Lộ trình tăng lương tối thiểu vẫn chưa đạt?
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Chủ tịch Hội đồng lương Quốc gia Phạm Minh Huân trong buổi họp báo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 02/08/2016.
Doanh nghiệp phải nỗ lực với mức tăng lương mới
Sau nhiều tranh luận, tính toán, trong 4 phương án mà Hội đồng tiền lương Quốc gia đã đưa ra, 13/14 thành viên hội đồng đã bỏ phiếu chốt phương án tăng 7,3% để trình Chính phủ. Cụ thể, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 so với lương tối thiểu vùng năm trước như sau: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, tức tăng 7,1%; Vùng 2 tăng 220.000 đồng, tăng 7,1%; Vùng 3 tăng 200.000 đồng, tăng 7,4%; và Vùng 4 tăng 180.000 đồng, tăng 7,9%. Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất là 213.000 đồng, tức tăng 7,3% so với năm 2016. Mức tăng này đều xem xét đến các yếu tố tác động như: Đóng bảo hiểm xã hội, tăng trưởng kinh tế GDP, tỷ lệ trượt giá, năng suất lao động...
Với mức tăng 7,3% năm 2017, theo tính toán của Hội đồng tiền lương Quốc gia thì, bình quân chi phí doanh nghiệp sẽ tăng thêm 0,31%. Riêng đối với các doanh nghiệp dệt may, chi phí sẽ tăng lên 2%. Và đây cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động lớn bởi năm nay là năm có nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp dệt may như đơn hàng khan hiếm, giá cũng giảm.
Đại diện cho giới doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI) cũng cho rằng, trước khi thống nhất mức tăng lương như trên thì VCCI chỉ đề xuất mức tăng từ 4%-5%, nếu tăng cao hơn sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể là đại diện của doanh nghiệp dệt may đề xuất không tăng lương vào năm 2017 do các doanh nghiệp dệt may từ đầu năm đến nay “bí” đơn hàng, nếu tăng lương sẽ tác động lớn đến chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Quyết định sau cùng việc tăng lương tối thiểu vùng lên 7,3% cũng là sự nỗ lực rất lớn của giới doanh nghiệp đối với người lao động, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản...”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ thêm.
Mặc dù doanh nghiệp kêu khó, nhưng mức tăng 7,3% mức lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động
Nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động
Mặc dù phía doanh nghiệp vẫn tiếp tục kêu khó, nhưng theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, phương án tăng 7,3% vào năm 2017 sẽ chịu nhiều sức ép từ phía người lao động do đời sống còn khó khăn.
“Tổng Liên đoàn Lao động đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với người lao động thưc tế có tới 75,5% đến 86,6% lao động phải làm thêm giờ thì thu nhập mới đủ sống. Do vậy, con số 7,3% sẽ vẫn chưa đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu”, ông Chính tiết lộ thêm.
Như vậy, theo lộ trình tăng lương được Quốc hội quy định đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu, nhưng nhiệm vụ này đã không thực hiện được. Thậm chí, theo khẳng định của Thứ trưởng Phạm Minh Huân thì mức tăng lương tối thiểu 7,3% vào năm 2017 vừa được Hội đồng tiền lương Quốc gia quyết định cũng mới chỉ đảm bảo được 90% mức sống tối thiểu. Do đó, việc thực hiện đúng lô trình là rất khó thực hiện bởi trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn nên cũng phải nghiên cứu kỹ vấn đề này.
“Theo tôi, đến năm 2018 vẫn chưa thể thực hiện được thì có thế giãn ra đến 2020, mỗi 1 năm tăng thêm một ít, tăng dần thì lộ trình cũng đỡ bị ảnh hưởng, nhất là phải xem xét đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định./.
Bình luận