung Quốc nhập về đến Việt Nam rẻ hơn xe do Trường Hải sản xuất lắp ráp từ 5%-15%, cho dù tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe tải của Công ty đã lên đến 30%-40%.

Còn nếu so với xe tải có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản thì xe Trung Quốc rẻ hơn nhiều. Trên thị trường hiện nay, giá bán xe Trung Quốc chỉ bằng 2/3 so với xe Hàn Quốc, Nhật Bản. Chẳng hạn cùng là xe đầu kéo, có cấu hình tương đương nhau, nhưng xe nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bán 1,1-1,2 tỷ đồng/chiếc, trong khi xe của Hàn Quốc lên tới 1,8 tỷ đồng (Trần Thủy, 2015).

Đặc biệt, với động thái phá giá đồng Nhân dân tệ được cho là cao nhất trong hai mươi năm qua sẽ làm cho giá xe ô tô Trung Quốc vốn có lợi thế cạnh tranh về giá, nay lại càng có lợi thế hơn. Điều này được dự báo là trong thời gian tới ô tô tải của Trung Quốc sẽ tiếp tục tràn vào thị trường Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Vnmedia ông Vũ Văn Lôi, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hữu hạn Ô tô Tân Sở Phong Hồ Bắc - Trung Quốc (đơn vị đang hợp tác với Việt Nam xuất các dòng xe, như: rơ-mooc, xe đông lạnh, xe đầu kéo), việc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ có ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty.

Mặc dù chưa đưa ra mức giảm giá bao nhiêu sau khi đồng Nhân dân tệ phá giá, nhưng ông Lôi cho biết, hiện Việt Nam là một thị trường khá tiềm năng và trong năm tới lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức từ 18%-20%.

Diễn biến thị trường xe tải tại Việt Nam cho thấy, dòng xe tải Trung Quốc bán chạy đã giúp nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô lãi lớn trong thời gian qua.

Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (Hải Phòng), chuyên về lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu xe tải hạng trung và hạng nặng (chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc) cho thấy, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 đạt 2.044 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 335,6 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2014.

Xu thế phát triển xe tải Trung Quốc chỉ nhất thời?

Sự tăng trưởng nhập xe tải từ Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng tới nền sản xuất ô tô trong nước. Bởi, trong khi xe du lịch đang yếu thế trước hàng nhập khẩu thì các doanh nghiệp lắp ráp trong nước vẫn có thế mạnh và sống được nhờ sản xuất xe tải.

Những doanh nghiệp trong nước, như: Trường Hải (Thaco), VEAM, Vinamotor đều có những sản phẩm chủ lực là xe tải với tỷ lệ nội địa hóa rất cao so với xe du lịch. Trong số này, Thaco đang chiếm lĩnh thị trường với doanh số năm 2014 đạt 20.254 chiếc, tỷ lệ nội địa hóa trung bình 46%. Như vậy, thế mạnh của ngành công nghiệp lắp ráp ô tô trong nước đến từ xe tải đang có nguy cơ bị lấy mất.

Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch Vinamotor, “Giai đoạn bùng nổ này sẽ không kéo dài. Dự kiến cuối năm 2015, thị trường sẽ quay về với giai đoạn bình ổn trước đây”.

Cùng quan điểm này, lãnh đạo Thaco cho rằng, xu thế phát triển xe tải Trung Quốc chỉ nhất thời cũng như động thái phá giá đồng Nhân dân tệ hiện nay.

“Như xe máy Trung Quốc 10 năm trước, các doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc mua về rồi bán mà không quan tâm đến dịch vụ đồng bộ, thì khó có thể tồn tại. Doanh nghiệp nào biết định hướng, quan tâm tới dịch vụ hậu mãi, phân phối lắp ráp sẽ tồn tại, còn không thì sẽ bị thị trường tự đào thải”, ông Nghê nhìn nhận.

Thực tế cũng cho thấy, trên thị trường đang có không ít lo ngại về chất lượng đối với các dòng xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc. Giám đốc kỹ thuật một doanh nghiệp ô tô Việt Nam cho rằng, những thiết kế về gầm xe, trục kéo của nhiều mẫu xe tải Trung Quốc không hợp với đường sá Việt Nam nên nhanh hư hỏng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào bán hàng, không có dịch vụ cung cấp linh kiện thay thế chính hãng, cũng khiến chất lượng xe giảm nhanh.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian qua đã phát hiện nhiều xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn trong quá trình kiểm định. Có những trường hợp, cơ quan chức năng phát hiện động cơ xe không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; thông số kỹ thuật của xe khác với trong hồ sơ thậm chí, cùng một lô xe nhưng thông số kỹ thuật lại khác nhau... Không ít xe trong số đó đã bị yêu cầu tái xuất./.

Có tham khảo từ:

1. Trần Thủy (2015). Ô tô Tàu rầm rộ vào Việt Nam, truy cập từ http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/257064/oto-tau-ram-ro-vao-viet-nam.html

2. Tuấn Đức, Sỹ Lực (2015). Ồ ạt nhập xe tải khủng Trung Quốc: Hậu quả khó lường, truy cập từ http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/o-at-nhap-xe-tai-khung-trung-quoc-hau-qua-kho-luong-887656.tpo